Nhu cầu mua sắm trong dịp Tết đang ở giai đoạn cao điểm, nhưng về tổng thể, sản xuất hàng hóa và ngành nông sản thực phẩm vẫn khá thuận lợi, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng với mặt bằng giá thấp hơn hoặc tương đương năm trước.
[Thị trường Tết tăng nhiệt, doanh nghiệp bận rộn phục vụ khách hàng]
Nguồn cung hàng thiết yếu tăng 5-10%
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), từ sau ngày 8-9/2 tức là sau ngày 23 tháng Chạp âm lịch, nhu cầu mua sắm các mặt hàng phục vụ Tết sẽ vào thời gian cao điểm do vậy sức mua sẽ tăng mạnh so với ngày thường.
Để bình ổn thị trường, các doanh nghiệp đã chủ động lên kế hoạch chuẩn bị cùng với các chương trình phục vụ Tết khá chu đáo nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Đặc biệt, nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá được tung ra trong dịp này sẽ góp phần giữ giá hàng hóa không có biến động lớn.
Đối với các kênh bán lẻ truyền thống (các chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ) do chiếm tỷ trọng lớn nên giá cả thường có xu hướng tăng ở kênh này trong những ngày cận Tết.
Đáng chú ý, từ tháng 12/2017, giá thịt lợn hơi có xu hướng tăng nhẹ liên tiếp, hiện giá phổ biến ở mức 30.000 - 35.000đ/kg, người chăn nuôi bắt đầu có lãi, nhưng do nguồn cung trong nước tương đối dồi dào nên giá lợn hơi trong thời gian tới sẽ không tăng đột biến. Dự kiến giá lợn hơi chỉ tăng khoảng 10-12% trong dịp cận Tết nhưng vẫn ở mức thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Theo Vụ Thị trường trong nước, việc tăng giá ở kênh bán hàng truyền thống chủ yếu là do sức mua tăng dồn, việc dự trữ hàng hóa phục vụ Tết sẽ phát sinh chi phí. Chưa kể chủng loại hàng hóa phục vụ Tết thường là các mặt hàng chất lượng cao (như thủy hải sản cao cấp, gà ri, gà ta...) nên giá cả các mặt hàng này có thể cao hơn mức giá ngày thường.
Trong khi đó, tại kênh phân phối hiện đại của các nhà phân phối, bán lẻ lớn, do hầu hết đều thực hiện theo các chương trình bình ổn thị trường của các địa phương nên giá hàng hóa tại kênh này được giữ bình ổn sẽ là đối trọng với kênh truyền thống và giữ mặt bằng giá chung của cả thị trường không tăng cao.
Dự báo thị trường các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến, giá có thể sẽ tăng nhẹ đối với một số mặt hàng có nhu cầu cao và dồn vào những ngày cận Tết như thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây...
"Nhìn chung, giá cả hàng hoá tăng theo quy luật thị trường vào những ngày cao điểm và dịp sát Tết, ước mức tăng các mặt hàng thiết yếu tăng khoảng 5-10% so với ngày thường và tương đương so với cùng kỳ năm trước," đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Nhiều điểm bán từ Mùng 1 Tết
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát dự kiến sản xuất đưa ra thị trường lượng hàng hóa trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất nhóm hàng bánh mứt kẹo, giò chả, miến, nông sản chế biến… tổng trị giá khoảng 2.200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp kinh doanh thương mại dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 12.830 tỷ đồng. Đối với các chợ là kênh phân phối truyền thống và chủ yếu cung ứng các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân Thủ đô, dự kiến lượng hàng hóa phục vụ Tết ước đạt trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, lượng hàng dự kiến chuẩn bị phục vụ Tết cũng được các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường (ước chiếm từ 30-40% thị phần) với tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là 17.812,1 tỷ đồng, tăng 4,17% so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Đinh Dậu 2017.
Không chỉ tại các thành phố lớn, đại diện Vụ thị trường trong nước cho biết, nhiều địa phương đã kết hợp triển khai các hoạt động, giải pháp nhằm hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ hàng hóa, đồng thời chú trọng đến vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm cũng như kết nối tiêu thụ các sản phẩm an toàn vào hệ thống phân phối nhằm hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dân.
Điểm nổi bật năm nay là các doanh nghiệp tham gia chương trình, nhiều siêu thị lớn đã cam kết kéo dài thời gian phục vụ tại các điểm bán hàng bình ổn, các điểm bán hàng Tết tới chiều ngày 30 Tết và mở cửa sớm sau Tết, còn từ trưa ngày Mùng 1 Tết, một số doanh nghiệp đã có kế hoạch bố trí điểm bán không nghỉ Tết và có chương trình khuyến mại, giảm giá sâu nhiều mặt hàng trong dịp cận Tết.
"Điều này sẽ tạo tâm lý an tâm cho thị trường, nhất là ở các chợ dân sinh nơi tiểu thương nghỉ bán sớm và bán hàng trở lại muộn, giảm đầu cơ, mua trữ hàng gây tăng giá trong những ngày cận Tết, từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng," đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Chia sẻ về công việc chuẩn bị Tết, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán 2018, doanh nghiệp đã chủ động dự trữ một lượng hàng hóa trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó tập trung vào 18 nhóm hàng hóa thiết yếu để đưa ra kinh doanh và phục vụ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chú trọng bảo đảm hàng hóa có chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổng Công ty sẽ phục vụ người dân đến sát giao thừa và một số cửa hàng sẽ mở trong dịp Tết tại một số điểm du lịch quanh Hồ Gươm./.