Người trẻ phạm tội: Xử lý nhân đạo nhưng phải có tính răn đe nghiêm khắc

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên cần đảm bảo tính nhân văn và tạo điều kiện để người chưa thành niên phạm tội sửa chữa sai lầm, song vẫn phải có tính giáo dục và răn đe nghiêm khắc.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn ảnh: Công an thành phố Hà Nội)

Cho rằng các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội phải mang tính nhân đạo để giúp người trẻ nhận thức khắc phục và sửa chữa sai lầm, song nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc cẩn trọng và có phương án phù hợp để khi luật được ban hành vừa đảm bảo tính nhân văn nhưng vẫn phải có tính giáo dục và răn đe nghiêm khắc.

Nhân đạo, nhưng không dễ dãi

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận ở hội trường ngày 21/6, về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) nhấn mạnh đây là lần đầu tiên có một dự án luật chuyên biệt về tư pháp hình sự dành cho người chưa thành niên.

Tuy vậy, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng lưu ý ngoài việc xử lý có tính hướng thiện, tạo cơ hội sửa chữa lỗi lầm, thể hiện tinh thần nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội thì nhiệm vụ của luật này còn phải bảo đảm trật tự an toàn xã hội và bảo vệ nạn nhân, nhất là người chưa thành niên.

“Quan điểm chỉ đạo này rất quan trọng, bởi nếu chúng ta quá chú trọng đến việc bảo đảm lợi ích của người chưa thành niên phạm tội thì sẽ không công bằng với nạn nhân là người chưa thành niên, với lợi ích chung của toàn xã hội,” đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng nêu ý kiến của một chuyên gia về pháp luật hình sự rằng các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội phải mang tính nhân đạo, tuy nhiên không được thể hiện sự dễ dãi. Lý do bởi nếu quá dễ dãi sẽ làm hỏng nhân cách khi người chưa thành niên đến tuổi trưởng thành.

Từ đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa đề nghị các điều khoản trong dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên cần thể hiện xuyên suốt được tinh thần trên.

Một nội dung khác mà đại biểu Mai Thị Phương Hoa quan tâm là dự thảo luật quy định cho phép người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng được chuyển hướng tại 9 tội danh; trong đó có 2 loại tội danh về mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ Luật Hình sự.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Mai Thị Phương Hoa phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Vì thế, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị cân nhắc việc xử lý chuyển hướng đối với 2 tội danh trên. Lý do theo đại biểu là bởi Bộ Luật Hình sự hiện hành không cho phép xử lý chuyển hướng đối với một số tội danh; trong đó có 2 tội danh này do đã được Quốc hội thảo luận, xem xét kỹ lưỡng năm 2015.

Phải có tính giáo dục và răn đe nghiêm khắc

Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cũng nhấn mạnh quan điểm trước xu hướng tội phạm trẻ hoá như hiện nay, nên cân nhắc cẩn trọng để khi luật được ban hành vừa đảm bảo tính nhân văn và tạo điều kiện để người chưa thành niên phạm tội nhận thức, khắc phục, sửa chữa sai lầm, nhưng vẫn phải có tính giáo dục và răn đe nghiêm khắc.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp chuyển hướng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị nên quy định chỉ tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, bởi đây là những biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, toà án cũng là cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành bản án để xác định người nào đã phạm tội gì, thuộc điều khoản nào, lỗi vô ý hay cố; thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng, nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng để có căn cứ xác định có thuộc trường hợp được xử lý chuyển hướng hay không.

Có chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) đánh giá dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đã thể hiện tinh thần đủ nghiêm khắc để đảm bảo an toàn trước cộng đồng nhưng cũng nhân văn mở ra con đường cho các cháu nhận ra sai lầm, tự sửa chữa và tái hoà nhập cộng đồng.

Vì thế, đại biểu Nguyễn Thị Thủy tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên. Lý do theo đại biểu là xuất phát từ đặc điểm người chưa thành niên là người chưa trưởng thành về mọi mặt; có một tỷ lệ lớn người chưa thành niên có hoàn cảnh éo le là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi lệch chuẩn.

Dẫn việc tháng Ba vừa qua, Ủy ban Tư pháp khảo sát tại 3 trường giáo dưỡng cả nước, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết tại các trường này, số lượng các cháu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như bố mẹ ly hôn, phạm tội, mồ côi... chiếm tỷ lệ rất lớn.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy là xuất phát từ thực trạng pháp luật hiện hành, đang thiếu cách tiếp cận toàn diện, chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên. “Hiện đang có tư tưởng lấy tư pháp của người lớn để xây dựng cho trẻ em, sau đó điều chỉnh một chút, giảm nhẹ một chút. Trong khi trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, đặc biệt là trong khía cạnh tư pháp,” đại biểu Thủy phân tích.

Nêu dẫn chứng, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết năm 2015, khi Quốc hội thông qua Bộ Luật Hình sự với sự ra đời của 3 biện pháp chuyển hướng bao gồm: Khiển trách, hòa giải và giáo dục tại cộng đồng để nhằm xử lý chuyển hướng và sớm kết thúc quá trình truy cứu hình sự. Khi đó, các cơ quan tố tụng hy vọng nhiều người chưa thành niên sẽ được áp dụng biện pháp nhân văn này.

“Tuy nhiên, qua 6 năm thi hành luật, chỉ có 35 cháu được áp dụng biện pháp chuyển hướng. Trung bình mỗi năm chỉ có 6 cháu được áp dụng biện pháp chuyển hướng. Chia sẻ với chúng tôi, các cán bộ tố tụng cho biết không phải các cháu không đủ điều kiện áp dụng mà bởi vì pháp luật hiện hành. Trong một biện pháp chuyển hướng có quá nhiều biện pháp cụ thể, kèm theo quá nhiều điều kiện, dẫn đến các cháu và gia đình xin không áp dụng biện pháp chuyển hướng,” đại biểu nói.

Tuy vậy, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng lưu ý hình phạt và tố tụng hình sự là hai vấn đề chính yếu của tư pháp hình sự. “Nếu ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên mà không điều chỉnh hai vấn đề này thì người chưa thành niên không được hưởng chính sách nhân văn từ luật này,” đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, thực tế trên đòi hỏi Nhà nước khi thiết kế chính sách phải tính toán đầy đủ đặc điểm người chưa thành niên, cũng như cân nhắc toàn diện các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến phạm tội, từ đó có chính sách phù hợp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục