Người Pháp dè dặt trở lại cuộc sống thường nhật sau dỡ bỏ phong tỏa

Sắc lệnh dỡ bỏ phong tỏa toàn quốc bắt đầu có hiệu lực từ sáng 11/5, hoạt động kinh tế xã hội tái khởi động với nhiều điểm khác lạ. Pháp như bước vào "một thế giới mới."
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau 2 tháng phong tỏa nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19, nước Pháp "bị chia làm đôi" với chín vùng ít nguy cơ được thể hiện bằng màu xanh trên bản đồ, bốn vùng còn lại miền Đông-Bắc, nơi virus vẫn lây lan mạnh được đánh dấu bằng màu đỏ.

Sắc lệnh dỡ bỏ phong tỏa toàn quốc, bắt đầu có hiệu lực từ sáng 11/5. Các hoạt động kinh tế xã hội tái khởi động với nhiều điểm khác lạ.

Ngày đầu tiên dỡ bỏ phong tỏa, trên đại lộ Champs-Elysées ở trung tâm Paris, bất chấp cơn gió mạnh và thời tiết khá lạnh, khoảng 10 người xếp hàng trước cửa hàng Louis Vuitton.

Vào ngày đầu tiên mở cửa trở lại các cửa hàng đồ dùng không thiết yếu, thương hiệu xa xỉ của tập đoàn LVMH thu hút khá đông khách hàng vùng thủ đô Ile-de-France. Quang cảnh không khác mấy so với thời kỳ trước phong tỏa, trừ những quy định mới được niêm yết ngay lối vào: "Hãy đeo khẩu trang, chú ý tôn trọng khoảng cách và đợi cho đến khi một người bán hàng ra đón quý khách."

Vào lúc 10h30, cửa hàng mỹ phẩm Sephora trên đại lộ Champ-Elysées mở cửa trong tràng pháo tay của khách hàng. Toàn bộ đội ngũ nhân viên bán hàng xếp thành một hàng rào danh dự trên đoạn thảm đỏ dài 13m ở lối vào, giống nghi thức mở cửa hằng ngày từ năm 1996. Chỉ một điều khác biệt duy nhất, khuôn mặt của tất cả những người bán hàng được giấu kín dưới lớp khẩu trang y tế, và khách hàng cũng được yêu cầu đeo khẩu trang. Trên các kệ hàng, tất cả các sản phẩm được gói trong giấy bóng kính. Không ai được phép thử sản phẩm như trước đây nữa.

Trung tâm thương mại lớn như Galeries Lafayette và Printemps trên đại lộ Haussmann vẫn chưa được phép mở cửa trở lại. Điều này cũng gây bất lợi đối với các cửa hàng gần đó của các thương hiệu quần áo Zara và Etam, do số lượng khách hàng phụ thuộc nhiều vào sức thu hút của các trung tâm thương mại trên.

Bên trong cửa hàng đã được bài trí lại để tuân thủ quy tắc giãn cách xã hội. Chỉ một nửa số buồng thử quần áo hoạt động. Quần áo sau khi được khách hàng thử nhưng không chọn mua sẽ phải treo riêng trong 24 giờ và làm sạch bằng bàn là hơi. Tại quầy thu ngân, người bán hàng đưa cho khách túi quần áo đã mua mà không chạm vào quai nắm. Tuy nhiên, lượng khách hàng rất thưa thớt trong ngày đầu tiên mở cửa sau phong tỏa.

Trái ngược với các cửa hàng thời trang, các tiệm cắt tóc là địa điểm hoạt động nhộn nhịp cả ngày. Nhiều tiệm thậm chí đã đón khách từ rạng sáng 11/5 và xếp lịch hẹn kín hết cả tuần sau.

[Pháp để ngỏ việc tái áp đặt phong tỏa, bắt đeo khẩu trang trên máy bay]

Theo Camille, cư trú tại quận 7 của Paris, khi công sở mở cửa trở lại "tôi không thể đi làm với mái tóc không được chăm sóc từ hai tháng nay."

Những nguyên tắc vệ sinh được tuân thủ nghiêm túc như người thợ được trang bị khẩu trang và tấm chắn giọt bắn, khách hàng đến vào giờ đã hẹn trước để không phải chờ đợi và cũng phải đeo khẩu trang.

Tình trạng ùn tắc tại các bến tàu và trên các phương tiện giao thông công cộng vào giờ cao điểm, như chính quyền Paris từng e ngại, đã không diễn ra. Nhiều công ty tiếp tục duy trì phương thức làm việc từ xa, nhiều người lao động đã chọn cách di chuyển bằng xe đạp để đảm bảo an toàn. Vì vậy, trên nhiều tuyến tàu điện ngầm và tàu nội đô, các toa tàu gần như trống rỗng, tất cả hành khách đều đeo khẩu trang theo quy định. Những người vi phạm sẽ phải nộp phạt 135 euro. Trong thời gian đầu tiên sau phong tỏa, 10 triệu khẩu trang được phát miễn phí cho hành khách.

Người Pháp dè dặt trở lại cuộc sống thường nhật sau dỡ bỏ phong tỏa ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trước cửa nhà ga Lyon ở Paris, ông Roger (chủ một kiốt bán báo), đã quyết định bán thêm khẩu trang vải, tấm chắn giọt bắn và gel rửa tay khô để duy trì doanh số bán hàng. Ông ước tính gần 1/3 số khách hàng của mình đã đăng ký nhận báo trong thùng thư, thay vì đến kiốt để mua trực tiếp như thói quen trước đây.

Bên trong nhà ga Lyon, không khí khá tấp nập với những dòng người lên hoặc xuống tàu. Sau 2 tháng không thể di chuyển vì lệnh phong tỏa, những người này lên tàu để về quê ở miền Nam, những người khác xuống tàu sau hành trình từ quê trở lại Paris để chuẩn bị trở lại với cuộc sống thường nhật.

Juliette, Amélie và Esther đều là sinh viên đại học năm thứ nhất. Với những chiếc vali lớn trong tay, họ ra ga để trở về quê nhà tại Avignon. Cả ba cùng thuê nhà trọ ở Vitry-sur-Seine, ngoại ô Paris. Khi năm học kết thúc sau những giờ lên lớp và các bài thi hoàn toàn trực tuyến, họ bắt đầu cảm thấy nặng nề.

"Chúng tôi muốn về quê" - Juliette nói, nhưng không biết liệu việc trở về với bố mẹ có được chấp nhận như một "lý do thuyết phục" cho việc di chuyển trên 100km hay không.

Việc di chuyển tự do không cần giấy chứng nhận chỉ được giới hạn trong bán kính 100km từ nơi cư trú. Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên sau phong tỏa, các nhân viên đường sắt chỉ kiểm soát vé, cảnh sát đi tuần để nhắc nhở tất cả mọi người đều phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.

Hành khách đi tàu đến Paris đã có một hành trình yên tĩnh trong những toa tàu gần như trống rỗng và không có sự kiểm soát đặc biệt nào, như lời kể của Loïc và Tifanie, từ thành phố Grenoble trở về Paris để tiếp tục công việc.

Chị Delphine, người ở lại Paris trong thời gian phong tỏa, ra nhà ga để đón hai đứa con Salomé (11 tuổi) và Zénon (9 tuổi), đã đi tránh dịch tại quê nội ở Lyon. Cuộc hội ngộ tràn đầy niềm vui giữa ba mẹ con sau hai tháng xa cách.

Delphine tâm sự: "Với tôi, bây giờ mới thực sự là cuộc sống gia đình đúng nghĩa, nhất là khi tôi chưa phải trở lại công sở và các con chưa phải đến trường." Các trường học tiếp tục đóng cửa cho đến khi chính quyền địa phương đảm bảo chắc chắn những biện pháp giữ an toàn cho học sinh.

Đối với cánh tài xế taxi trước nhà ga, việc trở lại nhịp sống bình thường còn ở rất xa. Từ 7h sáng, ông Rémy chỉ có hai chuyến ngắn với giá 20 euro, sau hai tháng hoàn toàn nghỉ việc. Trong xe của ông đã lắp thêm tấm chắn bằng nhựa để hành khách yên tâm. Rất nhiều quy định mới cần làm quen và tuân thủ. Nhưng "để cuộc sống tiếp tục, mọi thứ cần được hoạt động trở lại, cần được kết nối," ông Rémy nhấn mạnh.

Với việc từng bước dỡ bỏ phong tỏa, Pháp bước vào "một thế giới mới," nơi cần hài hòa giữa phục hồi kinh tế và tiếp tục ngăn chặn virus lây lan. Thực tế là ngay trong ngày đầu tiên nới lỏng phong tỏa, số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 ở Pháp đều tăng so với  ngày trước.

Tính đến tối 11/5 (theo giờ địa phương), Pháp ghi nhận thêm 456 ca nhiễm mới, tăng so với 209 ca vào ngày 10/5. Số ca tử vong vì COVID-19 ở tăng 263 ca, trong khi ngày 10/5 chỉ thêm 70 ca. Rõ ràng điều kiện tiên quyết là Pháp hoạt động trở lại trong điều kiện an ninh y tế tối đa, để tránh dịch bệnh bùng phát trở lại.

Để làm được điều đó, văn hóa làm việc và giao tiếp mới phải được thực hiện ở mọi nơi trong nền kinh tế Pháp. Tất cả các lĩnh vực đều đòi hỏi một giai đoạn thích ứng trước những thách thức mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục