Người tiêu dùng sẽ được bảo vệ tốt hơn trước cách hành vi tiếp thị

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị sản phẩm, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên.
Người tiêu dùng sẽ được bảo vệ tốt hơn trước cách hành vi tiếp thị ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Bộ Công Thương vừa đề xuất trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị sản phẩm, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.

Dự thảo Luật cũng nêu rõ việc cá nhân kinh doanh bị cấm lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về sản phẩm, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp; uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ.

Cùng với đó, cá nhân, đơn vị kinh doanh không được ép buộc người tiêu dùng thông qua việc thực hiện một trong các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người tiêu dùng; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch.

Mặt khác, cấm các hành vi không bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo quy định của pháp luật gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn; thực hiện các hành vi bán hàng đa cấp bất chính.

Cũng trong dự thảo Luật này, các nền tảng trung gian trực tuyến cũng bị cấm thực hiện những hành vi ép buộc hoặc ngăn cản người tiêu dùng đăng ký, sử dụng nền tảng trung gian trực tuyến khác như điều kiện bắt buộc để sử dụng dịch vụ.

Hơn nữa, hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng thông qua việc sắp xếp ưu tiên lựa chọn sản phẩm bất hợp lý giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp trên nền tảng; sử dụng các biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ; tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng.

Đặc biệt là ngăn cản người tiêu dùng gỡ bỏ các phần mềm, ứng dụng cài đặt sẵn hoặc buộc người dùng cài đặt các phần mềm, ứng dụng kèm theo dịch vụ nền tảng trung gian trực tuyến; tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

[Chương trình hành động của Chính phủ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng]

Đáng lưu ý, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Giới phân tích cũng chỉ ra rằng, căn cứ theo Điều 22 Nghị định 19/2012/NĐ-CP ngày 16/3/2012, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ thực hiện hành vi quấy rối người tiêu dùng có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng nếu có hành vi quấy rồi người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên hoặc có hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ thực hiện hành vi vi phạm sẽ phải chịu thêm hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người tiêu dùng, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch, căn cứ theo quy định tại Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân đó sẽ bị phạt tiền từ 10-30 triệu đồng.

Đồng thời, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ép buộc người tiêu dùng sẽ phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm và phải nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện việc ép buộc người tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục