'Người Việt dùng hàng Việt' góp phần tăng quy mô cung-cầu nền kinh tế

Sau 10 năm triển khai, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, đảm bảo cân đối cung-cầu nhanh chóng.
'Người Việt dùng hàng Việt' góp phần tăng quy mô cung-cầu nền kinh tế ảnh 1Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng nội địa, tăng quy mô cung-cầu nền kinh tế.

Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tại tọa đàm “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai mô hình giảm nghèo và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển kinh tế-xã hội trong thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới,” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang chiều 26/11.

Sau 10 năm triển khai, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, đảm bảo cân đối cung-cầu nhanh chóng.

Đến nay, nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam đã chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.

[Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước]

Hiệu quả tích cực của cuộc vận động là đã thay đổi tâm lý, thói quen tiêu dùng của người Việt, khi có đến 90% người dân được hỏi rất quan tâm đến hàng Việt và có đến 70% người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt.

Từ hiệu quả của cuộc vận động, các doanh nghiệp trong nước đã tích cực triển khai các giải pháp, hưởng ứng cuộc vận động; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất; cung cấp dịch vụ có chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu, từ đó đưa hàng Việt vào các kênh bán hàng góp phần giúp tỷ trọng hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước duy trì ở tỷ lệ cao, đảm bảo sự ổn định.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến cuối tháng 10/2020, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao, chiếm 90-93% tỷ lệ hàng hóa tại Hệ thống siêu thị Co.opmart, khoảng 63% tại Vinmart...

Các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh như: Co.opmart mở được hơn 113 siêu thị trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán lẻ của thương hiệu này lên hơn 600 điểm; Vingroup mở được khoảng 100 siêu thị Vinmart và 1.700 cửa hàng Vinmart+...

Bà Trương Thị Ngọc Ánh Cho rằng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng nội địa, tăng quy mô cung-cầu của nền kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định cuộc vận động cũng tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, các tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản xuất trong nước, qua đó thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt, coi đó là sự thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và bước đầu hình thành nét đẹp văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam.

Cùng với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tập trung thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo.

Trong 3 năm từ năm 2018-2020, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hỗ trợ gần 18 tỷ đồng thực hiện 34 mô hình giảm nghèo tại các địa phương, trong đó có 6 tỉnh Nam sông Hậu: An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Việc triển khai Chương trình giảm nghèo đã nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của các địa phương, người dân tham gia dự án, mô hình.

Các dự án, mô hình đã bước đầu phát huy được hiệu quả, góp phần tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo có cơ hội phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo, hạn chế tái nghèo và nâng chất lượng của người dân, đặc biệt là nhân dân các địa bàn nghèo, miền núi, biên giới…

Tại Cà Mau, thông qua việc xây dựng mô hình xóa trắng hộ nghèo ở ấp, khóm và xã, phường, thị trấn, năm 2019, Cà Mau đã có 1 phường và 74 ấp, khóm xóa trắng hộ nghèo; đến năm 2020 đã nâng lên 2 phường, 1 thị trấn và 104 ấp, khóm không còn hộ nghèo.

Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo được nâng cao nhận thức, thiết thực hơn, chủ động trong việc tự vươn lên phát triển kinh tế, tập trung sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ, tự vươn lên thoát nghèo và phấn đấu vươn lên hộ khá, giàu.

Ông Nguyễn Tiếc Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang, cho biết An Giang có nhiều cách làm hiệu quả, không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo mà còn giảm nguy cơ tái nghèo. Nhiều mô hình, cách làm hay đã được nhân rộng trên địa bàn tỉnh, giúp các hộ nghèo biết cách làm ăn, tăng thu nhập. Đời sống của người nghèo ngày càng được nâng lên, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

“Với phương châm hỗ trợ chủ yếu được xác định là cho “cần câu” hơn cho “con cá,” An Giang đã triển khai thực hiện nhiều chương trình giúp giảm nghèo; tiêu biểu là chương trình hỗ trợ vốn có mô hình tín dụng chính sách từ Quỹ “Vì người nghèo” cấp huyện, xã ủy thác nguồn vốn sang Ngân hàng chính sách xã hội, giúp nhiều hộ nghèo được tiếp cận vay vốn, tạo thêm động lực để họ phấn đấu vươn lên, từng bước ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống…,” ông Hùng thông tin.

'Người Việt dùng hàng Việt' góp phần tăng quy mô cung-cầu nền kinh tế ảnh 2Quang cảnh buổi tọa đàm về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai mô hình giảm nghèo. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Cuối năm 2019, toàn tỉnh An Giang có gần 14.200 hộ nghèo, chiếm 2,63%; gần 29.500 hộ cận nghèo, chiếm 5,45%. Nhờ đa dạng hóa các giải pháp hỗ trợ, giúp người nghèo nâng cao thu nhập, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của An Giang giảm còn dưới 2%.

Tại tọa đàm, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh Nam sông Hậu cho rằng công tác chăm lo cho người nghèo rất cần có sự chung tay, góp sức của tất cả các ngành, các cấp, cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để cùng hướng về người nghèo.

Thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các tỉnh tiếp tục duy trì đầu tư, nhân rộng những sáng kiến, mô hình giảm nghèo hay, có hiệu quả; các mô hình tạo sinh kế cho người dân, giúp các hộ nghèo có hướng phát triển kinh tế lâu dài.

Tổ chức Mặt trận các cấp của các tỉnh Nam sông Hậu sẽ tiếp tục nắm chắc tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để vận động, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời những trường hợp khó khăn; chú trọng xây dựng các mô hình giảm nghèo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế tại địa phương, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của các hộ nghèo, giúp hộ nghèo ứng dụng thực hiện có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục