Sau động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại cũng bắt đầu rục rịch điều chỉnh giảm lãi suất huy động; đồng thời tung các gói tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng vay vốn.
Tuy vậy, mặt bằng lãi suất cho vay dành cho nhóm khách hàng cá nhân nhìn chung vẫn còn neo ở mức rất cao.
"Phát khóc" khi lãi vay tăng cao
Cuối tháng 5/2022, vợ chồng anh L.N ở Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh cầm cố sổ hồng căn hộ chung cư để vay tiêu dùng tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với kỳ hạn 5 năm.
Trong kỳ thanh toán đầu tiên vào tháng 7/2022, anh N. chịu lãi suất 10,4%/năm. Sau 3 tháng, lãi suất khoản vay được điều chỉnh tăng lên 13%/năm. Tuy nhiên, sang tháng Ba này, vợ chồng anh L.N mới thật sự choáng váng khi nhận thông báo lãi suất kỳ trả nợ sẽ tăng lên 16,4%/năm cho kỳ thanh toán tới.
"Vẫn biết các ngân hàng đang chịu nhiều áp lực, thế nhưng với mức lãi suất tăng cao và biên độ lãi suất lên đến 6% chỉ trong 9 tháng cho một khoản vay tiêu dùng có tài sản thế chấp thì quá kinh khủng. Trong khi đó, thông tin trên truyền thông nói ngân hàng sẽ giảm lãi suất từ sau Tết Nguyên đán. Bây giờ vợ chồng tôi phải trả gần 20 triệu đồng mỗi tháng," anh L.N thở dài.
Chị T.H, giáo viên một Trường Trung học Cơ sở ở quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh dự định vay 100 triệu đồng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong gia đình. Tuy nhiên, khi tham khảo biểu lãi suất cho vay tín chấp tại một số ngân hàng thương mại, chị thật sự "choáng váng" khi biết lãi suất đều trên 20%/năm, tùy từng ngân hàng.
[Các ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất từ ngày 6/3]
"Tôi có đọc thông tin Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất và cứ nghĩ các ngân hàng thương mại sẽ hạ bớt lãi vay cho người dân. Không nghĩ lãi vay tiêu dùng ở các ngân hàng cũng neo cao như vậy. Lúc khó khăn, không vay được cũng khổ, mà vay được với mức lãi suất này cũng đuối lắm luôn," chị T.H chia sẻ.
Nhiều người dân vay mua xe, mua nhà trả góp cũng đang trông ngóng thông tin giảm lãi vay từ các ngân hàng thương mại, khi mặt bằng lãi vay bị đẩy lên mức 13-16%/năm kể từ cuối năm 2022. Chưa kể, người dân còn phải chi trả các khoản "bia kèm lạc" khi tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Thực tế cho thấy kể từ khi Ngân hàng Nhà nước có động thái điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và lãi suất cho vay ngắn hạn kể từ giữa tháng Ba này, nhiều ngân hàng thương mại đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng.
Tuy nhiên, phần lớn tín dụng dành riêng cho nhóm đối tượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoặc khách hàng cá nhân có tài sản đảm bảo. Còn nhóm khách hàng vay tiêu dùng, đặc biệt là các khoản vay tín chấp thì lãi vay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chẳng hạn, tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), chị T.H. được một nhân viên tín dụng giới thiệu gói vay tín chấp dành cho giáo viên lên đến trên 100 triệu đồng. Thế nhưng, với hệ số lương dưới 4.0, lãi suất cho vay tiêu dùng tín chấp sẽ lên đến 26%/năm. Hay tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), lãi vay tiêu dùng với các khoản vay tín chấp cũng dao động khoảng 20%/năm…
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, lãi suất cho vay tiêu dùng tín chấp có thấp hơn so với các ngân hàng thương mại, nhưng cũng duy trì ở mức khá cao và kèm theo điều kiện.
Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) tung sản phẩm thấu chi tài khoản lương online, dành cho khách hàng nhận trả lương qua ngân hàng này. Hạn mức cho vay tối đa 100 triệu đồng, được vay tối đa trong vòng 12 tháng và có mức lãi suất 16,9%/năm. Dù vẫn còn neo cao, nhưng đây cũng được xem là mức lãi vay tiêu dùng tín chấp tương đối thấp trên thị trường hiện nay.
Cơ hội nào để đảo chiều mạnh lãi suất?
Thời gian qua, mặt bằng lãi suất bị đẩy lên cao là tình trạng chung của các nền kinh tế sau nhiều lần Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Tại Việt Nam, không chỉ lãi vay tiêu dùng, các khoản vay trung dài hạn của các doanh nghiệp sản xuất cũng bị đẩy lên cao, thậm chí lên đến 15-16%/năm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp, có thể gây trì trệ trong đầu tư phát triển nếu lãi vay không sớm hạ nhiệt.
Việc Fed vẫn tăng lãi suất vào ngày 22/3 vừa qua và những bất ổn gần đây của thị trường tài chính toàn cầu sau sự cố Ngân hàng SVB Mỹ phá sản, hay Credit Suisse bị mua lại khiến các dự báo về lãi suất có phần thận trọng hơn. Bởi lẽ, dư địa giảm lãi suất sẽ còn phụ thuộc lớn vào mức độ ổn định của thị trường tiền tệ, cũng như các biến số vĩ mô trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vào giữa tháng Ba này cũng phần nào ổn định tâm lý thị trường và cho thấy thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ nền kinh tế, người dân phục hồi sau đại dịch.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) bình luận Ngân hàng Nhà nước đã đi trước đón đầu và rất nỗ lực trong hạ mặt bằng lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. Thời điểm hiện tại là khoảng dừng để theo dõi hiệu quả chính sách.
"Nếu mặt trận tỷ giá được giữ vững, thông tin lạm phát và tăng trưởng công bố cuối tháng Ba này và diễn biến thị trường tài chính quốc tế sẽ là dữ liệu quan trọng để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có điều chỉnh theo hướng nới lỏng," báo cáo của BSC nêu.
Công ty Chứng khoán Maybank IB cũng cho rằng sau động thái giảm lãi suất, điều quan trọng tiếp theo để đánh giá việc cắt giảm lãi suất thực chất hay không, cần theo dõi diễn biến lạm phát ở Việt Nam, bên cạnh diễn biến của Fed cắt giảm hoặc dừng tăng lãi suất ngay trong tháng Năm hoặc tháng Sáu tới.
"Những diễn biến gần đây củng cố niềm tin của chúng tôi rằng lãi suất có dư địa để thực giảm mạnh hơn và có tác động mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2023, hoặc sớm nhất có thể là cuối tháng Tư tới. Tuy nhiên cũng cần theo dõi kỹ các số liệu vĩ mô của quý 1 và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý này," chuyên gia của Maybank IB cho biết.
Tại hội thảo mới đây của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright dự báo từ nay đến cuối năm, lãi suất có thể giảm thêm, nhưng sẽ không quay về mặt bằng lãi suất như trong thời gian COVID-19.
"Đây là tình hình chung của các thị trường, không riêng Việt Nam, tức là thời kỳ tiền rẻ đã qua và chúng ta buộc phải sống trong mặt bằng lãi suất cao hơn. Đừng mong đợi lãi suất sẽ quay lại mức thấp như thời kỳ 2020-2021," ông Thành cho biết.
Theo ông Thành, mặt bằng lãi suất tiền gửi năm nay có thể hạ xuống tối đa thêm 1%, tức là còn 8,5%. Lãi suất sẽ có tính trồi sụt chứ không phải chỉ theo đà giảm, nhưng chắc chắn khó có thể trở lại mức 7,5% như hồi COVID-19, kể cả trong những năm tới. Vấn đề quan trọng đối với lãi suất là không chỉ giảm mà còn khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Về phía các ngân hàng thương mại trong các cuộc họp gần đây cũng bày tỏ quan điểm nhất quán trong chính sách giảm lãi suất. Trước mắt, các ngân hàng sẽ giảm lãi suất huy động và sau đó lãi suất cho vay sẽ dần được điều chỉnh theo. Bởi việc neo lãi vay cao cũng khiến ngân hàng gặp rủi ro về nợ xấu, tín dụng tăng chậm… Tuy vậy, mức độ điều chỉnh trên thực tế có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn đối với từng phân khúc khách hàng./.