“Thổi lửa” cho cộng đồng

Người phụ nữ “thổi lửa” trong cộng đồng Việt kiều

Cái chất Mỹ Latinh nồng nhiệt, sục sôi đã phần nào ngấm vào tâm hồn người phụ nữ Việt đầy nhạy cảm và giàu nhiệt huyết ấy.
Được Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil mời về nước dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, người phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé rất Việt Nam - Lê Thị Bích Hường, Việt kiều Brazil - đã gây ấn tượng mạnh với Hội nghị.

Sống và làm việc ở Italy, sau đó là Brazil hơn chục năm, có lẽ cái chất Mỹ Latinh nồng nhiệt, sục sôi đã phần nào ngấm vào tâm hồn Việt nhạy cảm và giàu nhiệt huyết ấy.

Chính vì có thành tích nổi bật trong việc truyền bá văn hóa Việt Nam và đóng góp tích cực cho các hoạt động đối ngoại của cơ quan đại diện Việt nam tại Brazil mà năm nay chị Bích Hường đã được Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam tặng bằng khen.

Hiện chị đang phụ trách một chương trình hợp tác Italy-Brazil trong giáo dục mầm non tại thành phố Belo Horizonte tại Bang Minas Gerais, do Bộ ngoại giao Italy tài trợ thông qua một tổ chức phi chính phủ Italy.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với nữ "đại sứ văn hóa" này khi chị đang chuẩn bị sức để vượt 20.000 cây số đường bay trong 3 ngày trở lại Brazil.

Truyền bá văn hóa để tránh xung đột

Một người như chị xứng đáng được gọi là đại sứ văn hoá Việt Nam ở nước ngoài. Chị có thể cho biết con đường nào đã dẫn chị đến với việc làm này?


Bích Hường: Mọi việc diễn ra ban đầu chỉ là sự ngẫu nhiên. Khi tôi xa quê hương thì nỗi nhớ lớn lắm - nhớ quê nhà, nhớ bố mẹ, anh chị em nên tôi hay kể về gia đình tôi cho các bạn người Italy nghe. Dần dần, do mong muốn của bạn bè tôi bắt đầu nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Việt Nam, trước mắt để trả lời những câu hỏi của họ, sau là tổ chức các buổi nói chuyện về Việt Nam.

Việc một nước có những công dân đa quốc tịch, đa sắc tộc, đa tôn giáo, đa văn hóa cùng chung sống đang là xu hướng của nhiều quốc gia hiện nay.

Tôi nghĩ truyền bá văn hóa Việt Nam cũng là mục tiêu để làm giảm bớt sự xa cách giữa các dân tộc, giữa mình với nước bản xứ, để mọi người hiểu và thông cảm với mình, coi nhau là người thân sau khi đã hiểu phong tục tập quán của nhau, từ đó tránh những xung đột và chiến tranh giữa các nền văn hóa.

Vậy cụ thể chị đã làm những việc gì?

Bích Hường: Ngay từ khi mới sang công tác ở Italy và sau đó là Brazil, tôi đã giúp Đại sứ quán trong các hoạt động đối ngoại và truyền bá văn hóa mang đậm bản sắc Việt Nam tại hai nước này. Ví dụ như phối hợp với Đại sứ quán tổ chức các buổi nói chuyện về cuộc chiến tranh ở Việt Nam và vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại.

Tôi cũng giúp Đại sứ quán Brazil tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thời trang truyền thống nhân dịp Đại sứ quán kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam 2008 và đón mừng năm mới Việt Nam 2009. Tôi còn hỗ trợ Đại sứ quán trong các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là trong dịp Đại sứ quán tổ chức hội thảo “Cơ hội thương mại, đầu tư Vietnam-Minas Gerais” tại Belo Horizonte, Brazil...

Những khó khăn mà chị gặp phải khi làm công việc này?


Bích Hường:
Hồi ở Italy, do yêu cầu của bạn bè muốn biết về Việt Nam nên tôi đã tự tìm tòi, đọc sách rồi mỗi lần về Việt Nam lại sưu tập đủ thứ như quang gánh, thúng mủng, nong nia bằng tre, nón lá, gàu tát nước, áo dài, áo tứ thân... để minh họa cho bài nói chuyện của mình. Những hoạt động này tôi đều tự nguyện tự biên tự diễn, phải tranh thủ làm thêm ngoài thời gian làm việc chính của mình và không có thù lao.

Ở Italy thì có điều kiện làm hơn Brazil vì ít ra còn có người Việt để nhờ làm người mẫu chương trình cho có màu sắc Việt Nam. Ở Brazil thì không có ai khác ngoài hai con tôi, thậm chí còn không có đủ điều kiện vì thiếu tài liệu, tranh ảnh Việt Nam.

Đấy là chưa kể đến khó khăn khi phải nói chuyện bằng tiếng Bồ Đào Nha suốt nhiều tiếng đồng hồ trước hàng trăm người trong khi tôi cũng chỉ là một diễn gia nghiệp dư thôi và tôi còn phải lo cả việc nấu các món ăn Việt Nam để người đến dự có thể thưởng thức hương vị Việt.

Thực không dễ dàng chút nào khi phải giới thiệu văn hóa Việt Nam bằng tiếng nước ngoài...

Có một vẻ đẹp Việt Nam như thế...

Và những nỗ lực của chị đã được đền bù xứng đáng. Giám đốc một nhà hát nổi tiếng là Belo Horizonte ông Wagner Afonso sau khi xem cả chương trình của chị đã phải thốt lên rằng: “Tôi không thể tưởng tượng được một người mà có thể làm được nhiều việc như thế này... Hường đã nghiên cứu từng chi tiết khi giới thiệu về Việt Nam”...


Bích Hường: Ông Wagner Afonso đã nói với tôi như vậy khi kết thúc buổi nói chuyện về Việt Nam nói chung nhân kỷ niệm 40 năm Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 và vai trò của phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh nói riêng.

Quả thật tôi đã cố gắng hết sức chăm chút để hình ảnh Việt Nam không chỉ là những con số lịch sử của những cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ, của cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968... mà còn là một Việt Nam đầy kiêu hãnh với chiến thắng hào hùng trước một đế quốc lớn mạnh nhất thế giới.

Phần thưởng đặc biệt với tôi ngày hôm đó là người đi xem ngồi đến phút cuối cùng, cho đến lúc tôi nói rằng chương trình đã hết mà họ vẫn chưa đứng dậy. Rồi những giọt nước mắt xúc động của các mẹ, các chị Brazil cũng như của chính mình khi nói về những mất mát của dân tộc Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Đến khi Đại sứ và tôi lên hát bài “Việt Nam Hồ Chí Minh” thì tất cả cứ thế hát theo “Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh” và vỗ tay, vì họ không biết tiếng Việt. Sau đó, họ xếp hàng dài để chúc mừng tôi. Điều đó là tôi hết sức ngạc nhiên và xúc động.

Ông Chủ tịch Nhà xuất bản Canoa das Letras đã tặng tôi một quyển sách với dòng chữ: “Tồn tại một người Phụ nữ Việt Nam, tồn tại vẻ đẹp, sự duyên dáng và nữ tính. Gửi Hường câu chuyện về một người phụ nữ nông thôn Brazil”.

Vậy còn kế hoạch của chị trong năm tới là gì?

Bích Hường: Tôi sẽ cộng tác với Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil tổ chức triển lãm ảnh và chiếu phim Việt Nam tại thành phố Belo Horizonte của Bang Minas Genais. Tôi sẽ giới thiệu nghệ thuật múa rối nước ở các trường học Brazil thuộc dự án của tôi và Dân ca quan họ Kinh Bắc, một di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận.

Xin cảm ơn và chúc kế hoạch của chị sẽ thành công./.


Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục