Người tiêu dùng sẵn sàng chi thêm tiền mua hàng Việt chất lượng cao

Hầu hết người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết sẵn sàng chi tăng thêm đối với sản phẩm hàng Việt Nam đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, thành phần tốt cho sức khỏe.
Người tiêu dùng sẵn sàng chi thêm tiền mua hàng Việt chất lượng cao ảnh 1Người tiêu dùng sẵn sàng chi thêm cho các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Theo kết quả cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao 2023 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa công bố cho thấy thị trường tiêu dùng Việt đang dần phát triển về chiều sâu. Đồng thời, nhu cầu sử dụng sản phẩm vì sức khỏe, xanh-sạch, có tính bền vững ít tác động tới môi trường... là những xu hướng nổi bật hiện nay trên thị trường nội địa.

Cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao 2023 thực hiện từ tháng 9/2022 đến nay, khảo sát trực tiếp (offline) và trực tuyến (online) nhằm thu thập ý kiến đánh giá, bình chọn của người tiêu dùng trên phạm vi toàn quốc.\

Kết quả ghi nhận hơn 61.000 lượt bình chọn cho cộng đồng doanh nghiệp, từ khảo sát trực tiếp những điểm bán, khảo sát trực tiếp người tiêu dùng cùng lúc diễn ra tại những thành phố trực thuộc trung ương là các trung tâm kinh tế của các vùng miền như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ…

Kết quả cuộc khảo này chỉ ra rằng, người tiêu dùng không chỉ chú trọng những yếu tố rất cơ bản như chất lượng, giá cả... mà ngày càng quan tâm các yếu tố về an toàn sử dụng, nguồn gốc-xuất xứ, hay công dụng-tính năng sản phẩm.

Riêng đối với sản phẩm ở một số nhóm ngành, gồm thực phẩm, đồ uống... thì những yếu tố về an toàn sử dụng ngày càng được người tiêu dùng quan tâm hơn trước.

Hầu hết người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết sẵn sàng chi tăng thêm đối với sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, có ưu điểm về truy xuất được nguồn gốc, thành phần tốt cho sức khỏe, đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận hữu cơ, sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường...

Bên cạnh đó, có 43% người tiêu dùng được khảo sát lo ngại doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong sản xuất và bảo quản, nguyên liệu không đảm bảo chất lượng để sản xuất...

Ở lĩnh vực kênh bán lẻ, thì kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế, nhất là cửa hàng chuyên ngành, cửa hàng tạp phẩm, đại lý... trong việc cung ứng các loại sản phẩm tiêu dùng do những hấp lực về chất lượng, giá cả, sự thuận tiện hay sự thân thiện của người bán.

Tuy nhiên, kênh bán lẻ nội địa vẫn có xu hướng chuyển dịch “cơ học,” với khách hàng từ chợ truyền thống, tiệm tạp hóa nhỏ lẻ sang kênh bán lẻ hiện đại với việc gia tăng độ phủ ở nhiều đô thị.

Ngoài ra, kênh bán lẻ hiện đại cũng đang cho thấy có hấp lực đối với người tiêu dùng mua sắm sản phẩm nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), còn mua sắm đa kênh đang là xu hướng thịnh hành hiện nay cũng như trong tương lai.

Nhờ bán hàng đa kênh, ranh giới giữa bán lẻ hiện đại (Modern Trade-MT) và bán lẻ truyền thống (General Trade-GT) đang dần trở nên mờ nhạt, mang lại nhiều sự tiện lợi cho hoạt động mua sắm của người tiêu dùng.

Theo đại diện Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng, người tiêu dùng hiện nay còn có thể lựa chọn mua sắm thông qua sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và kỹ thuật số. Trong đó, người tiêu dùng tham khảo thông tin sản phẩm qua kênh online, nhưng lại muốn trải nghiệm mua sắm offline tại hệ thống siêu thị hay cửa hàng.

[Công bố hơn 500 doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023]

Mặc dù xu hướng mua online không còn “bùng nổ mang tính độc tôn” như thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nhưng vẫn cho thấy mức độ rất phổ biến, đặc biệt đối với giới tiêu dùng trẻ.

Cùng với sự thâm nhập ngày càng tăng của điện thoại thông minh, thiết bị di động, dịch vụ internet... sự phát triển của thương mại điện tử, bán hàng online được dự báo vẫn sẽ là một xu hướng tất yếu trong tương lai.

Kênh thông tin online cũng ngày càng được nhiều người tiêu dùng tiếp cận, với hơn 40% người tiêu dùng tham khảo thông tin về sản phẩm qua diễn đàn, mạng xã hội, website, báo mạng... Đây là kênh thông tin được đánh giá có khả năng tương tác tốt nhất với người tiêu dùng mà không bị giới hạn bởi thời gian và không gian trong thời đại công nghệ số.

Trước thực trạng thị trường có nhiều biến đổi, các chuyên gia cho rằng ở thời điểm năm 2023, trào lưu mới của thế giới sẽ xoáy mạnh vào yếu tố công nghệ thông tin, kỹ thuật số phát triển và ảnh hưởng tới cung cầu lao động.

Song song đó, thị trường tiêu dùng toàn cầu cũng sẽ tiếp tục bị tác động của đại dịch; những biến động về quan hệ kinh tế chính trị thế giới như cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phân tích, những trào lưu mới này thúc đẩy thói quen tiêu dùng của người dân toàn cầu theo xu thế ngày càng ý thức hơn sự liên quan giữa sức khỏe và hệ sinh thái xung quanh.

Đồng thời, thực phẩm sạch, an toàn và được kiểm chứng đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc đạt chứng nhận hữu cơ đang là lựa chọn hàng đầu được nhiều người tiêu dùng hướng đến.

Mặt khác, trước tình trạng thực phẩm kém chất lượng, hàng giả tràn lan trên thị trường, người tiêu dùng đã và đang khắt khe hơn trong sự lựa chọn mua sắm.

Nhiều người cho biết họ ưu tiên mua sắm thực phẩm Organic, Bio Organic, thực phẩm không biến đổi gen…vì áp dụng theo cách nuôi trồng truyền thống, không gây hại đến môi trường…

Để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ quan tâm cải thiện chất lượng sản phẩm đơn thuần theo tiêu chí “ngon, rẻ” mà còn nên hướng tới cải tiến sản phẩm sao cho an toàn với sức khỏe người dùng, bền vững với môi trường.

Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng nỗ lực không ngừng tạo sự khác biệt trong cạnh tranh, bắt kịp xu hướng và thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt nhiều hơn.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt thì việc xây dựng lòng tin, sự trung thành nơi khách hàng là chìa khóa nhằm tăng trưởng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu và giúp doanh nghiệp có vị trí vững vàng trên thị trường.

Hay nói cách khác, doanh nghiệp xây dựng lòng trung thành với khách hàng cần sự kết nối cảm xúc đối với thương hiệu sản phẩm thông qua việc thấu hiểu sở thích, hành vi tiêu dùng, nhu cầu của khách hàng... một cách liên tục và nhất quán.

Ông Kao Siêu Lực, Tổng giám đốc ABC Bakery chia sẻ, khi có sản phẩm tốt rồi thì sẽ có thương hiệu và có thương hiệu rồi thì phải giữ thương hiệu phát triển bền vững.

Với tình hình khó khăn chung của nền kinh tế trong và ngoài nước thì vẫn có cơ hội, nhưng vấn đề quan trọng là doanh nghiệp có nắm bắt được cơ hội để tạo ra sản phẩm tốt và thương hiệu bền vững hay không.

Hơn thế nữa, sự trở lại của người tiêu dùng trong giai đoạn “bình thường mới” sau thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, hệ thống đại lý, cửa hàng, hay sạp chợ... cũng đang gia tăng đa dạng phương thức bán hàng thích ứng với nhu cầu cá nhân hóa sự trải nghiệm trong mua sắm của người tiêu dùng.

Cộng đồng doanh nghiệp phải nhanh chóng bắt kịp một số phương thức kinh doanh, tiếp cận khách hàng mới như đặt hàng qua mạng xã hội; thanh toán không dùng tiền mặt, qua ví điện tử, chuyển khoản qua ngân hàng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục