Người uy tín ở buôn làng Tây Nguyên - nơi gửi gắm niềm tin

Đội ngũ người uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số ngày một khẳng định vai trò trong việc là cầu nối giữa chính quyền với việc vận động bà con sống và làm việc theo pháp luật, vươn lên làm giàu.
Ông Rơ Châm Hmơnh, già làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai (Gia Lai) luôn đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Tại mỗi thôn, làng ở vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và ở Gia Lai nói riêng thường có già làng, trưởng thôn và một số người uy tín trong cộng đồng.

Những người này được bà con bầu lên, đại diện tiếng nói chung của mọi người trong cộng đồng.

Đội ngũ người uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số đang ngày một khẳng định vai trò trong việc là cầu nối giữa chính quyền địa phương, tích cực tuyên truyền, vận động bà con dân làng sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn.

Hiện, toàn tỉnh Gia Lai có 955 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Những người có uy tín đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến với các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; là cầu nối đưa ý kiến của nhân dân đến với cấp ủy, chính quyền để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.

Bên cạnh đó, đội ngũ người có uy tín còn tham gia giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng; thường xuyên vận động người dân đoàn kết, nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

[Phát huy thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc an ninh Tổ quốc]

Về làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai, Gia Lai), ai cũng khen ngợi già làng Rơ Châm Hmơnh (sinh năm 1955). Già làng Rơ Châm Hmơnh đã kể về cuộc sống vất vả của bà con dân làng trước ở bến đò A Sanh, dọc bờ sông Pô Kô mỗi mùa mưa lũ.

Năm 2022, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, chính quyền huyện Ia Grai đã di dời những hộ dân này về nơi ở mới; bố trí đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng tại làng Nú để bà con ổn định cuộc sống.

Biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, những người uy tín trong làng, trong đó có ông Hmơnh đã tích cực vận động người dân hợp tác với chính quyền, nhanh chóng di dời về nơi ở mới, hiến đất mở đường, xây dựng các công trình công cộng để trẻ em được học hành, người dân được khám, chữa bệnh.

Già làng Rơ Châm Hmơnh cho biết ông và gia đình luôn tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy ước, hương ước của thôn, làng nơi cư trú. Ông luôn gương mẫu đi đầu hưởng ứng các phong trào thi đua của thôn, làng.

Mới đây, ông đã đi đầu trong việc hiến đất mở đường, tự nguyện chặt 19 cây điều đang trong giai đoạn thu hoạch để hiến 60 m làm con đường nối từ xã về khu tái định cư. Bà con còn nghèo, nhiều người ngần ngại việc chặt điều hiến đất.

Trước tình hình đó, ông đã đi từng nhà phân tích cho bà con hiểu lợi ích chung của việc có con đường kết nối giao thương. Nhờ đó, 20 hộ dân có đất ven đường đã đồng thuận chặt điều, hiến đất.

Giờ đây, con đường bê tông do Nhà nước đầu tư xây dựng đã chứng minh được lời ông tuyên truyền. Cuộc sống của người dân ngày một đổi thay, nông sản vận chuyển dễ dàng, thuận lợi; các công trình điện, đường, trường, trạm đã ngày càng kiên cố, khang trang.

Bà Siu Vinh, Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng làng Myah (xã Ia Krái, huyện Ia Grai) là nhân tố tích cực trong việc vận động bà con xóa bỏ thủ tục lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, cho năng suất cao hơn.

Bà thường xuyên tham gia các lớp tập huấn nuôi trồng do huyện tổ chức để về truyền đạt lại cho bà con. Luôn yêu thương, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong làng và được bà con yêu mến, bà đã tuyên truyền, vận động người dân hiến đất mở 3 tuyến đường làng vừa mới xây dựng rất thuận lợi.

Bà Siu Vinh, Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng làng Myah, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, Gia Lai. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Là nữ già làng hiếm hoi của Tây Nguyên, bà Ksor H’Blăm (làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) luôn được bà con dân làng yêu mến và được chính quyền địa phương tín nhiệm bởi những cống hiến đối với sự phát triển nơi vùng biên nắng gió.

Với những gia đình nào nghèo khó, bà H’Blăm cho mượn bò, mượn tiền, mượn gạo để phát triển kinh tế. Lâu dần, bà là chỗ dựa của những gia đình khó khăn. Với nhiệm vụ của mình, già làng H'Blăm còn là cầu nối giữa chính quyền địa phương và nhân dân trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Nhờ đó, hầu hết những việc già làng H’Blăm tuyên truyền, vận động, người dân đều nghe theo, làm theo. Vì thế, xã biên giới Ia Mơ luôn yên bình, không có tình trạng vượt biên, người dân chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

Già làng Hmrik (ở làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku) đã kiên trì tuyên truyền, vận động thành công dân làng Jrai xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Không chỉ phát huy tốt vai trò của mình trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, già Hmrik còn là người rất am hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều phong tục, tập quán đẹp của bà con và luôn trăn trở, tìm cách gìn giữ cho thế hệ sau. Vì vậy, ông được dân làng tin yêu, nể phục với những việc làm thiết thực.

Ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ia Grai (Gia Lai), nhận định vai trò của người uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số đặc biệt quan trọng, đây là chìa khóa để chính quyền địa phương gõ cửa, tiếp cận, hiểu sâu hơn về tâm tư nguyện vọng của bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Những người uy tín có ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn từ nhận thức đến tiếp cận chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tham gia, đóng góp của cộng đồng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Để động viên tinh thần người uy tín trong các thôn, làng, hàng năm, huyện đã tổ chức những cuộc gặp gỡ, thăm hỏi, tặng quà; đồng thời, kiến nghị các cấp, ngành có liên quan hỗ trợ kinh phí cho những người uy tín làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa cũng như phát triển kinh tế cơ sở.

Thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững,” nhiều người có uy tín trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tiên phong trong các phong trào và hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tăng thu nhập.

Đội ngũ người uy tín đã lồng ghép các cuộc vận động với các chương trình, dự án, phong trào do chính quyền và các tổ chức đoàn thể hỗ trợ.

Đến nay, đội ngũ người uy tín đã giúp đỡ được trên 20.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số trên địa bàn thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục