Người tiêu dùng đang cảnh giác hơn với thịt lợn

Thông tin dịch bệnh tai xanh lan rộng khiến nhiều người thậm chí quyết “nói không" với thịt lợn, thị trường thịt lợn vì thế trở nên ảm đạm.
Mặc dù các chuyên gia thú y đều khẳng định virus gây bệnh lợn tai xanh không gây bệnh cho người nhưng người tiêu dùng thời gian này vẫn cảnh giác hơn với thịt lợn.

Nhiều người thậm chí quyết định “nói không với thịt lợn” khiến thị trường thịt lợn tại Hà Nội thời gian này trở nên ảm đạm so với mọi khi.

Các chợ "ế" thịt lợn


Tại chợ Hôm (Hà Nội) vào chiều 5/5, mặc dù là giờ cao điểm mua sắm của các bà nội trợ nhưng khu vực bán thịt lợn vẫn thưa thớt khách. Trong khi đó, những quầy bán gia cầm hoặc thủy hải sản ở dãy kế bên dường như lại đắt hàng hơn.

Chị Lan, chủ một cửa hàng thịt vừa phe phẩy chiếc vỉ đuổi ruồi vừa than thở: “Kể từ khi có tin dịch tai xanh, tiêu thụ thịt chậm hơn hẳn. Từ sáng đến giờ mời chào hết hơi mới bán chưa hết 2 con. Trong khi đó, trước đây, ngày nào tôi cũng bán hết bay 4 con, có hôm phải gọi thêm 2 đến 3 con nữa tương đương với 3-4 tạ thịt mới đủ.”

Tình trạng ế ẩm này không chỉ riêng cửa hàng của chị Lan. Tại Hà Nội mấy ngày nay, nhiều cửa hàng bán thịt lợn ở một số chợ khu vực Vĩnh Tuy, Thành Công, Cầu Giấy, Kim Liên... cũng cho biết, thị trường thịt lợn đang trở nên ảm đạm.

"Mặc dù thịt lợn của nhà tôi có dấu kiểm dịch hẳn hoi, lợn có xuất xứ rõ ràng, khỏe mạnh… nhưng vẫn ế sưng," chị Hoa, một người bán thịt tại chợ Mơ phàn nàn. Chị Minh, người kinh doanh thịt lợn ở chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) thậm chí còn tính chuyện tạm bỏ nghề bán thịt lợn để chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác vì "lượng hàng bán ra giảm hẳn đã cả tuần nay mà tiền thuê chỗ, tiền vé chợ đâu có giảm.”

Thông tin dịch bệnh tai xanh lan rộng là lý do khiến người tiêu dùng cảnh giác hơn với thịt lợn. Chị Nguyễn Thị Thúy (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết lý do quay lưng lại với loại thực phẩm quen thuộc này: “Nghe đài báo tuyên truyền dịch tai xanh lan rộng nên nhà mình chuyển sang ăn thực phẩm khác để đảm bảo sức khỏe. Nhà mình các cháu còn bé nữa nên càng phải kỹ càng hơn khi lựa chọn thực phẩm. Phòng hơn chống mà.”

Còn chị Trần Thị Hoa (Định Công, Hà Nội) mặc dù thừa nhận thịt lợn là dễ ăn nhất, giá rẻ nhất nhưng cũng nói không với thịt lợn theo lệnh của chồng: “Cả tuần nay, thực đơn của gia đình mình toàn là tôm, cua, cá, gà… chứ không có thịt lợn.”

Thay vì không ăn thịt lợn, người dân đổ xô đi mua thịt gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng… hay đồ ăn hải sản tôm, cua, cá…, dẫn đến những thức ăn loại này tăng giá nhẹ.

Khảo sát tại một số chợ ở Hà Nội như chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Thành Công cho thấy: Giá bán đã nhích lên từ 5.000-10.000 đồng/kg. Nếu như thịt gà tuần trước là 75.000 đến 80.000 đồng/kg tăng tới 90.000 đồng/kg, thịt bò có giá 130.000 đồng/kg, tăng hơn so tháng trước 10.000 đồng.

Chị Thanh Nga ở Đê La Thành mặc dù nằm trong số những người vẫn ăn thịt lợn nhưng rất cẩn thận khi lựa chọn: “Mua thịt lợn bây giờ phải chọn hàng quen, có dấu kiểm dịch hẳn hoi và miếng thịt phải tươi, ngon thì mới mua. Thậm chí, phải tính chuyện học mấy bác hàng xóm cẩn thận, chịu khó đi siêu thị mua thịt lợn cho đảm bảo.”

Siêu thị cam kết bán thịt sạch

Hiện nay dịch lợn tai xanh đang lây lan với mức độ hết sức nghiêm trọng. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, dịch đã xuất hiện ở 131 xã, phường tại 25 huyện, thuộc 12 tỉnh thành trong cả nước, trong đó có Hà Nội.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, dịch tai xanh ở Hà Nội cơ bản đã được khống chế. Tuy nhiên, ông Đăng vẫn tỏ ra lo ngại người dân nơi có dịch sẽ không chạy chữa đàn lợn mà cố tình để lợn bệnh chết để được tiêu hủy và nhận tiền hỗ trợ, thậm chí chuyển lợn bệnh từ nơi khác về Hà Nội tiêu thụ.

Nhiều người tiêu dùng cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng thịt lợn ngoài thị trường tự do. Chính vì vậy, theo thông tin từ các siêu thị, mặc dù đang thời dịch bệnh nhưng lượng thịt lợn tiêu thụ trong hệ thống các siêu thị không hề giảm mà lại tăng lên.

Bà Vũ Thị Hậu, đại diện nhà quản lý siêu thị Fivimart cho biết: "Người tiêu dùng thường ngày vẫn thích mua thịt lợn tươi sống ở các chợ hơn là thịt lợn đông lạnh trong siêu thị. Tuy nhiên, mỗi khi có dịch bệnh thì lượng thực phẩm trong siêu thị được lại tăng lên do chất lượng đảm bảo hơn thị trường tự do. Siêu thị kiểm soát rất chặt chẽ nguồn cung cấp và cam kết thịt lợn bán ra đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm."

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, Fivimart đã tìm kiếm thêm các nhà cung cấp để đáp ứng nhu cầu có thể tăng của người tiêu dùng. Thậm chí, siêu thị cũng tăng cường thêm 20-30% các nguồn hàng thực phẩm khác như thủy sản, gia cầm để đáp ứng nhu cầu của những người muốn chọn thực phẩm thay thế thịt lợn.

Ông Nguyễn Mạnh Cảnh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội cam kết: "Hệ thống Hapromart chỉ kinh doanh sản phẩm thịt lợn rõ nguồn gốc, xuất xứ từ những vùng không có dịch và đảm bảo chất lượng"./.

Các chuyên gia thú y đều khẳng định virus tai xanh không gây bệnh cho người. Tuy nhiên, người dân tuyệt đối không sử dụng thịt lợn bệnh vì virus tai xanh làm suy giảm miễn dịch của lợn khiến các vi khuẩn kế (vi khuẩn cơ hội) phát triển nhanh, trong đó có chứng liên cầu, một bệnh nguy hiểm có thể lây cho người và dễ dẫn đến tử vong.

Cũng theo khuyến cáo của các chuyên gia thú y, để nhận biết thịt lợn mắc bệnh tai xanh, người dân khi mua cần quan sát kỹ, chọn miếng thịt tươi, không bị tụ máu, không quá bóng, không có mùi kháng sinh. Khi sờ tay vào miếng thịt thấy ấm nóng, hơi dính. Còn nếu thớ thịt cứng, nhão thì có thể là thịt bệnh, thịt ôi.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục