Nông dân Lý Văn Bon (tên thân mật là Bảy Bon), trú tại Cồn Sơn, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ là một trong những gương tiêu biểu được tham gia Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm nay.
Nuôi cá kết hợp đón khách tham quan, ông Lý Văn Bon đã thành công với mô hình làm kinh tế kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch.
Bè cá Bảy Bon được du khách xa gần biết đến là điểm du lịch được nhiều người lựa chọn khi ghé thăm vùng đất Tây Đô.
Thành công nhờ nhạy bén
Bao quanh Cồn Sơn là sông nước. Hợp tác xã du lịch nông nghiệp Cồn Sơn như một cộng đồng làm du lịch thu nhỏ. Tận dụng thế mạnh về nông nghiệp “vườn rau, ao cá” sẵn có ở địa phương kết hợp với những sáng tạo, người nông dân miệt vườn đã cho ra đời nhiều sản phẩm du lịch hay như: xiếc ếch, cá lóc bay, làm bánh dân gian…
Mỗi năm, bà con Cồn Sơn đều tìm kiếm thêm sản phẩm mới giúp đa dạng, phong phú “thực đơn” nhằm thu hút khách; trong đó, nổi bật có nông dân Lý Văn Bon.
Ông Bon là một trong số ít nông dân thành công với mô hình làm kinh tế kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch ở đất Cần Thơ.
Từ người nuôi cá ít ai biết đến trên dòng sông Hậu, nhờ nhạy bén, ông đã quyết định vừa bán cá thương phẩm, vừa kết hợp để khách đến tham quan, tìm hiểu về một số loại cá gắn với miền Tây sông nước. Nhờ vậy, mô hình của ông tạo được sức hút du khách.
[Tôn vinh những hạt nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước]
Từ khách nội địa đến quốc tế đều không ngại xa xôi ghé bè cá ông Bon chiêm ngưỡng những con cá bơi lội, đớp mồi dưới nước và lắng nghe những sẻ chia thú vị từ người am hiểu về đặc tính, hình ảnh, tập quán sinh sống của các loại cá chỉ có ở miền Tây như: cá vồ đếm, cá tra dầu, cá bông lau, cá tra bần…
Anh Nguyễn Bá Tuân (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: “Xem báo, đài đã được biết nhiều về ông Bon nhưng vẫn muốn đến tận nơi để xem mô hình nuôi cá và gặp được ông chủ. Được trực tiếp nhìn hình ảnh các loại cá anh Bon giới thiệu, tôi mới biết cách phân biệt một số loại cá giống nhau như cá tra, cá vồ đếm...”
Ban đầu, bè cá của ông Bảy Bon chỉ giới thiệu với khách một vài loại cá có sẵn ở bè nuôi như cá thác lác, cá diêu hồng, cá lóc, cá vồ đếm… Dần dần, ông Bảy Bon sưu tầm thêm nhiều loại cá nước ngọt mới lạ thu hút được sự tò mò của du khách.
Theo nông dân Bảy Bon, với diện tích 10.000 m3 mặt nước, ngoài nuôi cá thác lác cườm bán thương phẩm, ông “nắm giữ” trong tay 15 loại cá quý hiếm nhưng chỉ giới thiệu cho khách khoảng 4 loại là: cá thác lác, cá cóc, cá hô, cá bắn nước…
Một số loại cá “khủng” (kích cỡ lớn) như cá tra dầu, cá tra cờ, cá hú, cá chốt chuột, cá trà sóc… sẽ được ông “tung ra” dần để tạo sự mới mẻ cho khách đến đây. Đổi mới là phương châm của ông để "níu chân" du khách.
Mặc dù du lịch Cồn Sơn là vùng miệt vườn, dân dã nhưng không vì thế mà người làm du lịch nơi đây “xuề xòa”. Họ chú trọng đến hình thức và cả chất lượng, mẫu mã sản phẩm để tạo niềm tin, uy tín với khách ghé thăm.
Nông dân Bảy Bon còn chú trọng thiết kế bè cá với các tiểu cảnh chậu hoa, mái che lá dừa, thuyền làm từ vỏ chai nhựa hay như những đàn cá Koi massage chân… nhằm tạo sự thích thú cho du khách khi đến nơi đây.
Nông nghiệp kết hợp du lịch - hướng đi đúng
"Nông nghiệp kết hợp du lịch là hướng đi đúng" là đúc kết từ chính ông Bảy Bon sau nhiều năm. Ông Bon nhận thấy, đây là sự kết hợp “đi đúng đường” đem lại hiệu quả phát triển kinh tế. Người đàn ông gần 70 tuổi chia sẻ, nhờ du lịch, ông bán được cá. Nhờ cá, ông có khách đến du lịch.
Ông Bảy Bon cho biết trước đây gia đình ông chủ yếu nuôi cá. Tuy nhiên sau đó, nghề này bấp bênh, nông dân thường bị thương lái ép giá. “Cái khó, ló cái khôn.” ông đã đầu tư cơ sở chế biến chả cá thác lác và tận dụng điểm du lịch tại bè cá để bán chả cá cho du khách. Trung bình mỗi năm, ông bán ra thị trường khoảng 300 tấn chả cá thác lác.
Thay vì phải tự tìm khách hàng, giờ đây, nhờ làm du lịch, khách tự tìm đến mua sản phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, người nông dân không phải tốn thêm chi phí vận chuyển, không phải thông qua thương lái.
“Du lịch là kênh bán hàng, quảng bá hiệu quả. Bán hàng được, đầu vào ổn định, lúc nào có sẵn cung cấp cho khách du lịch. Từ khách đến trực tiếp sẽ thêm một kênh giới thiệu sản phẩm,” ông Bảy Bon chia sẻ.
Không chỉ đơn thuần làm nông bằng lao động thủ công, lão nông Lý Văn Bon còn kết hợp công nghệ để giảm sức người như: sử dụng máy móc kiểm tra nguồn nước, quản lý bè cá bằng camera, bán chả cá có mã vạch để khách truy xuất nguồn gốc, bán hàng online…
Từng bước, ông áp dụng công nghệ vào các khâu sản xuất, chế biến giúp nâng cao hiệu quả công việc, tạo được sự tin tưởng của khách hàng.
Trước đây, nhiều nông dân ở Cồn Sơn chưa hiểu nên lo sợ khi khách đến sẽ làm cá chết, cây chết, không cho quả; quay phim, chụp ảnh sẽ ảnh hưởng đến trồng trọt…
Thực tế cho thấy, khách đến càng đông, người nông dân mới có thu nhập tốt. Minh chứng chính là bè cá Bảy Bon đã đón tiếp mỗi ngày khoảng 300 lượt khách; riêng ngày cuối tuần, dịp lễ Tết, lượng khách đến tăng gấp 2-3 lần.
Ông Lý Văn Bon là gương nông dân điển hình thành công với làm kinh tế nông nghiệp. Trừ thời điểm COVID-19 bùng phát, mỗi năm, mô hình đem về cho ông lợi nhuận khoảng 9-10 tỷ đồng.
Không chỉ dừng lại ở việc làm giàu cho gia đình, ông đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 40 lao động.
Ông Bảy Bon tâm sự ông sẽ không mở rộng thêm diện tích bè nuôi cá vì để nhường cơ hội cho người khác khai thác, mở thêm dịch vụ; đồng thời, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch nơi đây.
“Một người không phải là thế mạnh, một tập thể mới là thế mạnh. Mỗi nhà có mỗi thế mạnh, tạo sự đa dạng, phong phú cho du khách trải nghiệm, du khách không bị nhàm chán."
Lời của người đàn ông sống hơn “60 năm cuộc đời” thể hiện sự hồn hậu, chất phát, hào sảng của người nông dân miền Tây.
Cứ như cách làm giàu và quan điểm sống của ông Bảy Bon, rồi đây, nông dân nào cũng sẽ vươn lên, sống khỏe trên chính mảnh vườn, đồng ruộng, ao cá của mình./.