Sau gần một tuần xét xử và nghị án, sáng 9/1, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, sinh năm 1969, ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) 14 năm tù về tội “Buôn lậu” theo điểm a, khoản 4, điều 188 Bộ luật Hình sự 2015.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh còn bị tuyên 8 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” theo bản án hình sự phúc thẩm số 84 ngày 21/11/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; tổng hợp hình phạt của bị cáo Hạnh phải chấp hành của hai bản án là 22 năm tù.
Các đồng phạm gồm Nguyễn Hoàng Út (sinh năm 1971, ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) 13 năm tù; Trần Công Tới (sinh năm 1987), Bùi Văn Miền (sinh năm 1984), Trần Văn Phương (sinh năm 1973) cùng ngụ huyện An Phú, Võ Minh Phương (sinh năm 1990, ngụ thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang), mỗi bị cáo 8 năm tù giam; Nguyễn Tường Cẩm Tú (sinh năm 1990, ngụ thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) 7 năm tù giam cùng về tội “Buôn lậu."
Tòa còn tuyên phạt bổ sung bằng hình thức phạt tiền đối bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh 90 triệu đồng, bị cáo Nguyễn Hoàng Út 20 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước.
[An Giang: Trùm buôn lậu Mười Tường bị đề nghị mức án từ 7 đến 9 năm tù]
Theo cáo trạng, khoảng 18 giờ 45 phút, ngày 23/12/2018, khi thuyền máy (ghe) chở hàng của “đàn em” Nguyễn Thị Kim Hạnh từ Campuchia về đến Kênh Ruộc (xã Phú Hội, huyện An Phú) bị Tổ công tác của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an phát hiện, yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 1.397 bao đường cát, 106 bao chứa quần áo, giày, túi xách, mũ, tổng giá trị hàng hóa trên 1 tỷ đồng, tất cả đều không có hóa đơn, chứng từ. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã lập biên bản phạm tội quả tang, tạm giữ 4 phương tiện và toàn bộ hàng hóa nhập lậu.
Ngày 28/12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam các bị can.
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2010 đến năm 2020, Nguyễn Thị Kim Hạnh trực tiếp mua đường cát từ Campuchia mang về Việt Nam bán cho 33 người (tại An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và Thành phố Hồ Chí Minh) trên 200.000 tấn đường cát, giá trị trên 2.885 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Võ Minh Phương, Trần Công Tới, Bùi Văn Miền, Trần Văn Phương, Nguyễn Tường Cẩm Tú khai nhận Nguyễn Thị Kim Hạnh trực tiếp mua đường cát tại Campuchia vận chuyển về Việt Nam bán cho khách hàng ở các tỉnh và điều hành toàn bộ đường dây vận chuyển hàng lậu, phân công nhiệm vụ cho từng người.
Trong số đó, Nguyễn Hoàng Út trực tiếp điều hành, chỉ đạo công việc hàng ngày của Võ Minh Phương, Trần Công Tới, Bùi Văn Miền. Võ Minh Phương được giao nhiệm vụ sang Campuchia nhận hàng, điều ghe và giao hàng lậu cho các ghe, canh đường tại chốt Biên phòng Phú Hội (huyện An Phú) và thông báo cho các ghe biết thời điểm để vượt qua chốt tránh bị kiểm tra.
Trong đường dây buôn lậu trên, Bùi Văn Miền được phân công tiếp nhận hàng lậu đến Việt Nam rồi chuyển lên kho và chuyển lên các ghe khác để vận chuyển đi tiêu thụ. Nguyễn Tường Cẩm Tú được Nguyễn Thị Kim Hạnh phân công nhiệm vụ điều phối ghe chở đường cát nhập lậu đi giao cho khách hàng ở các tỉnh khác; ghi chép thông tin về số lần ghe vận chuyển, số lượng đường cát, số tiền mua bán đường cát nhập lậu; thực hiện giao dịch thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng.
Ngày 23/12/2018, biết các ghe chở hàng lậu bị bắt, Nguyễn Thị Kim Hạnh gọi điện chỉ đạo đàn em, trong đó có Nguyễn Tường Cẩm Tú đến phòng của Hạnh tìm giấy tờ, tài liệu liên quan mang đi tiêu hủy. Sau đó, đối tượng cùng đàn em đi đến kho hàng tại Gò Tà Mâu (Campuchia) trốn và bàn cách giải quyết hàng lậu bị bắt.
Trước khi Phương, Tới, Miền đến Cơ quan Công an đầu thú, Nguyễn Thị Kim Hạnh và Út chỉ đạo các đối tượng này đến nhà của Hạnh (gần cầu Cồn Tiên, thuộc ấp Phước Thọ, xã Đa Phước, huyện An Phú) khai báo làm thuê cho một phụ nữ ở Campuchia./.