Người nông dân Gia Lai ''mắc kẹt'' với cây khoai lang Nhật

Mùa vụ năm 2017, với giá khoảng 10.000 đồng/kg, gia đình bà Lâm thu về khoảng 150 triệu đồng, nhưng đến mùa vụ năm nay là câu chuyện khác hoàn toàn.
Khoai lang Nhật Bản. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Vốn được biết đến là vùng đất chuyên canh các loại cây công nghiệp như càphê, hồ tiêu, cao su…, song những năm gần đây nông dân Gia Lai chuyển sang phát triển các loại cây trồng khác, nhất là khoai lang Nhật vì được giá.

Tuy nhiên, vụ này họ đang phải đối mặt với nguy cơ mất trắng, thua lỗ bởi giá xuống thấp và không có ai thu mua.

Bắt đầu được canh tác từ năm 2011, hiện nay xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai có gần 200 ha khoai lang Nhật.

Trên thực tế, diện tích trồng khoai này được người dân canh tác trên đất trồng lúa. Sau khi thu hoạch lúa vụ Hè Thu (khoảng tháng 11, 12 dương lịch), người dân bắt đầu xuống giống khoai lang.

Sau 3,5 đến 4 tháng, khoai cho thu hoạch và bà con tiếp tục trồng lúa vụ Đông Xuân.

Như vậy, toàn bộ diện tích đất ruộng được trồng khoai lang không có thời gian phơi đất mà được người dân canh tác liên tục.

Gia đình ông Phạm Khắc Dũng (thôn Kinh Môn, xã Chư A Thai) trồng 3,5 ha khoai lang trên đất trồng lúa.

Năm 2017, nhờ giá khoai cao, được mùa, gia đình ông thu về 500 triệu đồng, trừ hết chi phí lãi hơn 350 triệu đồng.

Mùa vụ 2018, ông tiếp tục xuống giống khoai ngay sau khi thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu. Thế nhưng, vụ khoai này đang khiến gia đình ông điêu đứng.

“Thời điểm đầu mùa, thương lái đến mua khoai rất cao, khoảng 13.000 đồng/kg, nhưng không có nhà nào thu hoạch. Dần dần khoai mất giá và đến khi chỉ còn 6.500 đồng/kg thì gia đình tôi thu hoạch được trên diện tích khoảng 1ha, thu về hơn 100 triệu đồng. Bây giờ giá khoai chỉ còn 3.000 đồng/kg mà không có ai mua. Diện tích 2,5ha trồng khoai còn lại nay đã hơn 5 tháng và bắt đầu hư hỏng,” ông Dũng buồn rầu.

Không được may mắn như gia đình ông Dũng, bà Trương Thị Lâm (thôn Kinh Môn, xã Chư A Thai) thậm chí còn chưa bán được khoai trên diện tích 1,6 ha đất ruộng của gia đình.

Mùa vụ năm 2017, với giá khoảng 10.000 đồng/kg, gia đình bà thu về khoảng 150 triệu đồng, nhưng đến mùa vụ năm nay là câu chuyện khác hoàn toàn.

“Năm nay thì mất trắng, thua lỗ rồi. Đến giờ này giá chỉ còn 3.000 đồng/kg, thậm chí là 2.000 đồng/kg mà không có người nào đến hỏi mua. Tôi đang lo sắp tới khoai xuống giá nữa hoặc bị hư hỏng thì thiệt hại còn lớn hơn nhiều,” bà Lâm cho biết.

Thực tế, người dân cần phải thu hoạch khoai lang đúng thời vụ, tức chỉ khoảng 3,5 đến 4 tháng sau khi trồng thì mới có thể tiếp tục trồng lúa vụ Đông Xuân, dù thời điểm trồng đã muộn hơn so với những hộ không canh tác khoai lang. Tuy nhiên, các hộ dân chưa thể bán được khoai lang nên chắc chắn không thể kịp xuống giống lúa thời điểm này.

“Khoai đang dần hư hỏng và tôi cố chờ một thời gian nữa xem có thương lái đến mua không. Nếu không có người mua, tôi đành phải cày toàn bộ đất lên, dùng khoai làm phân bón cho vụ lúa Hè Thu sắp đến vì bây giờ có cày lên để xuống giống vụ Đông Xuân cũng không kịp nữa,” ông Dũng cho biết thêm.

Điều đáng nói dù có nguy cơ bị mất trắng, thậm chí thua lỗ, song những người dân tại xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện vẫn đặt niềm tin vào loại nông sản này. Nguyên nhân chính là bởi ở mùa vụ năm 2015, giá khoai lang cũng giảm sâu khiến nhiều gia đình thua lỗ, song mùa vụ năm 2016, giá khoai lại cao và người dân có thu nhập lớn. Thậm chí những luống trồng khoai được người dân bón phân, chăm sóc kỹ lưỡng, đến khi trồng lúa cũng tốt, đất không bị hại dù được người dân canh tác liên tục.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phùng Trung Toàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện cho biết, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn xã rất thích hợp với cây khoai lang Nhật.

Thông thường mỗi ha khoai cho thu hoạch từ 20-25 tấn củ, cá biệt có nơi còn lên tới 40 tấn củ/ha, mang về lợi nhuận không dưới 100 triệu đồng/ha, gấp hai lần so với cây lúa.

“Hiện nay, trên địa bàn xã còn khoảng 30ha khoai của bà con chưa thể thu hoạch vì không có thương lái đến thu mua, dù giá khoai hiện tại đã xuống rất thấp. Chúng tôi mong muốn các ngành chức năng của huyện kêu gọi các doanh nghiệp thu mua, giúp bà con trong xã ổn định sản xuất đối với cây khoai lang, tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích trồng khoai trong các năm tới, tránh tình trạng thương lái ép giá, gây thiệt hại cho kinh tế gia đình,” ông Toàn nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục