Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt: Xóa 'điểm trắng' hàng Việt

Sau 10 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thành công của ngành công thương là đã xóa được những “điểm trắng” hàng Việt, nhất là tại nông thôn và vùng sâu, vùng xa.
Các gian hàng Việt Nam chất lượng cao tại phiên chợ thu hút đông đảo người tiêu dùng quan tâm, mua sắm. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)
Các gian hàng Việt Nam chất lượng cao tại phiên chợ thu hút đông đảo người tiêu dùng quan tâm, mua sắm. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Bằng nhiều hoạt động thiết thực như đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng điểm bán hàng Việt, kết nối cung-cầu hàng hóa, 10 năm qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ.

Tuy nhiên, để hàng Việt thực sự có sức cạnh tranh trên thị trường thì chất lượng phải là yếu tố then chốt.

Chiếm lĩnh lòng tin

Trước đây, người tiêu dùng Việt chưa quan tâm đến các sản phẩm “Made in Viet Nam” bởi giá cả và chất lượng hạn chế.

Trong khi đó, hàng nhập từ Trung Quốc, Thái Lan lại đáp ứng được hai vấn đề này. Điều đó đã khiến một thời gian dài người tiêu dùng Việt đã thờ ơ và quay lưng lại với hàng hóa trong nước.

Chính vì vậy, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã như ngọn lửa thôi thúc doanh nghiệp thi đua sản xuất và đánh thức lòng yêu nước trong dân.

Đây cũng được xem như lực đẩy giúp không ít doanh nghiệp đầu tư công nghệ máy móc cũng như học tập kinh nghiệm để nâng cao mẫu mã chất lượng hàng hóa.

Đặc biệt hơn, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng nguyên vật liệu đầu vào do Việt Nam sản xuất hoặc được đầu tư sản xuất tại Việt Nam để vừa giảm giá thành, vừa hỗ trợ sản xuất trong nước, giúp người dân tại vùng nông thôn có cơ hội tiếp cận hàng Việt chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh.

[Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Tạo đà để hàng Việt vươn xa]

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết việc đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua được các địa phương rất quan tâm và đã trở thành một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng cuộc vận động.

Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt: Xóa 'điểm trắng' hàng Việt ảnh 1Người dân Sơn La lựa chọn đồ may mặc hàng Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN)

Hầu hết các đợt bán hàng đã thu hút được đông đảo người dân địa phương đến thăm quan, mua sắm và bước đầu tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nội địa.

Theo bà Lê Việt Nga, các phiên chợ mang đến nhiều mặt hàng phong phú, phù hợp với nhu cầu người dân, hơn nữa lại gắn với Chương trình bình ổn thị trường nên sản phẩm đều có giá cả rất hợp lý.

Đáng lưu ý, kể từ khi có cuộc vận động, số lượng các đợt bán hàng Việt về nông thôn cũng tăng lên cả về số lượng và quy mô tùy theo từng địa bàn.

Điều này thể hiện sự chủ động, tích cực, sáng tạo của nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia như Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty Kỹ nghệ súc sản (Vissan), Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, Công ty cổ phần Intimex, hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op Mart, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty TNHH Ba Huân…

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong 10 năm qua, các Sở Công Thương tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức được gần 4.000 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 100.000 lượt doanh nghiệp tham gia tại hơn 78.000 gian hàng, thu hút hơn 5 triệu lượt người dân địa phương tham quan mua sắm và doanh thu mang lại hơn 64,47 nghìn tỷ đồng.

Chính nhờ sự trợ sức của các chuyến hàng Việt về nông thôn nên nhiều thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, qua đó mở rộng thị phần chiếm 68% tại các vùng nông thôn.

Do vậy, bà Lê Việt Nga cho rằng, tới đây, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ không chỉ tập trung vào các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn mà còn chú trọng xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam ở khu vực này để bà con được tiếp cận hàng Việt một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất.

Để "đứng vững" trên sân nhà

Là một trong những tỉnh điển hình trong việc đưa hàng Việt về nông thôn, sau 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” tỉnh Nghệ An đã tổ chức trên 20 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và 50 phiên chợ hàng Việt Nam.

Mỗi phiên chợ thu hút số lượng khách trung bình từ 5.000-6.000 người, doanh thu bình quân đạt 700-800 triệu đồng/phiên chợ.

Cùng đó, tỉnh còn xây dựng các điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại thành phố Vinh, huyện Con Cuông, Nghĩa Đàn...

Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt: Xóa 'điểm trắng' hàng Việt ảnh 2Đóng gói sản phẩm chè xanh Mộc Châu. (Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN)

Ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La, cho biết, trong 10 năm qua, tỉnh đã tổ chức 186 hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn; trong đó, có 106 hội chợ tổ chức tại trung tâm các huyện, thành phố; 80 hội chợ tại các cụm xã với gần 20.000 gian hàng các loại, thu hút gần 15.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia, giá trị trao đổi trên 400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng mới 45 chợ, đưa tổng số chợ trên địa bàn tỉnh đến nay là 122 chợ; 1 trung tâm thương mại, 5 siêu thị và nhiều cửa hàng thương mại tiện ích.

Mặt khác, tỉnh thiết lập các điểm bán hàng khu trưng bày giới thiệu sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh tại các địa phương, lồng ghép với Chương trình bình ổn thị trường; thiết lập 7 mô hình thí điểm bán hàng "Tự hào hàng Việt Nam" tại thành phố và các huyện Mộc Châu, Bắc Yên, Sông Mã.

Nhận định về vai trò của doanh nghiệp trong việc đưa hàng Việt về nông thôn, ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Đà Nẵng khẳng định: Từ khi có Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” các doanh nghiệp Việt nói chung, doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng đã ý thức hơn về trách nhiệm đối với người tiêu dùng qua việc đầu tư chất lượng, cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành, quảng bá thương hiệu, sản phẩm.

Hơn nữa, người tiêu dùng từng bước nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi với hàng hóa sản xuất trong nước qua việc thay đổi hành vi ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam. Vì vậy, tỷ trọng sử dụng hàng Việt ngày càng được nâng cao, tỷ lệ gắn bó và sử dụng lâu dài hàng Việt cũng dần được cải thiện.

Tuy vậy, hàng Việt Nam vẫn còn nhiều yếu điểm cần phải được khắc phục như khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường của hàng hóa sản xuất trong nước còn thấp, sức cạnh tranh không cao.

Ngoài ra, các mặt hàng là thế mạnh cũng bị một lượng lớn hàng nhập khẩu cạnh tranh gay gắt; nguyên liệu đầu vào còn phụ thuộc giá nhập khẩu nên khó khăn trong xây dựng giá thành.

Do đó, để đứng vững trên “sân nhà”, các doanh nghiệp Việt Nam cần dành sự đầu tư nghiêm túc và đúng mức cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời, tận dụng ưu thế là sản phẩm của người Việt để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Để nâng cao hiệu quả Cuộc vận động, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, thành phố đã chuyển từ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam sang hướng nâng chất, đi vào chiều sâu.

Điều này thể hiện qua việc xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, tiến tới hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam thông qua cách làm mới với tên gọi “Chắp cánh hàng Việt.”

Đặc biệt, trong năm nay chương trình sẽ tập trung vào ngành hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, gồm: rau củ quả trái cây, thịt gia súc, gia cầm… Bởi lẽ, đây là ngành hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, gắn với đời sống người dân cũng như hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho nông dân các tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tích cực triển khai các hoạt động truyền thông giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Ngoài ra, Bộ sẽ tổ chức các hệ thống phân phối hàng Việt Nam có tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, những điểm bán hàng Việt Nam không chỉ ở thành phố mà ở cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo; tập huấn kỹ năng phân phối hàng Việt Nam cho các doanh nghiệp và các hộ tạp hóa kinh doanh theo phương thức truyền thống trong các chợ truyền thống.

Đặc biệt, thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động, Bộ Công Thương đang triển khai hỗ trợ các địa phương xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam cố định tại các địa phương.

Mục tiêu đến năm 2020, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều xây dựng được các Điểm bán hàng Việt Nam cố định; trong đó, ưu tiên khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Đây được kỳ vọng sẽ trở thành điểm tập kết hàng Việt, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư điểm bán, từ đó tạo sự lan tỏa và để hàng Việt đến gần hơn nữa với người tiêu dùng trên cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục