“Người ngồi trong ôtô chịu ô nhiễm gấp đôi khi đứng trên vỉa hè”

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp, người lái xe ô tô thường bị ảnh hưởng ô nhiễm không khí nặng nhất, có khi chỉ số ô nhiễm ở trong ô tô còn cao gấp đôi khi họ đứng trên vỉa hè…
Paris bị bao phủ bởi không khí ô nhiễm. (Nguồn: Getty Images)

Theo nguồn tin từ AirParif - một tổ chức phi lợi nhuận có trách nhiệm theo dõi chất lượng không khí của Paris (Pháp), ô nhiễm môi trường đang ngày nghiêm trọng và người lái xe ô tô thường bị ảnh hưởng nặng nhất. Có khi chỉ số ô nhiễm ở trong ô tô còn cao gấp đôi khi họ đứng trên vỉa hè…

Cú sốc ô nhiễm không khí

Hoạt động ở Paris, AirParif đặt tính khoa học, chất lượng và khách quan lên hàng đầu. Mỗi khi AirParif đưa ra thông tin "nóng," họ nhanh chóng được giới truyền thông "săn đón." Và dĩ nhiên, chính quyền thành phố Paris cũng không thể phớt lờ...

Đơn cử là, tuần qua, AirParif đưa ra cảnh báo bầu không khí ở Paris đạt mức ô nhiễm tối đa vào đầu tuần, nên chính quyền vùng Ile-de-France (bao gồm Paris) đã ra lệnh thực thi việc cấm sử dụng xe hơi cá nhân theo biển số chẵn, lẻ đi vào vùng trung tâm để hạn chế khí phát thải từ động cơ chạy xăng dầu từ ngày 6/12.

Thay vào đó, để tạo thuận lợi cho việc đi lại, chính quyền thành phố Paris đã “mở cửa” hệ thống metro-tàu điện ngầm, cho phép người dân được đi phương tiện công cộng miễn phí trong các ngày thực thi lệnh cấm xe hơi cá nhân theo biển số chẵn, lẻ.

Trong buổi làm việc với AirParif tại văn phòng của tổ chức này ở Paris, bà Amélie Fritz - người phụ trách truyền thông AirParif, cho biết: Cùng với việc quan trắc chất lượng không khí hàng ngày, đơn vị này còn phân tích các thành phần có thể gây ô nhiễm để đưa ra những kịch bản dự báo cho những phương thức sử dụng.

“Ví dụ, đối với những người lái ôtô, thông thường họ nghĩ việc ngồi trong cabin ô tô và đóng kín lại, dường như sẽ được bảo vệ. Thế nhưng, thực tế lại hoàn toàn khác, bởi theo các số liệu đo cụ thể thì ngồi trong ôtô thường chịu ô nhiễm cao, có thời điểm chỉ số ô nhiễm còn gấp đôi khi đứng trên vỉa hè,” bà Amélie Fritz nói.

Vì sao người lái ôtô lại bị ảnh hưởng ô nhiễm nặng hơn bên ngoài, điều này có gì vô lý? Theo lý giải của bà Amélie Fritz, khi lái, ngồi trong ô tô là khi họ ở giữa tâm điểm của luồng phát thải gây ô nhiễm. Và, hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Paris, hay Việt Nam, mà xuất hiện ở bất cứ nước nào trên thế giới.

“Ở đây, ô nhiễm không phải là những vật thể nhìn thấy được, mà là không khí (bụi mịn có đường kính dưới 2,5 micron, khí xăng dầu) từ ngoài vào và gặp hiệu ứng ngưng tụ không thoát ra ngoài được. Điều này khiến cho người ở trong ô tô phải chịu ô nhiễm cao hơn,” bà Amélie Fritz nhấn mạnh.

Quay trở lại đợt ô nhiễm không khí được cho nghiêm trọng nhất lịch sử ở Paris vừa xảy ra từ ngày 6/12, bà Amélie Fritz cho biết: Nguyên nhân ô nhiễm không khí là do bụi mịn (hạt có đường kính dưới 2,5 micron) và NO2 (thải ra từ động cơ chạy xăng dầu) gia tăng, nhưng gió gần như bằng không nên các thành phần gây ô nhiễm không thể bay bớt đi.

Thêm vào đó, do biến đổi khí hậu, mùa đông đến nên nhiều gia đình, trường hợp dùng củi đốt để sưởi ấm tăng lên, nên tình trạng ô nhiễm không khí càng phức tạp hơn.

Người phụ trách truyền thông của AirParif cũng cho biết, trước tình trạng ô nhiễm không khí, chính quyền thành phố Paris đã buộc phải thực thi các biện pháp làm giảm bớt ô nhiễm, mà yếu tố chính được cho là do xe cộ gây ra khi chạy trên đường.

Bản đồ thông báo chất lượng không khí của AirParif. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Xây dựng “bản đồ ô nhiễm”

Theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, ngay sau khi AirParif công bố số liệu cảnh báo về đợt ô nhiễm được cho là nghiêm trọng nhất lịch sử ở Paris, rất nhiều báo, đài của Pháp đã tới phỏng vấn chuyên gia của AirParif và liên tục phát đi các bản tin “nóng” về tình hình ô nhiễm không khí.

Chia sẻ với chúng tôi về thông tin cảnh báo ô nhiễm ở Paris, bà Amélie Fritz khẳng định, AirParif chỉ là một hiệp hội nghiên cứu độc lập về tình hình không khí, song cảnh báo họ đưa ra luôn được các cơ quan truyền thông “săn đón” và được chính quyền, người dân tin tưởng.

Hiện tại, AirParif có 57 trạm đo số liệu ô nhiễm bố trí khắp vùng Ile-de-France, để từ đó thiết lập được 'bản đồ ô nhiễm' cho khu vực mình quản lý.

Với kinh phí hoạt động 6-8 triệu euro mỗi năm, AirParif không chỉ đảm bảo đo đạc chính xác môi trường không khí trong ngày và dự báo cho ngày hôm sau ở các khu vực khác nhau, mà còn kết hợp với những ứng dụng mới (như tích hợp dữ liệu trên điện thoại, Facebook tương tác với người sử dụng) giúp người dân xác định rõ mức độ ô nhiễm ở nơi mình đang sinh sống, hoặc tuyến đường mình đi lại hằng ngày, để có thể lựa chọn lộ trình đi lại ít ô nhiễm hơn.

Thông tin từ người phụ trách truyền thông của AirParif cũng cho biết, hiện tại, ứng dụng này vẫn đang được thử nghiệm. Dự kiến, ứng dụng “xác định điểm ô nhiễm” này sẽ được đưa vào sử dụng từ quý 1/năm 2017./.

AirParif là thành viên của Atmo-France, liên đoàn tập hợp khoảng 30 tổ chức được ủy quyền giám sát chất lượng không khí trên khắp lãnh thổ Pháp. Được thành lập vào năm 1979, AirParif được Bộ Môi trường của Pháp ủy quyền giám sát chất lượng không khí trong toàn bộ khu vực vùng Ile-de-France.

Nhiệm vụ của AirParif tập trung vào các công việc như: Giám sát chất lượng không khí nhờ vào hệ thống đo lường và các công cụ mô phỏng tin học, qua đó góp phần vào việc đánh giá những nguy cơ y tế, những tác động đến môi trường và công trình xây dựng; thông tin cho người dân, cơ quan ngôn luận, chính quyền và các cấp ra quyết định…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục