Nguồn cung khí đốt - 'bài toán khó' đối với các nước châu Âu

Sản lượng khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã sụt giảm do các mỏ khí đốt ở Biển Bắc, vốn là nguồn sản xuất khí đốt tự nhiên đặc biệt quan trọng của Anh và Hà Lan, cạn kiệt.
Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ở Lubmin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người dân châu Âu đã phải chịu đựng giá năng lượng cao ngất ngưởng sau tình hình căng thẳng leo thang tại Đông Âu.

Trong phiên giao dịch 24/2, giá dầu Brent đã lần đầu tiên kể từ năm 2014 tăng lên 105 USD/thùng, trong khi giá khí đốt tự nhiên cũng tăng tới 6,5%.

Trong khi đó, Đức thông báo tạm dừng dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) ở Biển Baltic, dự án nhằm tăng dòng khí đốt trực tiếp của Nga đến Đức.

Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đặc biệt phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga, tờ Washington Post mới đây đưa tin EU đang lên kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Kế hoạch này dự kiến sẽ được Ủy ban châu Âu công bố vào tuần tới.

Lý giải về tình trạng phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt Nga của châu Âu, các chuyên gia cho biết sản lượng khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã sụt giảm do các mỏ khí đốt ở Biển Bắc, vốn là nguồn sản xuất khí đốt tự nhiên đặc biệt quan trọng của Anh và Hà Lan, cạn kiệt.

Sau đó, Hà Lan thông báo họ sẽ đóng cửa hoàn toàn các mỏ khí đốt Groningen vì động đất.

Trong khi đó, EU cũng giảm sự phụ thuộc vào than đá để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải vào năm 2030.

[Lượng dự trữ khí đốt của Đức giảm xuống mức đáng lo ngại]

Hiện tại, khoảng 20% điện năng của EU là từ sản xuất than. Kể từ năm 2012, EU đã giảm sản lượng điện than khoảng 1/3.

Thêm vào đó, Đức đã sớm từ chối các khoản đầu tư vào năng lượng hạt nhân vào năm 2011, sau sự cố hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản năm 2011.

Năng lượng hạt nhân chỉ đóng góp 13% tiêu thụ năng lượng của châu Âu, khí đốt tự nhiên chiếm khoảng 25%, xăng và dầu mỏ chiếm 32%, năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh học chiếm 18% và nhiên liệu hóa thạch chiếm 11% còn lại.

Hiện nay, EU là nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất trên thế giới, với tỷ trọng khí đốt lớn nhất đến từ Nga (41%), Na Uy (24%) và Algeria (11%). Xét về các nhà cung cấp nước ngoài, khí đốt của Nga có mức giá rẻ nhất. Do đó, thay vì đa dạng hóa nhà cung cấp, các tuyến đường nhập khẩu khí đốt của Nga đã được đa dạng hóa.

Mặc dù EU đang tập trung vào việc xây dựng các nguồn năng lượng tái tạo nhưng quá trình này diễn ra không đủ nhanh để giảm bớt sự phụ thuộc nhiên liệu vào nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục