Người Nhật vẫn tin vào chính sách kích cầu với ba “mũi tên”

Phát biểu sau thắng lợi bầu cử Hạ viện vừa qua, Thủ tướng Abe cho rằng kết quả bầu cử cho thấy cử tri đặt niềm tin vào chính sách kích cầu với ba “mũi tên.”
Người Nhật vẫn tin vào chính sách kích cầu với ba “mũi tên” ảnh 1Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc họp báo tại Tokyo sau khi kết quả bầu cử Hạ viện được công bố, ngày 15/12 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lên nắm quyền vào cuối năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tung ra chính sách kích cầu với ba “mũi tên” nhằm vào mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát.

Thế nhưng, sau những thành công bước đầu, hiệu quả của chính sách này đang bị hoài nghi, khi kinh tế Nhật Bản vừa rơi vào suy thoái, còn lạm phát vẫn còn xa mục tiêu.

Người dân Nhật Bản có còn tin vào chiến lược phục hồi nền kinh tế của Thủ tướng? Câu trả lời nằm ở thắng lợi của liên minh cầm quyền của ông Abe trong cuộc bầu cử Hạ viện trước kỳ hạn vừa qua.


Các mũi tên chưa trúng đích

Vào cuối năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe trở lại nắm quyền với chiến thắng vang dội của liên minh cánh hữu. Ông tung ra chính sách kích cầu mang tên Abenomics, gồm ba “mũi tên”: đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng, nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm phá giá đồng yen và cải cách cơ cấu, với hy vọng là các biện pháp kích thích sẽ mang lại hiệu quả về lâu về dài, đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ và hướng tới mục tiêu lạm phát 2%.

Việc đầu tư mạnh bằng tiền ngân sách đã mang lại kết quả tốt, đưa Nhật Bản ra khỏi tình trạng giảm phát kéo dài trong 20 năm. Và chỉ số chứng khoán cũng tăng mạnh, số người có công ăn việc làm gia tăng.

Tuy nhiên, dưới sức ép của những người muốn giảm nhanh các khoản thâm hụt của Chính phủ, Thủ tướng Abe đã tăng thuế tiêu dùng để giảm bớt nợ công, hiện cao hơn gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội và là cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển.

Thuế tiêu dùng đã tăng từ 5% lên 8% vào tháng Tư năm nay và theo kế hoạch, sẽ được nâng một lần nữa lên 10% vào tháng 10/2015. Nhưng thuế tiêu dùng tăng cộng với đồng yen bị phá giá khiến giá các mặt hàng nhập khẩu tăng vọt đã khiến đời sống người dân gặp khó khăn.

Sau khi thuế tăng, các số liệu về tiêu thụ đã cho thấy sự trì trệ rất lớn, các số liệu khác về đầu tư cũng không gia tăng, trong khi tiêu dùng và đầu tư gộp chung lại chiếm gần 80% GDP của Nhật Bản.

Không một nhà kinh tế nào có thể dự đoán được rằng cường quốc kinh tế thứ ba thế giới có thể rơi vào suy thoái chỉ sau một đợt tăng thuế tiêu dùng. Thế nhưng, thực tế là kinh tế Nhật Bản một lần nữa lại rơi vào suy thoái với hai quý tăng trưởng âm liên tiếp. Trong quý 3 vừa qua, nền kinh tế nước này giảm 0,5% so với quý 2 và giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh hơn so với dự kiến ban đầu 0,4% và 1,6%.

Trước đó, trong quý 2, kinh tế Nhật Bản đã giảm ở các mức 1,8% và 7,3%. Quyết định tăng thuế tiêu dùng được cho là nguyên nhân chính gây nên những khó khăn của nền kinh tế Nhật Bản trong quá trình phục hồi sau khi thoát khỏi cuộc suy thoái gần đây nhất vào cuối năm 2012.

Trong khi đó, lạm phát ở Nhật Bản cho đến nay vẫn chưa đạt một nửa mục tiêu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 10 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức 3% trong tháng Chín năm nay.

Đây là tháng thứ 17 liên tiếp CPI của Nhật Bản tăng, nhưng là mức tăng thấp nhất từ khi bắt đầu thực hiện tăng thuế tiêu dùng hồi đầu tháng Tư vừa qua. Còn nếu điều chỉnh số liệu theo tác động của việc tăng thuế, tỷ lệ lạm phát chỉ đạt 0,9% và cũng là mức thấp nhất từ tháng 10/2013.

Sau hai năm được công luận trong và ngoài nước ủng hộ, số liệu kinh tế yếu kém đang khiến hiệu quả của chính sách Abenomics của Thủ tướng Abe đang bị hoài nghi.

Một chuyên gia nhận xét rằng những biện pháp được thông qua cho tới nay còn quá cẩn trọng, vì thế mà không mang lại hiệu quả. Ngoài việc lạm phát giảm, các chỉ số khác đều trong tình trạng “báo động đỏ”: đầu tư và lương đều không tăng. Và khi lương không tăng thì sức mua của các hộ gia đình, cũng như tăng trưởng cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Cho đến giờ phút này, ông Abe chưa thực hiện được “mũi tên” thứ ba trong chính sách vực dậy nền kinh tế của mình là mở cửa biên giới đón lao động nhập cư và tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ đi làm để khắc phục tình trạng thiếu nhân công vì dân số già.

Theo chuyên gia Pháp Philippe Waechter, kinh tế Nhật Bản không bao giờ phục hồi được sức mạnh nếu không cải cách cơ cấu.

Niềm tin vẫn được đặt vào Abenomics

Việc nền kinh tế suy thoái sau khi tăng thuế đã đưa đến quyết định của ông Abe là giải tán Hạ viện, mở đường cho cuộc bầu cử trước kỳ hạn và lùi thời hạn tăng thuế tiêu dùng lần hai đến tháng 4/2017. Thủ tướng Abe coi cuộc bầu cử lần này là một cuộc thăm dò dư luận đối với chính sách Abenomics và quyết định tiến hành tăng thuế lần hai.

Khi thông báo giải tán Hạ viện, ông Abe đã tuyên bố nếu liên minh của ông không giành được đa số ghế, một kết quả mà qua đó có thể hiểu là Abenomics bị người dân bác bỏ, ông sẽ từ chức.

Ngược lại, thắng lợi trong cuộc bầu cử sẽ mở ra chân trời chính trị quang đãng để Thủ tướng Abe tiến tục thực hiện chính sách Abenomics, ít nhất là cho đến năm 2016, năm bầu Thượng viện.

Với ông Abe, Abenomics là cách duy nhất để chấm dứt giảm phát và vực dậy nền kinh tế. Điều mà các cử tri Nhật Bản cần được giải đáp là hiện có bao nhiêu lựa chọn cho việc xử lý đến tận gốc rễ những vấn đề kinh tế hiện nay của đất nước.

Trong một diễn văn vận động tranh cử, ông Abe đã cam kết sẽ đưa Nhật Bản thành một đất nước lại tỏa sáng ở giữa trung tâm thế giới, sẽ hành động để thêm nhiều phụ nữ Nhật vào tham gia lao động bằng cách siết chặt các quy định về chống phân biệt đối xử và đưa ra các mục tiêu lao động.

Phát biểu sau thắng lợi của liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử ngày 14/12 vừa qua, Thủ tướng Abe cho rằng kết quả bầu cử cho thấy cử tri đặt niềm tin vào Abenomics. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Abe được trao cơ hội để thúc đẩy nghị trình kinh tế đang thực hiện.

Chiến thắng lần này có thể được coi là tiền đề quan trọng để Chính quyền của Thủ tướng Abe hội đủ thế và lực cho nghị trình kinh tế trong bốn năm tới. Nhờ tổng số ghế vượt quá đa số an toàn 266 ghế, liên minh cầm quyền đã đảm bảo được hai điểm mấu chốt là độc chiếm các vị trí Chủ tịch các tiểu ban và đảm bảo đa số quá bán số lượng uỷ viên tại các tiểu ban này.

Đây là những lợi thế mấu chốt giúp liên minh cầm quyền có thể điều hành chính phủ một cách ổn định. Ngoài ra, với 2/3 số ghế đã giành được, các dự luật bị Thượng viện bác bỏ có thể tiếp tục được liên minh cầm quyền thúc đẩy thông qua nhờ đa số áp đảo tại Hạ viện.

Ông Abe yêu cầu các cơ quan chức năng soạn thảo và hoàn thiện dự thảo chính sách cải cách thuế tài khóa 2015 (bắt đầu từ ngày 1/4/2015) vào cuối năm 2014, sau khi nhiều quan chức Nhật Bản kêu gọi chính phủ hoàn thiện chính sách này càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, ông Abe cũng cho hay chính phủ nước này sẽ xây dựng một kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay lập tức. Dự kiến, Nội các Nhật Bản vào ngày 28/12 tới có thể thông qua chương trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kể trên, bao gồm các biện pháp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và giảm bớt những tác động bất lợi của đồng yen hiện đang xuống giá mạnh.

Chính phủ Nhật Bản đang xem xét dành khoảng 100 tỷ yen để khôi phục chương trình nhà ở sinh thái thân thiện với môi trường. Khoản tiền này nằm trong gói kích thích kinh tế dự kiến được hoàn tất vào ngày 28/12 tới.

Chương trình nhà ở sinh thái nhằm tiếp sức cho thị trường nhà đất trong nước đang trì trệ trong bối cảnh nhu cầu chậm kể từ khi Chính phủ tăng thuế tiêu dùng. Ngày 9/1/2015, Chính phủ Nhật Bản cũng có khả năng đưa ra dự thảo ngân sách bổ sung 3.000 tỷ yen cho tài khóa 2014 (kết thúc vào ngày 31/3/2015 )./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục