Người nông dân đưa thương hiệu gạo đặc sản Tiền Giang ra thế giới

Xuất thân là một nông dân, Giám đốc Công ty TNHH HK Châu Minh Hải nung nấu mục tiêu tạo vùng nguyên liệu chế biến gạo ở Tiền Giang xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ.
(Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK Châu Minh Hải sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nhiều đời gắn bó với đồng ruộng.

Hiểu những trăn trở, lo toan và thách thức của nông dân thời kỳ Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, ông tâm huyết đồng hành cùng bà con liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, giải quyết đầu ra cho lúa hàng hóa vừa xây dựng, nâng tầm thương hiệu gạo Việt tại Tiền Giang.

Gắn kết với nông dân

Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK đang hợp tác cùng nông dân các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang triển khai Chương trình liên kết cánh đồng lớn với tổng diện tích 2.300ha/vụ.

Tại thị xã Cai Lậy, phía Tây của tỉnh, công ty hợp tác sản xuất mỗi vụ khoảng 1.500ha. Tham gia cánh đồng lớn, nông dân được cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh, được cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào, thanh toán sau thu hoạch và không tính lãi.

Trong ba năm qua, doanh nghiệp cung ứng khoảng 5.000 tấn phân bón các loại có trợ giá giúp bà con giảm chi phí đầu vào, cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng, tăng lợi nhuận.

Bên cạnh cây lúa, công ty còn hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình trên các loại cây ăn trái như cây sả ở huyện Tân Phú Đông, cây sapo ở huyện Châu Thành, cây sầu riêng ở huyện Cai Lậy, cây mít ở huyện Cái Bè…

Để khuyến khích nông dân tham gia trồng lúa VD20 theo mô hình cánh đồng lớn, công ty đầu tư trọn gói chi phí gồm giống, phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật dưới hình thức hỗ trợ vốn không tính lãi.

Đến vụ thu hoạch, công ty còn hỗ trợ thêm 300.000 đồng/ha. Điều kiện được nhận hỗ trợ là nông dân phải thực hiện đúng quy trình canh tác khoa học do công ty đưa ra.

Cùng với giống lúa VD20, công ty hợp tác sản xuất các giống lúa đặc sản khác như Đài Thơm 8, ST25, Nàng Hoa 9…

Trồng lúa cánh đồng lớn theo chuỗi liên kết với công ty của ông Châu Minh Hải, nông dân có lãi ròng từ 50% đến 55% tổng thu mỗi vụ.

Trong vụ Hè Thu vừa qua, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha, bán giá 8.000 đồng/kg, thu về 56 triệu đồng/ha. Trừ chi phí, nông dân lãi đến 40 triệu đồng/ha, cao nhất từ trước đến nay và cao hơn bên ngoài khoảng 2 triệu đồng/ha.

Công ty đang hướng đến tạo vùng nguyên liệu chế biến gạo chất lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ...

Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK còn kết hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Gò Công Tây triển khai mô hình "Sản xuất lúa hướng hữu cơ an toàn kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định châu Âu" tại các xã Đồng Thạnh, Bình Phú, Thạnh Trị, Yên Luông, Thành Công. Sản xuất theo mô hình, nông dân giảm chi phí khoảng 2 triệu đồng/ha, đồng thời tăng thêm lợi nhuận từ từ 3-4 triệu đồng/ha so với sản xuất bên ngoài nhờ được bao tiêu với giá cao.

Thu hoạch lúa Hè Thu ở huyện Cai Lậy. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Đặc biệt, mô hình còn giúp địa phương mở ra hướng liên kết doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị trên cây lúa đặc sản, tạo vùng nguyên liệu lúa sạch xuất khẩu vào những thị trường khó tính, khẳng định thương hiệu "gạo Gò Công."

Tại ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Trị có 20ha ruộng lúa của các hộ nông dân tham gia Tổ hợp tác sản xuất theo mô hình "Sản xuất lúa hướng hữu cơ an toàn kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định châu Âu."

Ông Huỳnh Văn Triều, ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Trị, trồng 7.000m2 lúa giống VD20 theo mô hình khẳng định mô hình liên kết cho thấy ưu điểm vượt trội so với sản xuất truyền thống.

Nông dân phấn khởi với niềm vui trúng mùa, bội thu cũng như hiệu quả mang lại từ ứng dụng khoa học-kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

[Xuất khẩu gạo của Việt Nam thiết lập kỷ lục mới về giá trị]

Theo ông Mai Đức Tấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Gò Công Tây, từ thành công bước đầu, hiện nay, đơn vị đã nhân rộng mô hình sản xuất lúa hướng hữu cơ an toàn kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chuẩn châu Âu lên gần 200ha.

Mô hình đang mở rộng ra các huyện, thị trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công như Gò Công Đông, thị xã Gò Công với tổng diện tích khoảng 750 ha/vụ.

Ông Châu Minh Hải cho biết mỗi năm, từ liên kết trồng lúa, rau và cây ăn trái, công ty đạt doanh thu gần 20 tỷ đồng, lợi nhuận 500 triệu đồng, qua đó, giải quyết việc làm cho 30 lao động, với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.

Mong muốn của ông là thông qua liên kết trồng lúa cánh đồng lớn đem lại lợi nhuận tốt, giúp nông dân làm giàu từ ruộng vườn của mình, góp phần xây dựng nông thôn mới, đổi mới diện mạo nông nghiệp, nông thôn.

Công ty chú trọng xây dựng, nâng tầm thương hiệu gạo VD20, đặc sản Tiền Giang trên thị trường. Qua liên kết, công ty thu hút trên 200 nông dân, xây dựng được vùng nguyên liệu lúa VD20 tại các huyện, thị duyên hải phía Đông với diện tích trên 1.000 ha/năm.

Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Tiền Giang Võ Văn Lập đánh giá, so với một số doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ lúa hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn tại địa phương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK gắn kết nông dân và thành công nhất.

Xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Tiền Giang

Có vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, ông Châu Minh Hải tiếp tục liên kết các nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo trong khu vực, cho ra đời sản phẩm gạo cao cấp mang thương hiệu: “Gaochukeo-gạo đặc sản Tiền Giang."

Đây là sản phẩm đặc sắc từ nguồn giống kết hợp chuyển giao kỹ thuật cho nông dân canh tác lâu nay mà ông Hải thực hiện với tất cả tâm huyết của mình.

Đóng gói gạo tại Công ty TNHH Thương mại HK. (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang

“Gaochukeo-gạo đặc sản Tiền Giang” được đánh giá là thành công mới của Giám đốc Châu Minh Hải trên con đường xây dựng thương hiệu gạo đặc sản địa phương trên tầm vóc quốc gia và quốc tế.

Trong khuôn khổ Hội thi Gạo ngon tại Festival Lúa Gạo Việt Nam lần thứ 5, năm 2021 tổ chức tại Vĩnh Long, “Gaochukeo-đặc sản Tiền Giang” giành giải Nhì Gạo ngon thương hiệu Việt.

Hiện nay, “Gaochukeo-đặc sản Tiền Giang” đã đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh, đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, được công nhận là một trong những loại gạo ngon nhất Việt Nam.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh đánh giá, có tâm, có tầm và hết lòng vì sự đổi mới nghề trồng lúa trên quê hương mình là đức tính đáng trân trọng của doanh nhân Châu Minh Hải.

Nhờ những đóng góp xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tại Tiền Giang, thiết thực nâng cao trình độ canh tác và thu nhập cho nông dân, góp phần đổi mới nông nghiệp-nông thôn và xây dựng thành công nông thôn mới tại địa phương, ông Châu Minh Hải vinh dự được tặng nhiều phần thưởng cao quý như Bằng khen của Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh giai đoạn 2017-2022, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh năm 2022 và giai đoạn 2019-2022.

Năm 2023, ông Hải vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương là một trong 100 gương mặt “Nông dân Việt Nam xuất sắc” của cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục