Một người phụ nữ tại Tây Ban Nha đã bị ốm đến mức phải nhập viện sau khi uống càphê từ một chiếc máy bán hàng tự động tại sân bay và phát hiện đồ uống của mình chứa đầy côn trùng.
Người phụ nữ 21 tuổi này làm việc trong một hãng hàng không. Cô đã mua một cốc càphê từ chiếc máy bán hàng tự động tại sân bay Son Sant Joan, một sân bay tại thành phố Majorca, Tây Ban Nha vào ngày 22/4.
Theo trang tin Ultima Hora của Tây Ban Nha, sau khi uống vài ngụm, cô cảm thấy càphê có vị rất lạ. Và khi nhìn vào trong cốc, cô thấy “lúc nhúc côn trùng.”
Sau đó, cô có các biểu hiện của hiện tượng sốc phản vệ, cổ họng sưng lên gây khó thở, da bị nổi mẩn nhiều chỗ.
Cô được đưa đến bệnh viện sau khi được nhân viên sân bay tiêm adrenaline và các biện pháp sơ cứu khác, đồng thời phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt 36 giờ trước khi được xuất viện vào 2 ngày sau đó.
Gia đình cô gái đã nộp đơn kiện sân bay nói trên, cho rằng sự xuất hiện của những con bọ trong máy pha càphê có thể được coi là một tội ác chống lại sức khỏe cộng đồng và gây thương tích cho con người.
Họ cũng cho biết hiện tại chiếc máy đã ngừng hoạt động, và cho rằng tình trạng trên có thể bắt nguồn từ sự yếu kém trong công tác bảo trì, bảo dưỡng máy.
Hiện Ban quản lý sân bay Son Sant Joan đã mở một cuộc điều tra và công ty cung cấp loại máy này được lệnh tổng kiểm tra tất cả các sản phẩm của mình.
Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng, gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Các triệu chứng thường xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, thử test, bị ong đốt hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ như côn trùng.
Cơ chế là do ở một số loài côn trùng có các protein mà các protein này được xem là yếu tố lạ đối với cơ thể, đặc biệt là với những người có cơ địa dị ứng.
Bên cạnh đó, một số loại động vật, côn trùng còn có chứa những ký sinh trùng gây hại, nếu chúng xâm nhập vào cơ thể khi không được nấu chín kỹ sẽ gây những hậu quả khó lường.
Trước đó, vào năm 2010, vì thực hiện lời thách thức của bạn bè khi đang tiệc tùng, chàng trai người Australia Sam Ballard đã bắt một con ốc sên trong vườn rồi nuốt vào bụng. Sam không ngờ hành động ngớ ngẩn này khiến cậu bị liệt cả tay và chân.
Nuốt xong, Sam tiếp tục tiệc tùng. Nhưng sau đó cậu cảm thấy không khỏe và phải nhập viện. Bác sỹ phát hiện Sam đã bị nhiễm một loại giun thường sống ký sinh trong phổi chuột.
Sam đã rơi vào trạng thái hôn mê suốt 420 ngày. Khi tỉnh dậy, chàng trai trẻ bị liệt cả tứ chi và không thể nói chuyện. Suốt nhiều năm trời ròng rã, chàng thanh niên này phải ngồi xe lăn, không thể nói chuyện, cũng không thể ăn uống. Thức ăn được đưa vào cơ thể cậu qua một chiếc ống thông với dạ dày, và đôi lúc cậu còn lên cơn động kinh.
Tại Việt Nam, một số côn trùng đã trở nên quen thuộc trên bàn ăn, quán ăn, thậm chí còn trở thành món “khoái khẩu” như nhộng, châu chấu, đuông dừa. Tuy nhiên, do thành phần chứa hàm lượng đạm cao nên các loại côn trùng này cũng gây ra nhiều nguy cơ dị ứng, thậm chí sốc phản vệ với những người có cơ địa dị ứng.
Ngoài ra, với loài côn trùng đuông dừa, một số bào tử nấm độc từ môi trường bên ngoài có thể nhiễm vào đuông dừa. Các bào tử này trở thành nấm có độc tính cao khi vào cơ thể con người.
Vào đầu tháng này, một phụ nữ 33 tuổi, trú tại Vĩnh Long đã phải nhập viện do dị ứng sau khi ăn đuông dừa.
Chị đã ăn 2 con đuông dừa, và 3 tiếng đồng hồ sau, cơ thể xuất hiện các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, mẩn đỏ ngứa khắp ngườ, mệt mỏi, khó thở.
Các bác sỹ khuyến cáo, khi bị ngộ độc thức ăn có nguồn gốc là côn trùng, nếu còn tỉnh táo, cần tự gây nôn.
Trong trường hợp đã lâm vào tình trạng nặng, khó thở và thở yếu, tùy theo các biểu hiện của nạn nhân mà có cách sơ cứu phù hợp, như thực hiện hô hấp nhân tạo. Sau khi sơ cứu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới các cơ sở y tế để được xử trí và điều trị kịp thời./.