Người tiêu dùng “thờ ơ” với hàng khuyến mãi, giảm giá dịp Tết

Các đơn vị kinh doanh, nhà bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng loạt đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, nhưng không khí bán buôn kém sôi động, người tiêu dùng tỏ vẻ “thờ ơ."
Người tiêu dùng “thờ ơ” với hàng khuyến mãi, giảm giá dịp Tết ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Từ đầu năm 2015 đến nay, các đơn vị kinh doanh, nhà bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng loạt đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm tri ân khách hàng, đồng thời nắm bắt cơ hội “vàng” để tăng doanh thu trong mùa mua sắm Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Tuy nhiên, khảo sát qua hàng loạt trung tâm, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn thành phố cho thấy, không khí bán buôn kém sôi động, người tiêu dùng tỏ vẻ “thờ ơ” với hàng khuyến mãi, giảm giá.

Giảm giá khủng, ưu đãi lãi suất 0%

Trên nhiều tuyến đường thuộc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh như Đồng Khởi, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Lê Văn Sỹ, Cách mạng Tháng Tám... rất dễ dàng bắt gặp các băng-rôn, biển giảm giá và giới thiệu những chương trình khuyến mãi rực rỡ màu sắc nhằm thu hút người tiêu dùng.

Đáng chú ý, ngành hàng thời trang tung hàng loạt chiêu khuyến mãi với nhiều mức giá hấp dẫn dao động từ 10-70%, hay treo biển "Big sale," "Đại hạ giá"... Điển hình không chỉ một cửa hàng mà cả dãy cửa hàng kinh doanh sản phẩm thời trang trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3), hầu hết đều thực hiện giảm giá cho tất cả sản phẩm.

Tương tự, tại khu vực chuyên kinh doanh quần áo thời trang và phụ kiện thời trang trên đường Cách mạng Tháng Tám (quận 10), Nguyễn Trãi (quận 5), các mặt hàng đầm thời trang nữ giảm giá chỉ còn từ 150.000-250.000 đồng/sản phẩm, giày dép 60.000-100.000 đồng/đôi.

Bà Phương Thảo, chủ cửa hàng kinh doanh hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), chia sẻ: Hoạt động khuyến mãi, giảm giá dành cho dịp Tết Nguyên đán được tổ chức thường niên trong nhiều năm qua. Đây là thời điểm mà người kinh doanh giải quyết lượng hàng tồn với mục tiêu “bán hàng lấy vốn” chứ không phải thu lợi nhuận, còn người tiêu dùng có cơ hội mua sắm những sản phẩm với giá rẻ.

Không kém phần sôi động, ngay từ đầu năm 2015, các đơn vị kinh doanh, nhà bán lẻ hoạt động trong ngành điện máy, điện gia dụng cũng tưng bừng triển khai khuyến mãi, giảm giá sản phẩm.

Rầm rộ nhất phải kể đến Trung tâm Điện máy Nguyễn Kim (quận 1), từ tháng 1/2015 treo băng rôn giới thiệu chương trình “Nguyễn Kim & Mùa mua sắm 2015.” Theo đó, đơn vị này đã phối hợp với gần 30 thương hiệu thuộc ngành hàng điện máy, điện gia dụng, điện tử thực hiện đa dạng hoạt động ưu đãi dành cho khách hàng gồm: lì xì lên đến 10%, giảm thêm 10% đối với khách hàng sử dụng Marter Card, mua hàng trả góp lãi suất 0%.

Thông tin về những chương trình tri ân khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, đại diện siêu thị Điện máy nội thất Chợ Lớn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ngoài các chương trình khuyến mãi do siêu thị tổ chức, một số nhãn hàng còn triển khai những hoạt động khuyến mãi riêng dành cho người tiêu dùng như chương trình “Vạn quà Tết đón Xuân vui” của nhãn hàng LG dành cho sản phẩm máy giặt, tủ lạnh, ti vi, điện thoại; “Tết Lumia - Tết đại gia” của nhãn hàng Nokia với cơ hội trúng tiền mặt một tỷ đồng và hàng nghìn giải thưởng trị giá từ 50.000 đồng đến 1 tỷ đồng.

Người tiêu dùng “thờ ơ” với hàng khuyến mãi, giảm giá dịp Tết ảnh 2(Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Để tránh rơi vào "bẫy"

Mặc dù các chương trình khuyến mãi, giảm giá, ưu đãi cho khách hàng được triển khai rầm rộ, nhưng không khí bán buôn, kinh doanh trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh vẫn khá trầm lắng, do nhiều người tiêu dùng tỏ rõ quan điểm “khó mua được sản phẩm ưng ý với giá khuyến mãi,” cảnh giác với hàng kém chất lượng...

Anh Nguyễn Thanh Tâm, cư ngụ tại quận Thủ Đức, cho biết, được giới thiệu những chương trình khuyến mãi hấp dẫn, gia đình cũng đến xem và dự định sẽ mua sắm một số đồ dùng mới trong dịp Tết này. Tuy nhiên, khi xem sản phẩm tủ lạnh tại trung tâm điện máy trên đường 3/2 (quận 10) thì phát hiện hàng hóa đã sản xuất cách đây vài năm, máy vẫn chạy tốt nhưng không có nhiều chức năng tiện ích như các sản phẩm mới ra mắt trong thời gian gần đây. Trong khi đó, mức giá đã khuyến mãi vẫn chênh lệch không nhiều so với sản phẩm mới trên thị trường.

Tranh thủ mua sắm vài món đồ chuẩn bị đón Tết, chị Hồ Thị Thảo, nhân viên văn phòng ở quận 2 đã đến cửa hàng thời trang trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), có biển “Giảm giá tất cả sản phẩm” treo ngay trước cửa hàng. Tuy nhiên, theo chị Thảo, dù đã giảm giá lên đến 49% nhưng hầu hết những sản phẩm vẫn ở mức 350.000 - 400.000 đồng/món, so với những sản phẩm tương đồng đang kinh doanh trên thị trường thì mức giá này không rẻ hơn.

Trường hợp như các cửa hàng nêu trên không phải ngoại lệ. Tại nhiều cửa hàng kinh doanh sản phẩm thời trang đều áp dụng các chiêu này để chèo kéo khách hàng. Các cửa hàng kê giá hoặc nâng giá sản phẩm, sau đó treo biển giảm giá để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Mặt khác, một số mặt hàng nói giảm giá, bán giá "bèo" nhưng thật ra là hàng rất xấu, mua về có khi không sử dụng được.

Đánh giá về chất lượng và giá trị sản phẩm thuộc các chương trình khuuyến mãi, giảm giá, ông Minh Trung, chủ quầy hàng kinh doanh túi xách tại Trung tâm thương mại Parkson, đường Lê Thánh Tôn (quận 1), cho rằng: Người tiêu dùng chỉ nên tận dụng cơ hội mua hàng khuyến mãi khi các thương hiệu ra mắt, giới thiệu sản phẩm mới mới mua sắm được những sản phẩm chất lượng cao với giá tốt.

Đối với những chương trình khuyến mãi, giảm giá theo mùa thường áp dụng với sản phẩm lỗi mốt, tồn kho, nên giá trị sản phẩm sẽ bị giảm sút nhất định. Đặc biệt, với những mặt hàng khuyến mãi, giảm giá khủng thì chất lượng sản phẩm càng khó được đảm bảo, đồng thời người tiêu dùng cũng không nên ham rẻ mà mua hàng hóa không có thương hiệu.

Theo bà Nguyễn Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Người Tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh, khi mua hàng hóa khuyến mãi, giảm giá trong dịp Tết, người tiêu dùng cần kiểm tra về chất lượng sản phẩm thông qua thông tin trên nhãn mác, bao bì, ngày sản xuất...

Bên cạnh đó, để tránh rơi vào “bẫy” khuyến mại, giảm giá của một số đơn vị kinh doanh, bán lẻ làm ăn không chân chính, nên chọn mua sắm ở những địa điểm bán buôn uy tín. Mặt khác, người tiêu dùng phải chủ động nâng cao nhận thức tẩy chay hàng kém chất lượng, cập nhật thông tin và trang bị kiến thức tiêu dùng để tự bảo vệ quyền lợi của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục