Người thương binh ươm mầm vàng cho bóng đá nữ Việt Nam

Lão nông Dương Khắc Kiểm, người thương binh trở về từ khói lửa giờ đồng thời cũng là một huấn luyện viên bóng đá nữ có thâm niên hàng đầu Việt Nam.
Người thương binh ươm mầm vàng cho bóng đá nữ Việt Nam ảnh 1Bầu Kiểm, người lính năm xưa giờ cháy hết mình với việc ươm mầm vàng cho bóng đá nữ Việt Nam (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Nhìn lão nông ngồi trên triền cỏ, mắt đăm đăm hướng về lũ trẻ làng Nghiêm Xá đang tranh nhau quả bóng dưới trảng sân cỏ rộng mênh mang, ít ai nghĩ đây lại là một “ông bầu” bóng đá nữ thuộc thế hệ đầu tiên của Việt Nam. Và nhiều người càng ngỡ ngàng hơn khi trước khi gắn mình với công việc “ươm mầm vàng” cho thể thao nước nhà, ông cũng từng là một người lính gắn chặt với những năm tháng chiến tranh khốc liệt.

Lão nông Dương Khắc Kiểm, người thương binh trở về từ khói lửa giờ đồng thời cũng là một huấn luyện viên bóng đá nữ có thâm niên hàng đầu Việt Nam.

Từ người lính thành ông bầu bóng đá nữ

Tháng 5/1965, chàng trai Dương Khắc Kiểm hăng hái lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ Quốc. Hơn 1 năm sau, anh được chuyển vào Đoàn lái xe dọc Trường Sơn. Trong một trận càn của địch, xe của Kiểm bị trúng bom. Vì vết thương quá nặng, Kiểm được điều ra Bắc để chữa trị, sau đó về công tác tại Đoàn 578 đóng quân ở Hà Tây rồi sau đó giải ngũ.

Trở về từ khói lửa, người thương binh làng Nghiêm Xá, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín đã phải bươn trải đủ nghề để sinh sống: từ mò cua bắt ốc rồi lại xoay ra đi buôn bán mưu sinh. Đầu năm 1990 trong một lần lên Hà Nội bán kẹo, ông mua một tờ báo thể thao rồi đọc được thông tin đội tuyển nữ NaUy vô địch thế giới.

Thông tin này đã mở ra một chân lý sống cho phần đời tiếp theo của Dương Khắc Kiểm. Ý muốn thành lập một đội bóng đá nữ như một đốm lửa cứ âm ỷ cháy trong tâm trí người thương binh. Ông bảo, mình đã tận mắt chứng kiến người phụ nữ Việt tham gia tải đạn, tải lương khắp chiến trường; thấy hàng ngày, các chị, các cô cấy cầy không quản ngại. Vậy thì cớ sao họ không thể đá bóng?

Đã nhiều lần, trong những cuộc trà, bữa cơm, ông kiếm cớ để thao thao nói về ý tưởng của mình, nom không khác một nhà làm bóng đá thực thụ. Dù chẳng được ai hướng ứng, nhưng người đàn ông đã trạc lục tuần chẳng cần để ý, ông luôn tin có một ngày, hoài bão của mình sẽ thành hiện thực.

Người thương binh ươm mầm vàng cho bóng đá nữ Việt Nam ảnh 2Ông Kiểm luôn giữ ngọn lửa nhiệt thành với bóng đá nữ như những năm đầu lập đội (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Trời chẳng phụ lòng người, năm 1993, đinh làng Nghiêm Xá được đón nhận Bằng di tích văn hoá cấp Quốc gia. Trưởng thôn lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Minh vỗ vai lão nông Khắc Kiểm và hỏi: “Bác Kiểm nghiên cứu thiết kế xem có trò gì vui vui mới mới cho người làng mình tham gia xem.”

Như mở cờ trong bụng, ông Kiểm chẳng cần suy nghĩ, dõng dạc trong sự bất ngờ của mọi người xung quanh: “Bóng đá nữ! Chỉ có bóng đá nữ là hay nhất.”

Những tiếng xì xào, dè bỉu bắt đầu râm ran trong đám đông. Đâu có sao, ông quen rồi, thêm nữa lúc bấy giờ, trong đầu ông chỉ còn đang nghĩ xem, phải bắt đầu từ đâu cho đội bóng nữ của mình...

Nói là làm, lão nông gác lại việc đồng áng để trở thành “Bầu Kiểm”- ông Bầu bóng đá nữ đầu tiên của Việt Nam và bắt đầu “triển khai” kế hoạch của mình.

Trận đấu đầu tiên và “Hooligan” thôn

Ngày ấy, “Bầu” Kiểm phải vất vả lắm mới vận động được vài chục em để lập thành 2 câu lạc bộ bóng đá nữ. Nhận 7.000 đồng từ xã hỗ trợ, vị tân huấn luyện viên tiếp nhận nhiệm vụ đầu tiên: 15 ngày tới phải tổ chức được một trận bóng đá.

Buổi tập đầu tiên, theo như “Bầu” Kiểm ví là cơn ác mộng của tất cả các ông thầy bóng đá khi gần 30 mầm non bóng đá tương lai, không một ai đá trúng được quả bóng.

Khi đó, sân bóng không có cỏ như bây giờ, chỉ có bùn và đất, đội quân của ông toàn thục nữ, hết trượt chân, đến dập mặt, bùn đất khắp người. Nếu không có sự nhiệt tình và vô tư của đám trẻ, hẳn ông Kiếm khó có thể vượt qua.

Bằng sự kiên trì, quan sát của một người có “máu” làm bóng đá sẵn trong người, “Bầu” Kiểm đã tìm ra cách huấn luyện cho các học trò của mình.

Nhớ lại những ngày đầu lập đội, mắt người thương binh già sáng lên. Ông kể: “Ngày ấy, sáng nào, tôi cũng giục lũ trẻ dậy từ tờ mờ sáng rồi cùng chúng chạy khắp xóm. Chó thấy tiếng chân người thì sủa như xóc ốc. Ai cũng bảo tôi hâm, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm.”

Rồi, để tập cho các cô gái vốn chỉ biết cấy cầy làm quen với trái bóng, ông xếp họ thành 2 hàng, bắt đá quả bóng cho nhau tới khi nhuần nhuyễn. Cứ thế, chỉ sau 1 tuần, cả đội đã tiến bộ hơn hẳn.

Người thương binh ươm mầm vàng cho bóng đá nữ Việt Nam ảnh 3Bầu Kiểm với cô học trò nhỏ trên mảnh sân vận động làng (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Ngày tổ chức trận bóng đầu tiên đã tới, lóc cóc xe đạp tới được sân vận động, ông Kiểm ngớ người hồi lâu trước đám đông cổ động viên và tặc lưỡi: “Mới có khác”. Gần 4000 người có mặt để cùng chứng kiến trận “thư hùng” giữa hai đội Thanh Xuân và Tuổi Trẻ.

Trận đấu diễn ra thành công, vị huấn luyện viên trở nên khả kính hơn hẳn trong mắt dân làng. Đến giờ, ông Kiểm vẫn còn nhớ rõ cảnh tranh cãi của 2 vợ chồng, vốn là người 2 thôn, đến cổ vũ cho đội bóng của thôn mình.

“Đấy, mới trận đầu mà dân làng đã biết đến Hooligan rồi”-Ông Kiểm cười ngặt nghẽo.

Tiếng lành đồn xa, chỉ mấy hôm sau, Phòng Văn hóa huyện Thường Tín cùng Sở Thể dục thể thao Hà Tây (cũ) đã đích thân về thăm đội bóng đá nữ cấp làng có một không hai của ông bầu-thương binh Khắc Kiểm. Ngày 16/8/1993, đội chính thức được thành lập, bắt đầu cho một câu chuyện lạ kỳ và ý nghĩa kéo dài tới nay đã hơn 20 năm.

Những tưởng sau trận đấu đầu tiên, mọi chuyện tốt đẹp sẽ tới với đội bóng của Bầu Kiểm. Nhưng vốn dĩ ở cái thời buổi “lo ăn từng bữa”, đúng là chẳng nói trước được chuyện gì...

Cho vay lãi để...duy trì đội bóng

Chuyện nghe cứ tưởng như đùa, nhưng với ông huấn luyện viên 2 đội Thanh Xuân và Tuổi Trẻ, chuyện này hoàn toàn nghiêm túc.

Năm 1993, sau thành công vang dội của trận đấu đầu tiên, phong trào bóng đá làng Nghiêm Xá ngày một đi xuống bởi nguồn kinh phí hạn hẹp không đủ để duy trì. Đứa con tinh thần của ông Kiểm cứ ngày một còi cọc, thiếu sức sống.

Sẵn cái bản tính bướng bỉnh, không bao giờ chịu trận, ông Bầu gàn dở quyết phải tìm ra được cách nào đó để cứu lấy đội bóng của mình.

Ông thuyết phục cô Bí thư chi bộ, Đội trưởng đội sản xuất, Bí thư Đoàn thanh niên đi cùng mình để xin quyên góp.

“Hồi đấy dân mình còn nghèo, lấy đâu ra tiền mà quyên góp, tôi mới bảo các học trò của mình, mỗi đứa cầm một cái thúng, cùng tôi đi khắp làng xin gạo. Từ số thóc gạo được quyên góp, tôi bán đi được 600.000 đồng” – Ông Kiểm hăng hái kể lại.

Đến lúc này, đầu óc kinh doanh của một ông Bầu làm kinh tế mới phát huy hết khí chất, cầm 600.000 đồng trong tay, Bầu Kiểm cho mọi người trong làng vay lấy lãi. Số lãi cũng được kha khá giúp ông chi trả cho các công việc của đội bóng. Đến chính bản thân ông Kiểm cũng không dám nghĩ, cái quỹ được ông xây dựng lên cho đội bóng từ số lãi kể trên, chỉ sau vài năm, nó phát triển nhanh đến như vậy.

Đội bóng bắt đầu thu hút nhiều nữ cầu thủ tham gia hơn. Họ dần lớn mạnh, trở thành đại diện cho cả tỉnh Hà Tây tham gia các trận giao hữu với tỉnh bạn và bước vào giải toàn quốc.

Người thương binh ươm mầm vàng cho bóng đá nữ Việt Nam ảnh 4Nhiều mầm vàng đã lớn lên từ bàn tay chăm bẵm của người cựu chiến binh làng Nghiêm Xá (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Nói đến đây, người thương binh đã ngoại lục tuần nở một nụ cười, rất khó diễn đạt, vừa đắc chí, vừa thanh thản...

Kể về nỗi cực nhọc khi làm thầy các cầu thủ nữ, ông bật cười: “Các em có những đặc điểm tâm sinh lý cũng như thể chất rất khác biệt với cầu thủ nam, do đó cách huấn luyện cũng khác.”

Bầu Kiểm nhớ mãi, khi đội bóng thành lập, cô con gái Dương Thị Phương Liên của ông “bí mật” đăng ký với thôn tham gia vào đội. Đến khi biết được, ông mới ngã ngửa người ra. Ông đành giao hẹn với cô con gái 13 tuổi: Đã ra tới sân là không có bố con nữa, chỉ có thầy và trò.

Bắt đầu từ ngày ấy, sáng nào, ông Kiểm cũng bắt con gái dậy sớm, tập sút bóng. Trưa thì “thầy” đạp xe đi trước, “trò” chạy bộ theo sau để rèn thể lực.

“Tới hôm đá tập với các chị lớn hơn, thấy con bé chỉ cầm bóng không chịu chuyền, tôi nóng mặt quát: Đá bóng phải biết chuyền nhưng con bé vẫn không nghe. Lúc này, tôi giận, đuổi con chạy thẳng về nhà,” huấn luyện viên bóng đá nữ có thâm niên lâu nhất Việt Nam cười nói.

Chính nhờ sự nghiêm khắc nhưng cũng hết sức tận tâm ấy của ông đã giúp cho rất nhiều học trò trưởng thành. Họ bắt đầu bước ra khỏi giới hạn của đội bóng Thanh Xuân của làng Nghiêm Xá để khoác lên mình màu áo đội tuyển Quốc gia, mang vinh dự về cho Tổ quốc. Đó là Thủ môn kỳ cựu Đỗ Thu Trang với 3 lần đoạt danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất cùng 2 Huy chương vàng Sea Games; là Dương Khánh Ly với 1 huy chương bạc Châu Á; là Nguyễn Thị Thành, đội phó đội Futsan Quốc gia, 2 huy chương châu Á… Và còn hàng chục đứa trẻ ngày nào mới chập chững học cách đỡ bóng cùng ông, giờ đang là những “mầm vàng” của đội trẻ các tuyến của Hà Nội.

Ông Kiểm bảo: Điều hạnh phúc nhất là bóng đá đã mở ra một cánh cửa mới cho những đứa trẻ lam lũ, giúp chúng trưởng thành hơn trong cuộc sống.

Cứ chiều chiều, vẫn mặt sân ấy, vẫn chiếc khung thành đã rỉ sét, người ta lại bắt gặp một lão nông mộc mạc, khệ nệ mang theo chiếc thùng đựng đồ thể thao, trên chiếc xe đạp cũ rích, im lặng ngồi chờ các học trò của mình ra sân tập. Không biết từ bao giờ, chẳng ai còn muốn gọi ông là Kiểm “hâm”, Kiểm “điên” nữa, thay vào đó là tên gọi trìu mến: ông Kiểm “bóng đá”-ông bầu bóng đá nữ đầu tiên và cũng là nghèo nhất Việt Nam../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục