Những người sống sót sau siêu bão Hải Yến đã ở Philippines đang ngày càng tuyệt vọng vì hàng cứu trợ trong ngày thứ Hai, khi nhà chức trách đang chật vật chống lại với sự kiện có thể là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất từng được ghi nhận.
Khi quy mô khổng lồ của sự phá hoại do bão gây ra dần hiện rõ, lực lượng cứu hộ dường như đã bị quá tải trong nỗ lực giúp đỡ những người sống sót sau siêu bão. Cơn bão mang đến những đợt sóng như sóng thần và gió mạnh tàn phá một vùng rộng lớn của đất nước này trong ngày thứ Sáu.
Hàng trăm cảnh sát và binh lính đã được triển khai để kiềm chế những người hôi của ở Tacloban, thủ phủ bị tàn phá nặng nề của tỉnh Leyte, trong khi Mỹ tuyên bố đã phản ứng lại với một lời kêu gọi từ Philippines và đang gửi tới sự giúp đỡ về quân sự.
"Tacloban đã bị phá hủy hoàn toàn. Một số người đang đánh mất lý trí từ cái đói và từ việc mất đi gia đình" - giáo viên Andrew Pomeda, 36 tuổi, nói với AFP hôm Chủ Nhật, cảnh báo sẽ ngày càng nhiều người sống sót tuyệt vọng - "Người ta trở nên bạo lực. Họ cướp phá các địa điểm kinh doanh, các khu chợ, chỉ để có thực phẩm, gạo và sữa... Tôi sợ rằng chỉ trong 1 tuần, sẽ có người bị giết do cái đói".
Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói trong khi thăm Tacloban hôm Chủ Nhật cho rằng hôi của đã trở thành mối quan ngại lớn, sau khi chỉ có 20 cảnh sát thuộc lực lượng vốn gồm 390 người tới nơi làm.
"Vì thế chúng tôi sẽ gửi tới khoảng 300 cảnh sát và quân nhân để thay chỗ họ và mang trở lại sự bình yên, ổn định" - ông nói.
Theo cơ quan khí tượng Mỹ, bão Hải Yến, vốn di chuyển ra khỏi Philippines và vào biển Đông trong ngày thứ Bảy, đã đổ bộ vào Việt Nam sớm ngày thứ Hai.
Trung tâm cảnh báo bão liên quân Mỹ (JTWC) nói trong một thông tin cập nhật vào lúc 21h GMT rằng bão "đang đổ bộ" tại khu vực nằm cách phía Đông Nam thủ đô Hà Nội 156 km, với sức gió 120km/h.
Cơn bão đã bị suy yếu ở biển và tấn công Việt Nam với cấp độ 1 - mức thấp nhất trong thang tốc độ gió Saffir-Simpson gồm 5 cấp.
Dù vậy, hơn 600.000 người đã được sơ tán. Trang web Chính phủ Việt Nam cho biết 5 người đã chết khi đang chuẩn bị đón bão.
Xa hơn về phía Bắc, 6 thành viên của một con thuyền chở hàng cũng bị mất tích ở tỉnh Hải Nam, theo báo chí Trung Quốc.
Khó tiếp cận người sống sót
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cảnh báo hôm Chủ Nhật rằng có tới 4 triệu đứa trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi thảm họa. "Chúng tôi đang tích cực chuyển nhu yếu phẩm thiết yếu tới cho những đứa trẻ phải chịu đựng gánh nặng của cuộc khủng hoảng này" - đại diện UNICEF Philippines Tomoo Hozumi nói.
"Tiếp cận với các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất rất khó khăn" - ông nói - "Nhưng chúng tôi vẫn đang cố gắng".
Nhà chức trách đang vật lộn trong việc nắm bắt được bức tranh chung của thảm họa, chưa nói tới việc phản ứng với nó. Giám đốc cảnh sát khu vực Leyte nói rằng các con số ước tính ban đầu cho thấy 10.000 người có thể đã chết tại tỉnh.
Giám đốc cảnh sát Elmer Soria nói với các phóng viên ở Tacloban rằng cơn bão phá hủy tới 80% các công trình nằm trên đường nó đi. Tại đảo Samar gần đó, một quan chức cứu hộ địa phương cho biết có 300 người chết ở thị trấn nhỏ Basey.
Ông nói rằng khoảng 2.000 người ở đó và những nơi khác tại Samar cũng đang bị mất tích. Samar là một trong những khu vực bị bão Hải Yến, với sức gió lên đến 315km/h, tấn công mạnh nhất.
Hàng chục người khác cũng được xác nhận đã chết tại nhiều thành phố và thị trấn bị san bằng, trên một dải đất miền Trung Philippines dài tới 600 km, khi bão đi qua.
Hiện các hoạt động cứu trợ quốc tế dành cho Philippines cũng đã tăng lên. Tại Washington, Lầu Năm Góc thông báo Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã phản hồi đề nghị viện trợ quân sự từ Philippines và đã hướng dẫn Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ triển khai các nguồn lực.
Tổng thống Barack Obama nói rằng ông "rất đỗi buồn bã" và cho biết thêm Washington "sẵn sàng hỗ trợ thêm hoạt động cứu nạn và phục hồi của chính quyền."
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng hứa rằng các cơ quan nhân đạo sẽ "phản ứng nhanh để giúp những người đang cần sự giúp đỡ". Ủy ban châu Âu tuyên bố sẽ bỏ ra 3 triệu euro (4 triệu USD) để giúp đỡ hoạt động cứu trợ. Thủ tướng Anh David Cameron đã gọi điện cho ông Aquino để thể hiện sự cảm thông và đề nghị hỗ trợ khẩn cấp 6 triệu bảng (9,6 triệu USD).
Thảm họa tự nhiên chết chóc nhất
Philippines đã phải hứng chịu nhiều dạng thiên tai, dường như kéo dài bất tận, từ những cơn bão, động đất tới phun trào núi lửa. Đất nước này nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi nhiều trận động đất và phun trào núi lửa diễn ra.
Nhưng nếu con số hơn 10.000 người chết là hiện thực, Hải Yến sẽ là thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất từng được ghi nhận, tồi tệ hơn cả trận sóng thần vịnh Moro hồi năm 1976 làm từ 5.000-8.000 người chết.
Tốc độ gió mạnh nhất của Hải Yến cũng khiến nó là cơn bão mạnh nhất năm nay và có thể là một trong những cơn bão mạnh nhất lịch sử.
Các nhân chứng ở Tacloban đã chứng kiến các con sóng cao tới 5m. Các bức không ảnh cho thấy cả một khu vực dân cư rộng lớn bị phá hủy, với nhiều cây xanh và tòa nhà bị bão san phẳng.
Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới ở Philippines, Praveen Agrawal, người đã thăm Tacloban, nói rằng sự tàn phá ở đây giống như do sóng thần gây ra.
"Tất cả cây cối đều nghiêng về một bên, vỏ cây bị lột sạch, những ngôi nhà bị hư hại. Trong nhiều trường hợp chúng đổ sập xuống" - ông nói với AFP.
"Các con sóng lớn tới liên tục, đẩy chúng tôi ra phố và cuốn trôi nhà của chúng tôi" - Mirasol Saoyi, 27 tuổi, nói với AFP gần một điểm lánh nạn nằm trong sân vận động ở Tacloban nói - "Chồng tôi đã buộc chúng tôi lại với nhau, nhưng rồi cả hai lạc nhau vì những mảnh vỡ. Tôi thấy rất nhiều người chết đuối, họ la hét rồi chìm nghỉm... Tôi vẫn chưa tìm thấy chồng mình"./.