Người trẻ Hàn Quốc sống độc thân nhưng không đơn độc

Số liệu thống kê chính thức cho thấy khoảng 193.000 cuộc hôn nhân ở Hàn Quốc được đăng ký vào năm 2021, giảm gần 10% so với năm trước và là con số ít nhất kể từ khi việc thống kê bắt đầu vào năm 1970.
Gwak Min-ji chia sẻ cuộc sống độc thân trong căn hộ riêng mình luôn mang đến cho cô cảm giác tự do. (Nguồn: washingtonpost)

30 là ngưỡng tuổi mà giới trẻ Hàn Quốc đứng trước sự lựa chọn cuộc sống hôn nhân hay độc thân. Thực tế cho thấy ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc lựa cuộc sống độc thân không ràng buộc con cái và được làm những gì mình thích.

Gwak Min-ji, một nhà biên kịch đã lựa chọn cuộc sống này dù đã ở tuổi 38. Cô chia sẻ cuộc sống độc thân trong căn hộ riêng mình luôn mang đến cho cô cảm giác tự do, được rèn luyện bộ môn thể chất theo cách mình muốn, được nhâm nhi đồ uống tươi mát và có một chú chó làm bạn mỗi ngày.

Cô thậm chí còn làm riêng một chương trình trò chuyện nói về cuộc sống độc thân nhưng không cô độc của mình và chia sẻ những áp lực khi sống không quy chuẩn trong một xã hội vẫn luôn hướng tới hôn nhân như Hàn Quốc.

Ở Hàn Quốc có thuật ngữ mới "bihon" có nghĩa là “tự nguyện chưa kết hôn.” Theo thống kê mới nhất, có con số kỷ lục 40% hộ gia đình hiện chỉ một người và tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ của quốc gia này đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy khoảng 193.000 cuộc hôn nhân đã được đăng ký vào năm 2021, giảm gần 10% so với năm trước và là con số ít nhất kể từ khi việc thống kê bắt đầu vào năm 1970.

[“Hội chứng kiệt sức” - Căn bệnh mới của giới trẻ Hàn Quốc]

Số ca sinh cũng giảm xuống còn 5/1.000 người, đưa Hàn Quốc xuống cuối bảng xếp hạng về tỷ lê sinh tại các quốc gia phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Xu hướng nhân khẩu học này cũng đang diễn ra tại Nhật Bản và Trung Quốc và điều này làm dấy lên những lo ngại về tình trạng giảm dân số, lực lượng lao động bị thu hẹp và nền kinh tế hợp đồng.

Các quan chức và chuyên gia cho rằng sự suy giảm này là do những người trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ, ưu tiên tự do cá nhân và sự nghiệp hơn lối sống gia đình truyền thống.

Hiện Chính phủ Hàn Quốc đã liệt kê danh sách 89 địa phương và thành phố là "khu vực giảm dân số" và phân bổ 1.000 tỷ won (700,73 triệu USD) hằng năm để hỗ trợ các dịch vụ mai mối và thúc đẩy hôn nhân và sinh con.

Đứng trước xu hướng này, các doanh nghiệp tư nhân cũng phải điều chính các chính sách, quyết định phục vụ lao động là người trưởng thành trong độ tuổi 30 và 40.

Các công ty kinh doanh nhà hiện nay cho thuê các phòng riêng lẻ trong các căn hộ chung cư. Các nhà hàng có bếp nhỏ phục vụ cá nhân tự nướng thịt.

Các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ đang phát triển các ứng dụng an toàn cá nhân cho những người sống một mình, với phụ nữ là mục tiêu hàng đầu của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục