Người phụ nữ đầu tiên khỏi nhiễm HIV sau khi được ghép tế bào gốc

Kể từ khi được áp dụng phương pháp máu cuống rốn để điều trị bệnh bạch cầu tủy sống, bệnh của người này đã thuyên giảm và không còn virus trong 14 tháng mà không cần liệu pháp kháng virus.
Ảnh minh họa. (Nguồn: cells4life.com)

Một bệnh nhân người Mỹ mắc bệnh bạch cầu tủy sống đã trở thành người phụ nữ đầu tiên và là người thứ ba trên thế giới được chữa khỏi nhiễm HIV sau khi được ghép tế bào gốc của một người có khả năng tự nhiên chống virus HIV gây bệnh AIDS này.

Trường hợp nói trên là một phụ nữ lai ở độ tuổi trung niên. Đây cũng là ca đầu tiên sử dụng máu cuống rốn.

Kể từ khi được áp dụng phương pháp máu cuống rốn để điều trị bệnh bạch cầu tủy sống - căn bệnh ung thư bắt nguồn từ các tế bào tạo máu trong tủy sống - bệnh của người này đã thuyên giảm và không còn virus trong 14 tháng mà không cần liệu pháp kháng virus được sử dụng để điều trị HIV. 

Kết quả điều trị bệnh nhân trên đã được trình bày tại Hội thảo về Retroviruses và nhiễm ngẫu nhiên tại Denver.

[Cấy ghép tế bào có nguồn gốc từ tế bào iPS đầu tiên trên thế giới]

Hai trường hợp trước đó đều là nam giới, gồm một người da trắng và một người Mỹ Latinh, được nhận các tế bào gốc của người trưởng thành - phương pháp thường dùng trong cấy ghép tủy sống.

Trường hợp nữ bệnh nhân trên nằm trong khuôn khổ một nghiên cứu quy mô lớn hơn được Mỹ bảo trợ, do Tiến sỹ Yvonne Bryson tại Đại học California Los Angeles (UCLA) và Tiến sỹ Deborah Persaud tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore dẫn đầu.

Mục đích nghiên cứu là theo dõi 25 người nhiễm HIV được ghép tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn để điều trị ung thư và các bệnh nặng khác. Các bệnh nhân này đều đang trong giai đoạn đầu hóa trị để tiêu diệt tế bào ung thư.

Các bác sỹ đã ghép tế bào gốc từ những người có đột biến gene đặc thù khiến họ thiếu thụ quan mà virus thường dùng để tấn công tế bào. Các nhà khoa học cho rằng ở những bệnh nhân này sẽ phát triển một hệ miễn dịch chống HIV.

Theo Tiến sỹ Lewin, cấy ghép tủy không phải là một chiến lược khả thi để chữa trị cho hầu hết các bệnh nhân nhiễm HIV, nhưng kết quả nói trên "đã xác nhận rằng có thể chữa khỏi  HIV và tăng cường sử dụng liệu pháp gene là một chiến lược khả thi để chữa trị HIV."

Nghiên cứu trên cho thấy một yếu tố quan trọng để thành công là cấy ghép tế bào có khả năng chống HIV.

Trước đây, các nhà khoa học cho rằng một tác dụng phụ phổ biến của việc cấy ghép tế bào gốc, trong đó tế bào trong mô ghép của người cho tấn công tế bào của người nhận, đóng một vai trò trong việc có chữa được bệnh hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục