Mưa lũ lớn những ngày giữa tháng 10/2022 đã làm mất trắng nhiều diện tích hoa vụ Tết Nguyên đán 2023 tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Tại vùng trồng hoa cúc Tết, Tổ dân phố Dạ Lê, phường Thủy Vân, thành phố Huế, nước lũ dâng cao đã nhấn chìm hàng nghìn chậu hoa. Nhiều người nông dân đang hết sức lo lắng với nguy cơ trắng tay, vì hoa Tết đã bị ngâm nhiều ngày trong nước lũ đã và đang có hiện tượng thối rễ và úa lá, hết cách cứu chữa.
Để chuẩn bị cho vụ hoa Tết năm 2023, từ đầu tháng 6 âm lịch gia đình ông Lê Đình Hợi, tổ dân phố Dạ Lê, phường Thủy Vân bắt đầu xuống giống trồng 2.000 chậu cúc. Cả gia đình đều mong có thu nhập mỗi khi Tết đến Xuân về từ nghề trồng hoa. Thế nhưng lũ lớn ập đến khiến khoảng 90% số chậu hoa của gia đình đã bị ngâm sâu trong dòng nước lũ dài ngày.
Ông Lê Đình Hợi cho biết vụ hoa năm nay gia đình ông đã đầu tư gần 100 triệu đồng tiền giống và chậu chưa kể công và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Thế nhưng, nước lũ lên nhanh bà con trở tay không kịp, số chậu hoa Tết bị ngập úng 3 ngày đã bị thối rễ, vàng lá chắc không thể sống được. Còn 3 tháng nữa sẽ đưa hoa ra thị trường bán phục vụ Tết nhưng giờ coi như mất trắng.
[Hình ảnh kinh thành Huế chìm trong biển nước sau trận lụt lịch sử]
Cùng chung cảnh ngộ, gia đình ông Nguyễn Đình Phúc, tổ dân phố Dạ Lê, phường Thủy Vân, đã đầu tư khoảng 50 triệu đồng để trồng gần 900 chậu hoa cúc. Dù đã dùng lưới che chắn và kê các chậu hoa lên cao, tuy nhiên lũ dâng cao cũng nhấn chìm và gây thiệt hại hơn 50% số hoa của gia đình.
Đang tưới cho những chậu cúc ông Phúc bày tỏ, để cứu những chậu cúc Tết bà con đang tưới rửa sạch bùn và tiến hành bơm kích rễ cho cây sống. Tuy nhiên, số hoa đã ngập nước trong nhiều ngày liền cho dù còn sống cũng sẽ bị mất sức. Sau này nếu thời tiết bất lợi nữa cây sẽ không phát triển và không thể ra hoa vào đúng dịp Tết.
Trên địa bàn phường Thủy Vân, thành phố Huế hiện có khoảng 70 hộ tham gia trồng hoa cúc phục vụ thị trường Tết với khoảng 35.000 chậu.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Thủy Vân Nguyễn Thành Trung cho biết dù đã triển khai nhiều biện pháp kê đậy, đưa hoa lên giàn để tránh lũ; tuy nhiên mưa lũ trong những ngày qua đã khiến hơn 80% số hoa của bà con trên địa bàn bị ngập.
Hiện nay, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền đến các hộ gia đình giữ nguyên chậu và tiến hành các giải pháp xử lý ban đầu, dùng nước rửa sạch bùn và hạn chế về phân bón; đồng thời tăng cường thuốc kích thích nhẹ và bồi bổ các thuốc để hoa tỉnh và mạnh lại sau khi ngâm nước lũ.
Bên cạnh đó, địa phương cũng tiến hành thống kê, rà soát thiệt hại, ảnh hưởng để có chính sách hỗ trợ ban đầu phù hợp cho các hộ trồng hoa và tiếp tục đề xuất lên cấp trên có hướng chỉ đạo, hướng dẫn giải pháp hỗ trợ cho bà con khắc phục cơ bản bước đầu, để đảm bảo vụ thu hoạch hoa cho Tết này tốt hơn và hạn chế thấp mức thiệt hại do bão lũ gây ra.
Theo thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Huế, địa phương có hơn 82 ha rau màu các loại bị thiệt hại. Riêng cúc trồng chậu chuẩn bị Tết có 40.300 chậu bị ngập hư hại trên 50%; uớc tính giá trị thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng.
Ông Trần Đạo Quang Vũ, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Huế, cho biết đơn vị đã tiến hướng dẫn cho Ủy ban Nhân dân các phường, xã thành lập hội đồng để đánh giá và hướng dẫn các thủ tục hỗ trợ cho nông dân khắc phục những vùng bị thiên tai, theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Theo đó, mức hỗ trợ đối với người dân bị thiệt hại từ 30-70% là 1 triệu đồng/ha và thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, hàng ngàn hộ chuyên trồng hoa Tết thuộc các xã: Quảng Thọ, Quảng Phú (huyện Quảng Điền): Hương Hồ, Hương Toàn, Hương Vinh (thị xã Hương Trà): Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) và Phú Hậu, Vỹ Dạ, Phú Mậu (thành phố Huế)... cũng đang lao đao vì lũ lớn gây thiệt hại nặng nề.
Hàng chục ha trồng hoa vụ Tết vừa xuống giống 15-20 ngày và hàng vạn chậu hoa các loại của nông dân trên địa bàn tỉnh bị hư hại, chết do ngập lụt gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Nhiều nông dân trồng hoa Tết lâm vào cảnh trắng tay, khốn khó sau khi lũ đi qua.
Hiện nay, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tập trung khắc phục hậu quả, nhằm sớm ổn định cuộc sống cho nông dân, vận động người dân lựa chọn các giống hoa ngắn ngày, để bổ sung một lứa hoa phục vụ Tết. Nhưng hiện tại, cây giống lại là bài toán khó đối với những người trồng hoa Tết./.