Người Việt Nam tại Macau đoàn kết trong đại dịch COVID-19

Hiện có hơn 22.000 người Việt và gốc Việt đang làm ăn, sinh sống tại Macau, trong đó phần lớn là người lao động làm giúp việc gia đình và phục vụ tại các sòng bài với thu nhập từ 500-1.000 USD/tháng.
Hiệp hội đồng bào hải ngoại Việt Nam tại Macau giúp đỡ người lao động Việt Nam bị bệnh tật. (Ảnh: Lê Ánh/Vietnam+)

Khu hành chính đặc biệt Macau (Trung Quốc) có thể nói là một trong những nơi kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tốt nhất trên thế giới, với 49 trường hợp nhiễm virus SAR-CoV-2 và không có ca tử vong kể từ khi bùng phát dịch cho đến nay.

Tuy nhiên, đại dịch cũng tác động nặng nề tới nền kinh tế này bởi du lịch là ngành trọng tâm của Macau, với 2/3 du khách từ Trung Quốc đại lục tới các khu sòng bài nổi tiếng.

Do COVID-19, hầu hết các hoạt động đi lại đã bị đình trệ từ năm 2020, các sòng bài phải tạm thời đóng cửa, dẫn đến thu nhập tại đây giảm mạnh, cũng như tác động đến một số ngành dịch vụ khác ở Macau.

Hiện có hơn 22.000 người Việt Nam và gốc Việt đang làm ăn, sinh sống tại Macau, trong đó phần lớn là người lao động làm giúp việc gia đình và phục vụ tại các sòng bài với thu nhập từ 500-1.000 USD/tháng.

Những người lao động Việt Nam tại Macau cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì bị mất việc hoặc giảm giờ làm.

Hơn 2.000 người lao động Việt Nam vốn làm việc trong các ngành dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, sòng bạc… ở đây đã bị thất nghiệp, thẻ làm việc bị hủy, không có chuyến bay về nước.

Không có thu nhập, một số lao động Việt Nam tại Macau đang phải vét những đồng tiền cuối cùng sau bao năm tích cóp để cầm cự với chi phí sinh hoạt đắt đỏ.

Đặc biệt với những người đang mang thai, tiền khám thai định kỳ mỗi tháng lên tới 7 triệu đồng, tương đương với tiền đi sinh thường ở bệnh viện công tại quê nhà.

Nhờ sự phối hợp giữa Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong và Macau cùng các cơ quan chức năng Việt Nam, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và một số hội đồng hương người Việt tại Macau cho đến nay đã tổ chức được các chuyến bay đến Macau để đón hơn 1.000 người Việt Nam có nguyện vọng về nước.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn hơn 2.000 người bị mắc kẹt tại đây. 

Với tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, “lá lành đùm lá rách”, các hội đồng hương người Việt tại Macau đã cùng chung tay giúp đỡ những người Việt gặp khó khăn.

Hiệp hội Đồng bào hải ngoại Việt Nam tại Macau phát hơn 200 phần quà hỗ trợ giúp đỡ cho cộng đồng người Việt Nam gặp khó khăn do thất nghiệp, ốm đau bệnh tật, mang thai hoặc có con nhỏ cũng như ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung tại Việt Nam.

[Đưa 343 công dân Việt Nam từ đặc khu Macau trở về nước]

Liên hiệp Hội hữu nghị đồng hương Việt Nam-Macau trong năm 2020 cũng đã quyên góp được hơn 900 triệu đồng Việt Nam để giúp đỡ gia đình những người lao động Việt Nam tử vong do bệnh tật hay tai nạn, phụ nữ mang thai và có con nhỏ, những người ốm đau bệnh tật không có tiền chữa trị, những người lao động bị phân biệt đối xử...

Chia sẻ với chúng tôi, bà Trần Thị Gọn, Chủ tịch Liên hiệp Hội hữu nghị đồng hương Việt Nam-Macau, cho biết trong năm vừa qua, tuy gặp khó khăn vất vả vì dịch bệnh, nhưng bà con người Việt tại Macau vẫn đoàn kết, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, có nhiều đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.

Hiệp hội còn liên tục mở các khóa hỗ trợ đào tạo dành cho người giúp việc gia đình, bao gồm văn hóa, ngôn ngữ, chế độ ăn uống và tư vấn tâm lý, nhằm giúp họ có thể hòa nhập vào cuộc sống và xã hội Macau càng sớm càng tốt.

Hiệp hội đồng bào hải ngoại Việt Nam tại Macau giúp đỡ người lao động Việt Nam gặp khó khăn bị ốm đau. (Ảnh: Lê Ánh/Vietnam+)

Chị Trần Thị Hồng, một người làm việc tại Macau đã nhiều năm, chia sẻ rằng chính nhờ các hội đồng hương Việt Nam tại đây mà nhiều người lao động gặp khó khăn, bệnh tật, có con nhỏ bị mắc kẹt tại Macau được thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tư vấn kịp thời giúp ổn định tâm lý cho cộng đồng.

Chẳng hạn như chị Lê Thị Lan, sinh năm 1971 tại Thanh Hóa, sang Macau làm giúp việc gia đình từ năm 2015, mất vào đầu tháng 2/2021 tại nhà chủ do cảm đột tử.

Sau khi được tin, Hiệp hội Đồng bào hải ngoại Việt Nam tại Macau đã phối hợp với phía gia đình và cảnh sát để làm các thủ tục cần thiết. Ngoài ra, Hiệp hội kêu gọi mọi người giúp đỡ gia đình số tiền 61.320 MOP (tương đương 180 triệu đồng).

Một trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Nhịp, sinh năm 1965 tại Hải Dương, đã sang Macau làm việc hơn ba năm, bị chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối, dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do bệnh quá nặng, chị đã mất ngày 8/1 tại bệnh viện San Ding Macau.

Hiệp hội đã phối hợp cùng đại diện phía gia đình tại Macau tiến hành làm mọi thủ tục cần thiết và kêu gọi ủng hộ gia đình với số tiền 94.580 MOP (280 triệu đồng).

Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp người Việt đau ốm, gặp tai nạn tại Macau được Hiệp hội đến hỏi thăm, động viên và tặng quà thăm hỏi...

Những tình cảm từ bà con người Việt tại đây đã giúp họ có thêm động lực vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh này.

Bên cạnh đó, người lao động Việt Nam tại Macau được giới chức địa phương đánh giá cao về tinh thần làm việc và chấp hành quy định luật pháp sở tại.

Trong thời gian dịch bệnh, Cục Đô thị Macau đã phối hợp với các hội đồng hương người Việt tại Macau tổ chức các hoạt động tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường gia đình và công cộng, quét dọn đường phố, đồng thời phổ biến các khái niệm về vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh thông qua các video quảng cáo giáo dục công dân, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sống.

Ngoài ra, còn có các trò chơi đố vui có thưởng, các tiết mục múa dân tộc mang đậm chất Việt Nam. Người lao động Việt Nam tại Macau đã tích cực tham dự hoạt động này.

Bà Trần Thị Gọn cho biết thông qua các hoạt động cộng đồng, người Việt ở Macau được tuyên truyền về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, nâng cao ý thức tự bảo vệ mình và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, các hội đồng hương người Việt tại Macau còn tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đá bóng vào các dịp lễ, Tết và ngày nghỉ cuối tuần để giúp người lao động Việt Nam xa quê hương có sân chơi bổ ích, lành mạnh, tránh xa các tệ nạn, quên đi nỗi buồn xa gia đình cũng như những khó khăn, vất vả trong cuộc sống lao động hằng ngày.

Có thể nói, với tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, người Việt Nam tại Macau (Trung Quốc) đã và đang nỗ lực vượt qua đại dịch, để mọi người dù ở xa quê hương vẫn có thể có một cuộc sống lành mạnh và an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục