Nguồn cung cát cạn kiệt, khuyến khích sử dụng các vật liệu thay thế

Nguồn cung cát cạn kiệt, nhu cầu vật liệu thay thế ngày càng cao

Theo các chuyên gia, vật liệu xây dựng thay cát được tạo ra từ các loại đá sẽ có hiệu quả lớn hơn rất nhiều so với khai thác cát lòng sông tại một số khu vực.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Với tốc độ xây dựng như hiện nay thì chỉ chưa đầy 15 năm nữa, nguồn cung cát sẽ cạn kiệt.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam và tiến sỹ Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam về vấn đề này.

- Về hiện tượng giá cát liên tục tăng trong những ngày vừa qua, nhiều đại lý lẫn nhà thầu đều cho rằng do việc quản lý khai thác cát đang được Chính phủ và nhiều địa phương đặc biệt siết chặt, chấn chỉnh. Theo các ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự việc này?

- Tiến sỹ Lê Ái Thụ: Việc giá cát bất ngờ tăng có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau. Để có câu trả lời có độ tin cậy nhất định cần phải có quá trình điều tra, khảo sát.

- Tiến sỹ Thái Duy Sâm: Cát là một vật liệu không thể thiếu được trong xây dựng để sản xuất bêtông, vữa xây dựng, gạch không nung, san nền... Ở nước ta, từ trước tới nay, người dân có thói quen sử dụng cát tự nhiên được khai thác từ các mỏ cát sông. Song việc khai thác cát sông không theo quy hoạch và giấy phép được cấp đã gây hậu quả nghiêm trọng ở nhiều địa phương. Do đó, Chính phủ đã chấn chỉnh quản lý việc khai thác cát sông.

Mặt khác, nguồn cát tự nhiên ở nước ta đang ngày càng khan hiếm vì việc bồi lắng, tái tạo các mỏ cát ngày càng hạn chế do việc đầu tư các công trình thủy điện ở thượng nguồn. Đó là những nguyên nhân dẫn đến nguồn cát đang khan hiếm, đẩy giá cát liên tục tăng trong những ngày vừa qua theo quy luật cung-cầu.

- Nhiều nhà thầu xây dựng cho biết đối phó với kinh phí phát sinh rất lớn từ giá cát đã khó, tìm phương án thay thế bởi cát nhân tạo càng khó hơn. Vậy theo các ông nên giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Tiến sỹ Lê Ái Thụ: Thực tế cho thấy khai thác cát lòng sông là loại hình khai thác khoáng sản siêu lợi nhuận, ít có khoáng sản nào có được tỷ suất lợi cao như khai thác cát lòng sông. Vì vậy, nhiều nhóm lợi ích khác nhau đã bằng mọi cách để tiếp tục được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác cát lòng sông.

Khai thác cát lòng sông đem lại lợi ích cho một số ít nhóm, song để lại hậu quả quá lớn cho đất nước. Điều này ngày càng thấy rõ, nhất là trong bối cảnh nguồn cung cấp cát cho các lòng sông ngày càng bị ngăn chặn (các đập thủy điện, các hồ thủy lợi...)

Để góp phần ngăn chặn tình trạng lãng phí tài nguyên, hạn chế các tác động xấu đến phát triển kinh tế xã hội do việc khai thác cát lòng sông, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan (đã được đề cập trong Chỉ thị số 29/2009/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) phải tiến hành làm tròn trách nhiệm theo quy định. Trước mắt, không cho phép khai thác cát tại các lòng sông có nguy cơ sạt lở lớn, phải truy tố trước pháp luật về tội phá hoại tài sản Nhà nước và của nhân dân do khai thác cát trái phép gây ra.

Còn việc sử dụng vật liệu thay thế cát lòng sông trong xây dựng là việc đương nhiên phải triển khai tại một số khu vực thiếu cát xây dựng. Cần phải thấy rằng cát xây dựng không chỉ được khai thác tại các lòng sông mà nó còn được khai thác tại nhiều khu vực khác nhau. Trên thế giới, khai thác cát, sỏi được triển khai rất nhiều ngoài khu vực các dòng sông. Vật liệu xây dựng thay cát được tạo ra từ các loại đá sẽ có hiệu quả lớn hơn rất nhiều so với khai thác cát lòng sông tại một số khu vực.

- Tiến sỹ Thái Duy Sâm: Việc sử dụng các nguyên liệu thay thế cát đã được ứng dụng từ 10 năm nay. Hiện đã có các loại nguyên liệu thay thế cát như cát nghiền, tro, vỉ, thạch cao... đảm bảo các công năng của cát. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa sử dụng nhiều các nguyên liệu này, một phần vì thói quen thích sử dụng cát tự nhiên đã ăn quá sâu trong suy nghĩ của người dùng.

Mới đây, Thủ tướng đã có Quyết định 452/2017 phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Quyết định này khi thực hiện sẽ bảo vệ môi trường và giảm sử dụng tài nguyên. Mục tiêu là đến năm 2020 phải xử lý và sử dụng khoảng 75 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao vào sản xuất vật liệu xây dựng.

Theo tôi, trước hết cần phải sử dụng cát một cách hợp lý, đúng mục đích và hết sức tiết kiệm, ví dụ thiết kế cấp phối bêtông, vữa xây dựng với hàm lượng cát tối thiểu để sản xuất gạch không nung, san nền có thể sử dụng các vật liệu khác (phế thải công nghiệp, phế thải khai thác khoáng sản, phế thải xây dựng, đất đồi). Tiếp đó cần đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng cát nhân tạo (cát nghiền) từ đá hoặc từ các phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, phế thải khai thác khoáng sản...

- Theo Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng của Thủ tướng Chính phủ, nhu cầu cát xây dựng của Việt Nam năm 2015 là 92 triệu m3/năm và năm 2020 tăng lên 130 triệu m3/năm. Đáp ứng nhu cầu này về lâu dài rất khó. Vậy cần có những biện pháp nào để giảm nhu cầu sử dụng cát tự nhiên?

- Tiến sỹ Thái Duy Sâm: Trước hết, Nhà nước phải quản lý việc khai thác và sử dụng cát tự nhiên chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật; tiếp tục thăm dò, khảo sát xác định chính xác trữ lượng và chất lượng các mỏ cát, có quy hoạch, kế hoạch khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm hiệu quả các nguồn cát tự nhiên; nghiêm cấm việc khai thác cát không theo q uy hoạch hoặc không có giấy phép khai thác, phải có các chế tài mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm. Sau đó, phải đẩy mạnh sản xuất và sử dụng cát nghiền từ các nguồn: đá tự nhiên, phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, phế thải khai thác và chế biến khoáng sản.

Thời gian gần đây, Viện Vật liệu xây dựng đã nghiên cứu công nghệ sản xuất cát nghiền từ đá và từ phế thải xây dựng, đã biên soạn tiêu chuẩn sản phẩm và hướng dẫn sử dụng cát nghiền; nhiều cơ sở đã sản xuất và sử dụng có hiệu quả như: công trình thủy điện Sơn La, thuỷ điện Lai Châu... đã công bố tiêu chuẩn TCVN 9205:2012 cát nghiền cho bêtông và vữa. Công ty Cổ phần Thiên Nam ở Quảng Ninh đang sản xuất cát nghiền từ phế thải khai thác than, chất lượng đạt tiêu chuẩn TCVN 9205:2012, giá cát nghiền của Công ty này được Sở Xây dựng Quảng Ninh công bố rẻ hơn 18% so với giá cát tự nhiên.

- Tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông với khối lượng lớn, trên phạm vi nhiều tuyến sông đã làm cho lòng sông bị hạ thấp, phân lưu dòng chảy trên các tuyến sông thay đổi... dẫn đến mất an toàn đê điều. Cần có hướng giải quyết ra sao để giảm tình trạng trên?

- Tiến sỹ Thái Duy Sâm: Như đề cập ở trên, hướng giải quyết là tăng cường quản lý việc khai thác và sử dụng cát tự nhiên chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, phải đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng cát nghiền từ các nguồn như: đá tự nhiên, phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp, phế thải khai thác và chế biến khoáng sản. Như vậy, không chỉ khắc phục được hiện tượng khan hiếm cát mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các nguồn phế thải.

- Tiến sỹ Lê Ái Thụ: Các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan cần phải làm tròn hơn trách nhiệm của mình, cần phải xác định rõ những nơi nào không cho phép khai thác cát lòng sông trên cơ sở các đánh giá tổng thể các lợi ích liên quan.


- Trân trọng cảm ơn!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục