‘Người tình’ và ‘Đông Dương’ trở lại cùng ‘Người Mỹ trầm lặng’

Qua những bộ phim “đình đám” được trình chiếu lần này, khán giả có dịp nhìn lại khung cảnh Việt Nam ở những thập niên đầu thế kỷ 20 cũng như dấu ấn của diễn viên Việt khi hợp tác cùng nghệ sỹ quốc tế.
‘Người tình’ và ‘Đông Dương’ trở lại cùng ‘Người Mỹ trầm lặng’ ảnh 1"Người tình" được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Pháp Marguerite Duras. (Ảnh tư liệu: TPD)

“Tháng Phim nước ngoài bối cảnh Việt Nam” sẽ trình chiếu ba tác phẩm điện ảnh trứ danh: “Người tình,” “Đông Dương”“Người Mỹ trầm lặng.” Chương trình diễn ra từ ngày 12-26/7 tại Trung tâm Hỗ trợ Tài năng Điện ảnh (Hà Nội).

Đây là dịp để khán giả nhìn lại khung cảnh Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ 20 cũng như dấu ấn của diễn viên Việt khi làm phim cùng các nghệ sỹ quốc tế.

Hình ảnh Việt Nam một thời đã xa

“Người tình” của đạo diễn người Pháp Jean-Jacques Annaud sẽ mở đầu chuỗi chương trình với buổi chiếu ngày 12/7. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Pháp Marguerite Duras (tác phẩm đoạt giải văn chương Goncourt năm 1984 và đã được dịch ra 43 thứ tiếng trên thế giới). Đây được coi là một trong những tác phẩm đỉnh cao của điện ảnh thế giới những năm đầu thập niên 1990s.

Phim là câu chuyện tình yêu cuồng nhiệt nhưng bế tắc cùng những đam mê thể xác giữa thiếu nữ Pháp với người đàn ông gốc Hoa giàu có, bắt đầu từ cuộc gặp gỡ định mệnh trên chuyến phà Vĩnh Long-Sa Đéc.

[Đạo diễn phim “Đông Dương” cảm ơn Việt Nam sau 1/4 thế kỷ]

Xem “Người tình,” khán giả được nhìn lại hình ảnh Sài Gòn trong thập niên 20 của thế kỷ trước với những mảng màu đối lập: khung cảnh Chợ Lớn ồn ã, tấp nập cảnh mua-bán trong không khí oi nồng, bức bối, nhếch nhác và những nhà hàng sang trọng, xa hoa...

‘Người tình’ và ‘Đông Dương’ trở lại cùng ‘Người Mỹ trầm lặng’ ảnh 2Nữ chính phim "Người tình." (Ảnh tư liệu: TPD)

Ban đầu, đạo diễn Annaud định lựa chọn một quốc gia khác ở khu vực châu Á khác (như Malaysia, Thái Lan - những nơi có cơ sở vật chất tốt hơn, từng được sử dụng làm bối cảnh Việt Nam trong những bộ phim chiến tranh của phương Tây) để quay “Người tình.” Tuy nhiên, sau những cuộc tiền trạm, lựa chọn cuối cùng của ông cho bối cảnh phim là Sài Gòn - nơi thể hiện đúng không khí thuộc địa mà nữ văn sỹ Marguerite Duras miêu tả trong tác phẩm của bà. Hơn nữa, đây cũng là nơi lưu giữ những công trình, dấu ấn kiến trúc thuộc địa cuối thế kỷ 19.

Bối cảnh Đông Dương thời thuộc địa được tái hiện qua những thước phim đẹp đến nao lòng với những địa danh quen thuộc: bến Nhà Rồng, khách sạn Majestic, trường Lê Hồng Phong, chợ Bình Tây, Thảo Cầm Viên…

‘Người tình’ và ‘Đông Dương’ trở lại cùng ‘Người Mỹ trầm lặng’ ảnh 3Hình ảnh vịnh Hạ Long trong phim "Đông Dương."

Trong khi đó, bối cảnh của phim “Đông Dương” trải rộng hơn từ Hạ Long (Quảng Ninh), Tam Cốc (Ninh Bình) tới Sài Gòn… Tác phẩm đỉnh cao (từng giành giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc năm 1993) của đạo diễn đạo diễn Pháp Régis Wargnier đưa người xem trở lại những năm 1930-1950.

“Đông Dương” là câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam qua con mắt của bà chủ đồn điền cao su Éliane Devries (Catherine Deneuve ). Câu chuyện về tình mẫu tử giữa bà cùng cô con gái nuôi Camille (Phạm Linh Đan) và tình yêu tay ba ngang trái giữa họ với viên sỹ quan điển trai Jean Baptiste Le Guen (Vincent Pérez) đã gây xúc động cho nhiều thế hệ người xem từ khi bộ phim ra mắt.

Trong khuôn khổ “Tháng Phim nước ngoài bối cảnh Việt Nam,” phim được trình chiếu vào ngày 19/7.

‘Người tình’ và ‘Đông Dương’ trở lại cùng ‘Người Mỹ trầm lặng’ ảnh 4Minh tinh Catherine Deneuve của màn ảnh Pháp thủ vai nữ chính trong "Đông Dương." (Ảnh: TPD)

Dấu ấn Việt trong phim của Hollywood

“Người Mỹ trầm lặng” - bộ phim về chiến tranh Việt Nam của đạo diễn Phillip Noyce được ghi hình tại Hà Nội, Hội An (Quảng Nam)…

Bộ phim có sự tham gia của nhiều gương mặt đại diện cho điện ảnh Việt Nam: Hải Yến (vai Phượng - nữ chính của phim), Mai Hoa (vai Hải - chị của nhân vật Phượng) và Quang Hải (vai tướng Trịnh Minh Thế). Hải Yến là nữ diễn viên Việt Nam đầu tiên được chọn vào vai chính trong một bộ phim của Hollywood (kể từ sau 1975)

Ngoài ra, phim còn có sự tham gia của hai nghệ sỹ Việt khác trong hai vai phụ: diễn viên Công Lý (vai một người lính dưới quyền của tướng Thế) và ca sỹ Hồng Nhung (vai một ca sỹ phòng trả). Bên cạnh đó, phim còn có sự góp mặt của nhiều ngôi sao: Michael Caine, Brendan Fraser…

Bởi vậy, ngay từ khi khởi quay (năm 2001), “Người Mỹ trầm lặng” đã tạo ra tiếng vang lớn, gây “xôn xao” làng điện ảnh Việt, thu hút sự quan tâm lớn của công chúng.

‘Người tình’ và ‘Đông Dương’ trở lại cùng ‘Người Mỹ trầm lặng’ ảnh 5Một cảnh trong phim "Người Mỹ trầm lặng." (Ảnh tư liệu)

Theo đạo diễn Bá Vũ, thời điểm đó, việc lựa chọn Đỗ Hải Yến - một gương mặt mới, chưa thành danh cho dự án “Người Mỹ trầm lặng” được coi là sự liều lĩnh, táo bạo của đạo diễn. Ban đầu, xét ở góc độ thương mại, vai Phượng được nhắm cho nữ diễn viên Lucy Liu - người đang nổi đình nổi đám với bộ phim “Những thiên thần của Charlie.”

Tuy nhiên, vẻ đẹp mong manh nhưng rất cuốn hút giống những tiểu thư đài các đầu thế kỷ 20 (với dáng người mảnh dẻ, cổ cao, vai gầy, đôi mắt long lanh…) của Đỗ Hải Yến đã giúp cô vượt qua những đề cử “nặng ký” khác để góp mặt trong bộ phim với vai nữ chính.

“Người Mỹ trầm lặng” được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của nhà văn Graham Greene; giúp người xem hình dung về xã hội Việt Nam thập niên 1950s - khi kỳ cuộc chiến tranh Đông Dương đang bước vào giai đoạn quyết liệt.

Chuyện phim xoay quanh mối quan hệ giữa Thomas Fowler (một nhà báo Anh),  Aldel Pyle (một bác sỹ nhãn khoa) và Phượng (một cô gái nhảy) giữa Sài Gòn. Fowler yêu nhưng không thể cưới Phượng bởi vợ ông không chịu ly hôn. Trong khi đó, “người Mỹ trầm lặng” Pyle muốn “cải tạo” Phượng và đưa cô về New Zeland sinh sống. Anh ta phản đối chiến tranh ở Việt Nam bằng một niềm tin mù quáng vào lực lượng thứ ba có thể đánh bại cả chính quyền cách mạng và ngụy quyền đương thời thời.

Phim được trình chiếu vào ngày 26/7.

Trailer phim “Đông Dương”:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục