Nguồn cơn của làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư ở Nhật Bản

Không ít người đã đặt câu hỏi: vì sao dịch COVID-19 tái bùng phát ở Nhật Bản khi nước này chỉ mới dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp chưa đầy 1 tháng?
Nguồn cơn của làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư ở Nhật Bản ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 9/4/2021. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Trong nỗ lực khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ngày 16/4, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm, nâng tổng số tỉnh, thành áp dụng các biện pháp này lên 10.

Quyết định này được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi ông Shigeru Omi, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, khẳng định Nhật Bản đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ tư.

Vào lúc này, không ít người đã đặt câu hỏi: vì sao dịch COVID-19 tái bùng phát ở Nhật Bản khi nước này chỉ mới dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp chưa đầy 1 tháng?

Trên thực tế, vào thời điểm Chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận hôm 18/3, không ít người đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả của việc dỡ bỏ quá sớm tình trạng khẩn cấp, vì khi đó, Nhật Bản vẫn ghi nhận khoảng 1.500 ca nhiễm mới mỗi ngày.

[Chuyên gia: Nhật Bản đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 4]

Kết quả thăm dò dư luận do hãng tin Kyodo tiến hành trong các ngày 19 và 20/3 cho thấy có tới 52,2% người được hỏi ho rằng việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp là quá sớm.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Chính phủ Nhật Bản không có cách nào khác khi đã gia hạn biện pháp này 2 lần ở Tokyo và 3 tỉnh lân cận, với tổng thời gian áp dụng lên tới 74 ngày, và tình trạng khẩn cấp đang ảnh hưởng rất lớn tới các hoạt động kinh tế-xã hội.

Hậu quả là số ca nhiễm mới ở Nhật Bản đã tăng trở lại ngay sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ vào ngày 21/3.

Số ca nhiễm mới  lần lượt vượt ngưỡng 2.000 ca/ngày vào ngày 26/3, 3.000 ngày 7/4 và 4.000 ngày 14/4.

Một nguyên nhân khác dẫn tới làn sóng lây nhiễm thứ tư ở Nhật Bản là sự xuất hiện của biến thể mới, có khả năng lây nhiễm cao hơn.

Các số liệu thống kê cho thấy số ca nhiễm N501Y - một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Anh - đã gia tăng mạnh mẽ ở Nhật Bản, nhất là ở khu vực Tây Nam.

Trong tuần từ 28/3 đến 3/4, tỷ lệ người dương tính với biến thể này ở Osaka là 73,7%, tăng mạnh so với con số 41,7% trong tuần từ ngày 14-20/3 và 65% trong tuần 21-27/3.

Tại Tokyo, tỷ lệ này cho dù vẫn thấp nhưng đang có xu hướng tăng, từ 3,1% trong tuần cuối cùng của tháng Ba lên 16% tuần từ 29/3-4/4 và 25,5% tuần từ 5-11/4.

Kết quả là khác với 3 làn sóng trước, tâm điểm của làn sóng lây nhiễm thứ tư đã dịch chuyển từ Tokyo về Osaka.

Trong 3 ngày gần đây, số ca nhiễm mới ở Osaka đã liên tục phá đỉnh sau khi vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày.

Ngày 15/4, tỉnh này ghi nhận thêm 1.208 ca nhiễm mới, cao gần gấp đôi so với Tokyo.

Trong khi đó, thủ đô Tokyo phát hiện thêm 729 ca, cao nhất kể từ ngày 4/2 - thời điểm thành phố này vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp.

Theo Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) của Nhật Bản, biến thể N501Y có khả năng lây nhiễm cao hơn 1,32 lần so với virus gốc về số lượng người có thể bị nhiễm bệnh từ một người.

NIID cảnh báo số ca nhiễm biến thể ở Osaka và 2 tỉnh lân cận đã gia tăng kể từ tháng 2/2021 và có thể chiếm gần 100% trong số ca nhiễm mới vào cuối tháng này.

Trong khi đó, số ca nhiễm N501Y ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận đã gia tăng kể từ giữa tháng 3/2021, và biến thể này có thể chiếm từ 80% đến 90% số ca nhiễm mới ở đây vào đầu tháng Năm.

Đối với 4 tỉnh miền Trung Nhật Bản và tỉnh Okinawa, theo NIID, số ca nhiễm biến thể trên có thể chiếm đa số (hơn 50%) vào đầu tháng tới.

Một chuyên gia của NIID dự báo với tốc độ như hiện nay, biến thể N501Y có thể sẽ chiếm đa số trong số các ca nhiễm mới ở Nhật Bản trong khoảng thời gian từ nay tới giữa tháng Năm.

Nếu dự báo này đúng, chắc chắn số ca nhiễm mới ở Nhật Bản sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, ngày 14/4, ông Omi, người đứng đầu nhóm chuyên gia cố vấn cho chính phủ trong việc ứng phó với COVID-19, cảnh báo Nhật Bản đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ tư, đồng thời đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm do số lượng các ca nhiễm mới đang gia tăng rất nhanh chóng.

Bên cạnh đó, ông cũng khuyến nghị Chính phủ Nhật Bản cần phải cân nhắc khả năng tái ban bố tình trạng khẩn cấp ở Osaka.

Tuy nhiên, Thủ tướng Suga Yoshihide vẫn tỏ ra thận trọng trước câu hỏi liệu nước này đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ tư hay chưa.

Phát biểu tại một phiên họp toàn thể của Thượng viện hôm 14/4, ông nói: “Tôi chưa thấy một làn sóng (lây nhiễm) lớn trên toàn quốc."

Nguồn cơn của làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư ở Nhật Bản ảnh 2Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người già tại viện dưỡng lão ở Tsu, tỉnh Mie, Nhật Bản ngày 12/4/2021. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Mặc dù vậy, ngày 16/4, Chính phủ Nhật Bản vẫn quyết định cho phép chính quyền 4 tỉnh, trong đó có 3 tỉnh giáp Tokyo, gồm Kanagawa, Chiba và Saitama, cùng một tỉnh miền Trung là Aichi, áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm cùng với 6 tỉnh, thành đã nằm trong danh sách này gồm: Osaka, Hyogo, Miyagi (từ ngày 5/4) và Tokyo, Kyoto, Okinawa (từ ngày 12/4).

Như vậy, một lần nữa Tokyo và 3 tỉnh lân cận cùng với 3 tỉnh Tây Nam gồm Osaka, Hyogo, Kyoto và Aichi nằm trong danh sách các tỉnh, thành phải áp dụng các biện pháp phòng dịch quyết liệt.

Thậm chí, không loại trừ khả năng Nhật Bản sẽ phải tái ban bố tình trạng khẩn cấp ở Osaka và Tokyo.

Một nguyên nhân khác khiến dịch bệnh bùng phát mạnh ở Nhật Bản là do nước này tỏ ra "chậm chân" hơn nhiều nước khác trong khu vực trong việc triển khai chương trình tiêm vaccine COVID-19.

Điều này xuất phát từ việc Nhật Bản chưa chủ động được nguồn cung vaccine do chưa có doanh nghiệp nào ở nước này thành công trong việc phát triển vaccine.

Mặt khác, cho dù đã ký hợp đồng mua vaccine của hầu hết các hãng lớn như Pfizer, AstraZeneca và Moderna, nhưng cho đến nay, Nhật Bản mới cấp phép lưu hành vaccine Pfizer và nguồn cung vaccine này cũng rất hạn chế.

Vì vậy, mặc dù bắt đầu chương trình tiêm chủng từ ngày 17/2 nhưng cho đến nay, Nhật Bản chỉ mới hoàn thành việc tiêm phòng cho 40.000 nhân viên y tế và bắt đầu triển khai tiêm mũi đầu tiên cho người cao tuổi từ ngày 12/4. 

Theo giới chức Nhật Bản, nước này có thể sẽ cấp phép lưu hành cho các vaccine AstraZeneca và Moderna trong tháng Năm.

Khi đó, nguồn cung vaccine sẽ dồi dào hơn. Tuy nhiên, đa số các chuyên gia cho rằng ngay cả khi đó, Nhật Bản cũng khó hoàn thành sớm chương trình tiêm chủng nếu chưa thể tự chủ về vaccine do sự khan hiếm của nguồn cung vaccine trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục