Nguồn cung khan, giá bất động sản bắt đầu tăng nhẹ

Những tháng cuối năm, lượng dự án có sản phẩm mới chào bán ra thị trường hạn chế, giá bán căn hộ tại Hà Nội ổn định còn Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh.
Nguồn cung khan, giá bất động sản bắt đầu tăng nhẹ ảnh 1Dự án chung cư cao tầng 62 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội). (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Những năm gần đây, thị trường bất động sản quý cuối của năm thường diễn ra khá sôi động, một phần do khách hàng tích góp dòng tiền từ đầu năm và đợi mua nhà dịp này bởi đây cũng là thời điểm các chủ đầu tư tung ra nhiều chính sách ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn nhằm kích cầu.

Đặc biệt, tâm lý người Việt cũng muốn mua và dọn về nhà mới để kịp đón Tết nguyên đán.

Nhận định chung về thị trường, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chọn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để dẫn chứng minh họa. Trong khi tại Hà Nội nguồn cung, lượng giao dịch, tỷ lệ hấp thụ giảm mạnh thì với Thành phố Hồ Chí Minh cả tỷ lệ hấp thụ lẫn giá đều tiếp tục tăng cao.

Nhưng xét chung, cả hai thị trường lớn này thì căn hộ chung cư trung cấp vẫn là dòng sản phẩm chủ đạo. Tuy nhiên, lượng dự án có sản phẩm mới chào bán ra thị trường hạn chế. Giá bán căn hộ tại Hà Nội ổn định còn Thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh.

[Cung cầu bão hòa, bất động sản du lịch miền Trung đang ‘tuột dốc’?]

Thêm một yếu tố được các chuyên gia chỉ ra là thị trường căn hộ chung cư tiếp tục cho thấy sự phát triển mất cân đối giữa các phân khúc, thiếu nhà giá rẻ, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.

Cụ thể, tại thị trường Hà Nội, phân khúc căn hộ tầm trung vẫn được thị trường hấp thụ tốt, bởi phù hợp với nhu cầu ở thực ngày càng lớn của người dân, giá bán hợp lý và vừa với tầm tài chính của đa số khách hàng.

Các chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm, giá bất động sản trên thị trường Hà Nội sẽ tiếp tục tăng. Nguyên nhân là bởi sự chênh lệch về nguồn cung cầu hiện nay trên thị trường.

Mặc dù nhu cầu mua bất động sản ở thị trường Thủ đô vẫn ở mức cao nhưng nguồn cung lại sụt giảm mạnh. Dự kiến, trong quý 4, căn hộ tầm trung vẫn sẽ dẫn dắt thị trường và đạt lượng giao dịch cao hơn như một quy luật trước khi tạm chững lại vào thời điểm quý 1 năm sau.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, với tình hình không có nhiều thay đổi từ cơ chế, chính sách, nguồn hàng mới từ các dự án sẽ tiếp tục khan hiếm và có chiều hướng sụt giảm so với quý 3. Đặc biệt là thiếu hẳn phân khúc nhà ở giá thấp. Giá giao dịch tại thị trường này vẫn tiếp tục với tỷ lệ hấp thụ cao, duy trì ở mức trên 90%; giá tiếp tục tăng từ 3-5%.

Một số vùng có thị trường bất động sản đã phát triển mạnh trong một vài năm trở lại đây như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Nam và một số tỉnh thành khác trên cả nước bắt đầu có dấu hiệu suy giảm bởi các vấn đề về chính sách và vốn tín dụng, lãi suất ngân hàng.

Nguồn cung hạn chế, giao dịch chủ yếu đến từ các dự án đã chào bán trước đó. Thậm chí, xảy ra tình trạng một số dự án đóng bảng hàng, ngừng giao dịch do điều kiện pháp lý chưa đảm bảo hoặc không bán được hàng.

Trong khi đó, một số thị trường mới như Hòa Bình, Yên Bái, Lâm Đồng... lại dành được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện các dự án phát triển tại những khu vực này đều trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nên chưa có sản phẩm chào bán ra thị trường.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng thị trường bất động sản nhà ở cả nước quý 3 sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018 và có dấu hiệu phát triển không ổn định. Vì vậy, những tháng tới vẫn cần theo dõi sát sao và có biện pháp bình ổn thị trường nếu xảy ra biến động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục