Người nông dân "gàn" và công nghệ “quái vật” ăn cá

Dù không biết gì về cơ khí, ông Đặng Lợi ở tỉnh Cà Mau đã chế tạo chiếc máy sản xuất bột cá, mang lại lợi ích lớn cho ngư dân.
“Chiếc máy này là tôi sáng chế đó và bán được nhiều rồi,” cuộc trò chuyện của phóng viên Vietnam+ với người làm nên những chiếc máy bột cá cung cấp cho các tỉnh miền Trung, Nam khiến chuyên gia công nghệ phải nghiêng mình thán phục lại bắt đầu đơn giản như thế.

Vốn không biết gì về cơ khí, chỉ nhờ sửa thử, rồi học lỏm từ một công nghệ nước ngoài nhưng với lòng đam mê, sự liều lĩnh, ông Đặng Lợi, Giám đốc Công ty Đặng Lợi (Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã chế tạo thành công dây chuyền sản xuất bột cá và được cấp bằng sáng chế cải tiến của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Chế tạo máy “quái vật” ăn cá

Năm nay 46 tuổi, đầu ông Lợi điểm xuyết tóc bạc, bộ quần áo đen kịt những vết loang của dầu mỡ, đôi tay gân guốc rám nắng, dáng đi nhỏ thó đến lạ kỳ khiến những ai gặp lần đâu không thể ngờ được đây lại là một Giám đốc và là nhà sáng chế công nghệ.

Bên cạnh tách cà phê, giọng nói khan đặc mang đậm hương vị miền biển xen lẫn hào hứng, ông Đặng Lợi kể về duyên cớ với phát minh của mình.

Xuất thân từ một gia đình nghèo, Đặng Lợi phải gác bỏ giấc mơ học hành để theo nghề quấn đèn đinamô (đèn chiếu sáng nhờ pin hay ắcquy) nhằm phục vụ chiếu sáng cho nghề đánh bắt cá vào những năm 80 thế kỷ trước.

Bực mình vì chỉ chuyên về phần điện, còn phần làm cốt, sơ mi, bạc đạn cho đèn đinamô... phải nhờ cơ sở cơ khí nên mất nhiều thời gian, Đặng Lợi quyết định vay tiền mua máy tiện về mày mò chế tạo luôn phần cơ khí của đèn, động cơ tàu.

Mỗi khi máy móc tàu thuyền của nông dân giở chứng hỏng, người thanh niên ham học hỏi lại lao vào “khám” để tìm ra “bệnh” và chưa bao giờ đầu hàng trước bất cứ loại máy nào.

“Ngẫm lại đến giờ tôi cũng chẳng nghĩ mình có thể làm được nghề cơ khí,” ông Lợi thành thực.

Nhưng giấc mơ ấy cũng nhanh chóng thành hiện thực và đưa đẩy Đặng Lợi theo con đường cơ khí. Ấy là, chuyện bắt đầu từ khi nhà máy Sing - Việt nhập khẩu dây chuyền chế biến bột cá từ Thái Lan về. Khi thiết bị về đến Sông Đốc, các kỹ sư bên nước bạn cũng đi theo để lắp ráp. Tuy nhiên, những công việc phụ rất cần đến thợ cơ khí, cơ điện có tay nghề tại địa phương. Và, Đặng Lợi được mời đến lắp ráp “râu ria” cho dây chuyền chế biến bột cá đầu tiên ở cửa biển này.
 
Lần đầu chạm tay vào những thiết bị hiện đại, Lợi dè dặt, mò mẫm từng chi tiết. Vốn bản tính tò mò, Lợi hay hỏi các chuyên gia về nguyên tắc hoạt động của dây chuyền máy móc, mọi người nói đùa rằng, cả thế giới chỉ có công nghệ này là tối ưu nhất, cho coi thoải mái, chứ làm không được đâu!

 “Khi nghe họ chê, mình tức lắm nên nghĩ bụng về nhà sẽ quyết tâm chế tạo ra một cái máy chế biến bột cá ‘made in Sông Đốc’,” ông Đặng Lợi chia sẻ.

 Ông về nói với vợ sẽ chế tạo dây chuyền chế biến bột cá. Cứ nghĩ là chồng mình bị “dở”, nhưng đã nghĩ gì thì sẽ làm nên vợ ông cũng cắn răng chịu đựng để cùng “liều” theo. Độ ấy, ông Lợi lôi về lỉnh kỉnh nào sắt thép, nào bản vẽ hì hụi ngày đêm cắt, hàn xì, lắp nối điện để chế tạo máy bột cá.

Không có nhiều tiền, Đặng Lợi bèn làm dần từng chi tiết máy. Qua 7 năm trời, “ném” vào khối sắt với số tiền 800 triệu đồng, ông mới làm ra được sản phẩm đầu tiên nhưng chưa thể thử nghiệm tính hiệu quả thực sự của “con quái vật Sông Đốc” ăn cá này.

Năm 2003, có lần trang thiết bị của nhà máy Sing - Việt có giá trị gần chục tỷ đồng bị hỏng, vậy là Đặng Lợi có cơ hội ứng dụng cái sản phẩm do chính mình chế tạo. Ông cam kết, sẽ thay trang thiết bị “lỗi” bằng chính sản phẩm của mình chế tạo, nếu không chạy được sẽ không lấy tiền.

Khi sản phẩm đưa vào sử dụng, máy móc hoạt động tốt, lại ít thải mùi, giá trị rẻ, nhà máy Sing - Việt vội vàng đặt hàng thay dây chuyền của Thái Lan để đưa vào vận hành “con quái vật” Sông Đốc của gã nhằm chế biến bột cá.

Giọng nói vẫn đượm chút run run, ông Lợi bồi hồi nhớ: “Lúc đầu thấy mình cũng... liều thật. Nhưng dám nghĩ thì dám làm, dù thất bại, cũng không nản lòng.”

“Đứa con cưng vùng vẫy ra thị trường”

Gần 10 năm làm ra sản phẩm đầu tiên nhưng đến giờ, ông Lợi vẫn nhớ như in những ngày đầu hai vợ chồng phải đi thuê đất tại cửa biển Cái Đôi Vàm, huyện Tân Phú đặt “con quái vật” để tận dụng nguồn cá vụn ở nhiều nơi đang bị bỏ đi rất lãng phí. Ai ai cũng ngạc nhiên về sự liều lĩnh của ông.

Tuy nhiên, mỗi ngày, cỗ máy đã “nuốt” được hàng chục tấn cá và đem lại chút ít vốn cho ngư dân sau mỗi lần ra khơi đánh bắt, lại ít thải mùi ra môi trường nên nhiều đơn vị chế biến bột cá đến dò la về đứa "con cưng" của ông Lợi. Sau đó, hàng chục đối tác khắp mọi miền đất nước đã tìm đến Đặng Lợi để đặt hợp đồng lắp ráp dây chuyền sản xuất bột cá.

Chiếm được uy tín, nhiều nơi mua máy, ai cũng nghĩ ông sẽ phất lên rồi. Ấy thế, ông lắc đầu nguầy nguậy mà bảo rằng: “Lãi không nhiều đâu do giá bán rất mềm. Một nhà máy có công suất 100 tấn/ngày nếu nhập khẩu máy móc sẽ có giá trên 8 tỷ đồng, nhưng với công suất đó, tôi chỉ bán cho đối tác trên 3-5 tỷ đồng.”

Bàn đến chuyện sẽ cho ra lò những sản phẩm tiếp sau, ông Lợi tự tin với câu nói của mình: “Ngoài nguồn vốn tự có của gia đình, tôi cũng phải vay thêm 7,5 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trần Văn Thời để đầu tư cơ sở vật chất, máy móc chế tạo sản phẩm.”

Giờ đây, đứng cạnh những đống sắt vụn nằm trơ trên nền xưởng, ông rổn rảng cười đùa với chúng tôi rằng, những “đứa con cưng mới sinh” cũng chuẩn bị đến ngày “vùng vẫy”  ra các tỉnh để chế biến bột cá cho ngư dân.”

Nhưng đó chưa phải là sản phẩm cuối cùng của ông Lợi, ngoài dây chuyền sản xuất bột cá cải tiến, ông cũng ấp ủ để cho ra đời sản phẩm dây chuyền sản xuất muối i ốt để phục vụ cho việc đánh bắt, chế biển thủy hải sản.

Và, dù chế tạo ra bất kỳ một công nghệ, sản phẩm mới nào, ông vẫn luôn nhận mình là nông dân “gàn dở”, công nhân lắp ráp chứ không phải giám đốc./.

Minh Thúy - Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục