Nguồn cung eo hẹp khiến hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng giá

Tại Sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ, giá hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng, dẫn đầu là lúa mì.
Nông dân thu hoạch đậu tương tại bang Iowa, Mỹ. (Ảnh: EPA-EFE/TTXVN)
Nông dân thu hoạch đậu tương tại bang Iowa, Mỹ. (Ảnh: EPA-EFE/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 18/9, tại Sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ, giá hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng, dẫn đầu là lúa mì.

Cụ thể, giá ngô giao tháng 12/2020 tăng 3,25 xu Mỹ (tương đương 0,37%) lên 3,405 USD/bushel khi đóng cửa.

Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 12/2020 chốt phiên với mức tăng 18,75 xu Mỹ (3,37%) lên 5,75 USD/bushel.

Giá đậu tương giao tháng 11/2020 tiến 15 xu (1,46%), lên 10.435 USD/bushel khi kết thúc phiên giao dịch (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Theo công ty nghiên cứu thị trường AgResource (có trụ sở tại Chicago), việc Trung Quốc tiếp tục mua đậu tương của Mỹ trong khi năng suất đậu tương lại thiếu chắc chắn đã giúp giá mặt hàng nông sản này tăng cao.

Nông dân tại khu vực Biển Đen không sẵn sàng bán ra giữa bối cảnh tình trạng hạn hán nghiêm trọng kéo dài và thời gian gieo hạt tối ưu cho lúa mì vụ đông sẽ khép lại vào đầu tháng Mười.

AgResource cho biết, Trung Quốc đã đảm bảo có thêm 132.000 tấn đậu tương và 210.000 tấn ngô được giao cho nước này trong giai đoạn 2020-2021.

Nhu cầu gạo từ các nhà xuất khẩu gạo lớn của châu Á giảm trong tuần này. Bangladesh ngừng nhập khẩu gạo ngay cả khi nguồn cung của nước này không đạt mục tiêu đề ra do lũ lụt phá hủy mùa màng.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ trong tuần này tăng lên 387-394 USD/tấn từ mức 383-389 USD/tấn của tuần trước đó.

Tính tới tuần trước, nông dân Ấn Độ đã trồng lúa trên 40,2 triệu ha đất, tăng 7,6% so với một năm trước.

[Thị trường nông sản tuần qua: Lúa, tiêu giữ giá ổn định]

Tại nước láng giềng Bangladesh, nơi đang phải vật lộn với nguồn cung gạo cạn kiệt và giá gạo nội địa tăng đột biến do lũ lụt và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lượng thu mua gạo trong nước của Bangladesh đã giảm gần 1 triệu tấn so với mục tiêu 1,95 triệu tấn.

Giao dịch càphê khá trầm lắng trong tuần này tại Việt Nam do nguồn cung khan hiếm, khi các thương nhân đang chờ đợi mùa vụ mới bắt đầu vào tháng tới.

Các nông dân ở Tây Nguyên, khu vực trồng càphê lớn nhất Việt Nam, trong tuần này chào bán càphê COFVN-DAK ở mức giá 34.200-34.500 đồng (1,47-1,49 USD)/kg trong tuần này, tăng nhẹ so với mức giá 33.300-33.500 đồng (1,44-1,45 USD)/kg của tuần trước.

Một thương nhân ở Tây Nguyên cho biết, cả cung và cầu đều rất yếu, bởi gần đến vụ mùa mới, các thương lái có xu hướng đợi mẻ hạt càphê mới, trong khi kho dự trữ của nông dân đã cạn.

Ngày 16/9, giá càphê Robusta giao tháng 11/2020 tăng 1 USD (tương đương 0,07%) lên 1.392 USD/tấn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục