Người Xuân La: Tết kể chuyện cuộc đời là những chuyến đi xa

Tết đến, dân làng Xuân La (Phú Xuyên, Hà Nội) lại tản đi khắp nơi để nặn tò he đủ sắc màu cho trẻ em. Với họ, đó mới là chuyến du xuân đón Tết thực sự khi “bán niềm vui” cho mọi người.
Những con tò he màu mè đã ăn sâu vào ký ức của không biết bao nhiêu đứa trẻ nhỏ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nghề “bán niềm vui” cho trẻ nhỏ

Nếu xét về số lượng người đi "lang bạt" nhiều vùng nhất cả nước thì dân làng Xuân La (Phú Xuyên, Hà Nội) có lẽ sẽ được xếp số một. Đây là cũng là làng nghề nặn tò he duy nhất ở Việt Nam. Không một ai gắn bó với nghề nặn tò he lâu năm ở làng lại chưa từng đi trên từng cây số dọc chiều dài đất nước.

Họ đi bằng tàu, xe máy, ôtô, thậm chí cả đi bộ đến các vùng miền từ nông thôn đến thành phố, từ miền ngược đến miền xuôi, ở đâu có trẻ con, thì ở đó có mặt người làm tò he làng Xuân La.

Những chú tò he ngộ nghĩnh vốn đã gắn với kỷ niệm trong ký ức tuổi thơ êm đềm của không biết bao nhiêu đứa trẻ. Quanh năm đi nặn tò he, góp niềm vui cho trẻ con, nhưng chỉ dịp xuân về mới là “Tết” thực sự của dân làng Xuân La. Khi mọi người được nghỉ lễ, trở về sum họp, quây quần bên gia đình, thì người dân làng Xuân La lại đi khắp nơi để “bán niềm vui.” Họ tự hào coi đó là những chuyến du Xuân đầu năm hữu ích.

Gắn bó với con tò he từ 5-6 tuổi, anh Đặng Văn Hậu, người dân làng Xuân La đã được học nặn và đi khắp nơi để bán tò he. Ký ức của anh gắn liền với những con tò he đầy đủ kiểu dáng, màu mè bắt mắt của ông ngoại - nghệ nhân tò he nổi tiếng Đặng Văn Hạ. Cũng chính từ những sở thích ngày nhỏ, cộng với sự chỉ dạy tận tình của ông ngoại, dần dần nghề nặn tò he đã trở thành một phần cuộc sống của anh Hậu.

Ngày nay, nhiều đứa trẻ con làng ngày nào cũng tìm đến anh để học nặn tò he. Anh Hậu chia sẻ nhiều đứa còn khéo tay hơn anh, làm những con giống tỉ mỉ và bắt mắt khiến anh bất ngờ.

Anh tự hào: “Nghề nặn tò he đã nuôi sống cả làng vượt qua những năm tháng khốn khổ, thời chiến tranh và cả bây giờ. Nhưng hơn nữa, điều làm người Xuân La chúng tôi tự hào là chúng tôi đã và đang gìn giữ một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam nói chúng và người Hà Thành nói riêng

Ba mươi năm nay, anh Đặng Văn Khang đã gắn bó với nghề nặn tò he. Cũng như nhiều gia đình khác ở Xuân La, gia đình anh có nhiều thế hệ gắn bó với nghề. Bố anh - cụ Đặng Thế Nhạ đã hơn 80 tuổi vẫn ngày ngày dạy các cháu nặn tò he.

Những lễ hội, cuộc thi nặn tò he tổ chức hằng năm, cụ vẫn lặn lội đến xem, cổ vũ con cháu. Cái nghề khi đã thấm vào máu, ngấm vào xương, ăn sâu vào tâm khảm, khiến cho người ta đã “say” thì khó lòng dứt bỏ.

Mấy chục năm trời, cụ không nhớ là đã đặt chân đến bao nhiêu nơi, chỉ biết rằng, tỉnh nào cũng có dấu chân cụ, ga tàu nào cụ cũng đã nhảy xuống, trẻ em khắp cả nước được chơi tò he do chính tay cụ nặn… Cụ truyền lại lửa nghề cho các con cụ, với hy vọng, nghề nặn tò he không giàu nhưng mang niềm vui và tiếng thơm cho con cháu.

Ông Nguyễn Văn Phiên cũng là một trong những người đã gắn bó với nghề nặn con giống này hơn 60 năm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Năm 6 tuổi, anh Khang đã biết nặn những con vật ngộ nghĩnh bằng bột nếp. Mười lăm tuổi, bố anh đã dẫn anh đi khắp nơi để nặn tò he bán. Có những chuyến đi vượt Bắc-Nam, có thời gian mấy năm liền bám đất Sài Gòn để sống với nghề. Anh Khang không nhớ hết đã đi biết bao nhiêu chặng đường, qua bao nhiêu ổ gà, bao nhiêu năm đón giao thừa nơi đất khách. Càng gắn bó, anh càng thấm thía giá trị của nghề “bán niềm vui” này. Chẳng thế mà dân làng Xuân La, dù có đi mưa về nắng nhưng không vơi đi sự thân thiện, vui tươi.

Trăn trở về một làng nghề du lịch 

Với những người nặn tò he như anh Khang, anh Hậu, mỗi dịp xuân về, đi khắp các lễ hội, chùa chiền mới thực sự là “Tết”.

Những con tò he bây giờ đã được cải tiến, đẹp hơn, nhiều hình dạng hơn, chơi lâu hơn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Về làng Xuân La (Hà Nội) dịp cận Tết, cảnh người người chuẩn bị hòm gỗ, xe đạp, quần áo để đi xa là điều hết sức bình thường. “Tết là dịp mọi người về quê sum họp, nhưng lại là mùa để người Xuân La xa gia đình, đó mới là Tết của chúng tôi”. Anh Hậu vui vẻ chia sẻ.

Được nghỉ Tết, mọi người sẽ chuẩn bị các loại bột đủ sắc màu cùng chiếc hòm hình chữ nhật, bên trong có một chiếc lược nhỏ, những que vót khoảng 30 phân để chuẩn bị làm ăn. Người đi gần thì đến các làng lân cận, các lễ hội quanh Hà Nội, xa hơn thì đến Nghệ An, Thanh Hóa, thậm chí cả Sài Gòn.

Qua mỗi dịp Tết, có thể số tiền họ kiếm được không đáng bao nhiêu nhưng với những người nặn tò he, được nặn “niềm vui” và bán cho mọi người, đó mới là ý nghĩa sống của họ. Qua nhiều năm “tha hương cầu thực”, nhiều người muốn chuyển hướng đi mới cho tò he Xuân La.

Anh Đặng Văn Hậu đã trăn trở về một mô hình du lịch làng nghề, vừa là địa điểm tham quan, vui chơi của trẻ em trong tương lai để bảo tồn và phát triển làng nghề tò he vừa được công nhận là làng nghề truyền thống.

Anh Đặng Văn Hậu, người luôn trăn trở với nghề nặn tò he. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Nghề tò he bây giờ muốn phát triển phải ổn định và phát từ làng chứ cứ mãi cảnh lang thang đây đó dần dần sẽ chẳng ai biết đến thú chơi này nữa”. Anh Hậu chia sẻ.

Tết đến, xuân về, dạo qua các phố phường của Hà Nội, thấy bạt ngàn đồ chơi, đồ lưu niệm xuất xứ từ Trung Quốc. Những mẹt hàng tò he nằm lẩn khuất ở một góc đường, không nhiều người để ý. Biết đến bao giờ tò he mới hết cảnh lênh đênh?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục