Cách đây chừng 5 năm, tôi gặp nghệ sĩ Bùi Bạch Liên trong buổi offline của diễn đàn nguoihanoi tại một quán càphê nhỏ gần Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Khi ấy, nhiều người trong chúng tôi đã bị hút hồn bởi một thứ âm thanh khá lạ tai, đầy chất thép được phát ra từ "cây đàn lạ" của bà.
Giờ đây, khi gặp lại, vẫn vóc người đậm thấp và bước chân tập tễnh, bà hồ hởi khoe đã được rong ruổi đến nhiều nơi, đem tiếng đàn “cũ” đến với nhiều người.
Nghệ sĩ… tay ngang
Tiết trời thu se lạnh. Loanh quanh một hồi ở phố Phan Văn Trường, nằm ở mép Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi lọt vào tầng một ngôi nhà nhỏ với không gian được bày biện như một quán càphê ca nhạc.
Trong khi khách còn khá ngỡ ngàng, tưởng bà ngày nào đã chuyển sang kinh doanh quán trà như nhiều nghệ sĩ hiện giờ, thì nghệ sĩ Bạch Liên đã “phủ đầu”: “ Càphê cà pháo gì đâu cháu, đây là địa điểm sinh hoạt của câu lạc bộ guitar Hawaii. Bác bày biện như thế này cho nó có không khí.”
Trong câu chuyện được "dắt mối" bởi âm thanh réo rắt quen tai của tiếng guitar Hawaii, nghệ sĩ Bạch Liên kể, mình là một “nghệ sĩ tay ngang.”
Sinh năm 1942 trong một gia đình khá giả ở Hà Nội, Bạch Liên đam mê âm nhạc từ nhỏ. Sợ con phận gái, lại theo nghiệp xướng ca, bố mẹ bà một mực ngăn cản và hướng con theo học ngành tự nhiên tại trường Trưng Vương.
Ra sức học tập, nhưng vì quá mê tiếng đàn, Bạch Liên thường lén lút học đàn guitar ở nhà bạn bè theo lối chuyền tay.
Năm 19 tuổi, một lần cô nữ sinh Trưng Vương đi qua phố Cửa Nam, bất chợt nghe thấy một tiếng đàn lạ, đang tấu bài “Trăng sáng đôi miền.” Cô dừng lại để nghe và hỏi chuyện người dân, mới biết đấy là âm thanh của chiếc đàn guitar Hawaii, phát ra từ căn nhà của nhạc sĩ Hoàng Vân.
Mê quá, Bạch Liên dò hỏi để “thực mục sở thị” cây đàn có cái tên lạ ấy. Nhờ bạn bè giới thiệu, cô đến thăm lớp học đàn của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Biết là không thể xin tiền bố mẹ để mua đàn và học đàn, Bạch Liên tích cóp tiền, mua một cây đàn rồi gửi ở nhà bạn học để… mò mẫm.
Một năm sau, Bạch Liên khi ấy đã trở thành một giáo viên dạy Toán-Lý ở trường Trung học nghề Hà Nội. Có tiền lương, cô giữ lại một phần và… trốn bố mẹ, đến số 9 phố Cao Bá Quát, ghi danh vào lớp học đàn của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.
Sẵn niềm đam mê lại biết chơi đàn guitar trước đó, Bùi Bạch Liên sớm chứng tỏ được khả năng tiếp thu âm nhạc của mình. Chẳng mấy chốc, cô đã được nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cho đi biểu diễn trong những ngày lễ kỷ niệm hay trong các phong trào cổ vũ thi đua lao động thời bấy giờ.
“Vải thưa không che được mắt… bố mẹ,” theo học thầy Đoàn Chuẩn được một năm, Bạch Liên đành xin thôi học bởi sự can ngăn của gia đình.
Sau khi đã hứa với bố mẹ rằng đàn ca chỉ là thứ tay ngang chứ không là sự nghiệp, cô giáo trẻ thường xuyên gảy đàn phục vụ những ngày quan trọng của trường học.
Sau này, khi xây dựng gia đình với nhà giáo, nhà văn Nguyễn Cao Sơn, Bùi Bạch Liên lại được sự cổ vũ nhiệt tình của chồng. Ông luôn là nguồn cảm hứng, là khán giả trung thành của bà mỗi khi bà tập bản nhạc mới, là người bạn san sẻ mỗi khi bà tập chưa được thành công... Chính điều ấy là liều thuốc khích lệ Bạch Liên cố gắng dành thời gian tập luyện.
Nhen đốm lửa tàn…
Có lẽ đến bây giờ, tiếng đàn guitar Hawaii là một cái gì đó còn lạ lẫm với nhiều người, bởi đã lâu lắm nó hầu như không xuất hiện trong các dàn nhạc. Thế nhưng, với nhiều thế hệ yêu nhạc đầu thế kỷ XX, tiếng đàn ấy quá đỗi thân thuộc.
Đó cũng là lý do, cô giáo Bùi Bạch Liên luôn trăn trở, tìm cách khơi niềm đam mê với tiếng đàn thép này.
Bà kể, từ lúc còn là giáo viên, đã tranh thủ liên lạc với những người yêu tiếng nhạc này và những người từng là học trò của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Thi thoảng, họ lại tụ họp nhau để đàn cho nhau nghe một vài khúc rồi cùng nhau phê bình, rút kinh nghiệm, ôn lại ký ức một thời.
Về hưu năm 1997, nghệ sĩ Bạch Liên bàn với chồng tìm cách níu lại tiếng đàn. Được sự ủng hộ của gia đình, bà đã dành trọn tầng 3 ngôi nhà mình sinh sống tại 125 Giải Phóng để làm nơi tụ họp.
Để đầu tư vào nhạc cụ, dàn âm thanh, bà Liên phải dành toàn bộ số tiền đã tích cóp bao nhiêu năm nay, cộng với 4.000 USD của cô con gái đang sống ở Đan Mạch gửi về cho mẹ để... chữa chân tập tễnh do tai nạn.
Tháng 6/2006, Câu lạc bộ guitar Hawaii của bà Liên đi vào hoạt động có quy mô. Người tham gia không phân biệt lứa tuổi, không mất tiền đóng góp mà chỉ cần có tình yêu, sự am hiểu với dòng nhạc này. Ngày ấy, câu lạc bộ sinh hoạt vào tối thứ bảy của tuần thứ hai hằng tháng. Và thật vinh dự cho bà Bạch Liên, trong nhiều tối sinh hoạt, nhạc sĩ Hoàng Giác khi đó đã ngoài 80 tuổi nhưng cũng đến góp vui.
Với mong muốn tiếng đàn guitar Hawaii được lan tỏa rộng rãi, nhất là trong giới trẻ, nhiều lần nghệ sĩ Bạch Liên đi biểu diễn ở các quán café… mà không lấy một đồng tiền công. Với bà, những bó hoa, tràng pháo tay cổ vũ đã là hạnh phúc lắm.
Giờ đây, câu lạc bộ của nghệ sĩ Bạch Liên đã chuyển về sinh hoạt tại ngôi nhà ở phố Phan Văn Trường (Hà Nội), định kỳ vào mỗi chiều Chủ Nhật (từ 15 giờ - 18 giờ). Hình thức sinh hoạt vẫn được giữ nguyên, ai yêu thì đến, và được gia đình nghệ sĩ Bạch Liên phục vụ nước, bánh kẹo... miễn phí.
Trong câu lạc bộ của bà, ngoài những người không chuyên, còn có rất nhiều những ca sĩ, nghệ sĩ đang sinh hoạt trong làng nhạc Việt tham gia như Đức Long, Mai Hoa, Quỳnh Hoa…
Bà Liên bảo, niềm đam mê không mua được bằng tiền, do đó bà vẫn năng đầu tư vào nhạc cụ. Để đảm bảo sinh hoạt cho câu lạc bộ, dù không biết chơi đàn piano, ocgan, kèn… bà vẫn đầu tư để phục vụ tập luyện.
Điều hạnh phúc nhất của bà Liên bây giờ chính là việc câu lạc bộ luôn thu hút được nhiều người tham gia trong mỗi buổi sinh hoạt, biểu diễn. Thậm chí, một số Việt kiều mê tiếng đàn, khi về thăm quê cũng đến câu lạc bộ tham gia. Có thể kể ra đây những tên tuổi như nghệ sĩ Phạm Mạnh Đạt (Mỹ), Phi Long (Pháp)…
Và bà cười rất tươi, khi nhớ lại cách đây 1 tuần [khoảng 13/10 – pv], có một người tên là Hải cũng đã đứng tuổi ở Hải Dương tìm tới nhà bà, đề nghị được học đàn để thành lập câu lạc bộ guitar Hawaii ở quê mình. Và đương nhiên, nghệ sĩ Bạch Liên hứa sẽ giúp người ấy tận tình.
Bản thân bà Liên, cũng đã đi nhiều nơi để “khuyếch trương” tiếng đàn theo bà cả cuộc đời. Trong nước, bà đã từng có nhiều chuyến biểu diễn tại quán của các nghệ sĩ như Ánh Tuyết, Thế Hiển. Thậm chí, bà còn thực hiện những chuyến sang Mỹ, biểu diễn tại Đại hội cựu học sinh Trưng Vương (tháng 7/2010)…
Nhà giáo Bạch Liên bảo, còn nhiều trăn trở với ước mong mang tiếng đàn đến rộng rãi với giới trẻ. Bởi thế, cuộc sống của hai vợ chồng hưu trí vô cùng bận rộn. Bà Liên như kẻ “sống vội” bởi hễ có ai mời đi biểu diễn, từ thiện…, mặc cho chân còn tập tễnh (do tai nạn giao thông nhiều năm trước), bà lại khăn gói, vác đàn lên đường.
Còn với những gì đã làm được, bà bảo đó chỉ là hạt muối bỏ bể. Và theo bà, có lẽ, chỉ khi được đưa vào giảng dạy chính quy, tiếng đàn này mới được phát huy rộng rãi./.
Theo guitarpro.vn, guitar Hawaii có 6 dây nhưng không có phím. Người chơi dùng một thanh (khối) kim loại (bằng đồng, inox, thép không gỉ...) ở tay trái chặn trên cần đàn để tạo nên các phím. Độ dài ngắn của đoạn dây đàn bị chặn sẽ tạo ra các nốt. Guitar Hawaii chơi rất nhiều bồi âm, có rất nhiều bồi âm vì độ dài dây đàn có thể thay đổi được, và các bồi âm ấy du dương hơn tiếng guitar thông thường. Tay phải để gẩy có 1 bộ 4 móng (tương tự móng của người chơi đàn tranh) lắp vào 4 ngón: cái, trỏ, giữa, nhẫn. Dây của Guitar Hawaii là dây trơn, không có vỏ bọc cả 6 dây. 6 dây này cũng không được lên theo các nốt mi la rê son xi mi như đàn guitar Tây Ban Nha. Tương truyền, loại đàn này ra đời trên hòn đảo Hawaii bởi một lính Mỹ gốc Tây Ban Nha tình cờ dùng bật lửa Zippo quẹt vào dây đàn tạo ra âm thanh khác lạ. Loại đàn ấy về sau truyền khắp thế giới, với tên gọi guitar Hawaii. Tại Việt Nam, guitar Hawaii được biết đến từ những năm 30 của thế kỷ trước với cái tên Hạ uy cầm. Nghệ sỹ chơi guitar Hawaii nổi tiếng là Đoàn Chuẩn, Từ Linh. |
Phương Chi (Vietnam+)