Người nghệ nhân nặng lòng với gốm Hương Canh

Trải qua bao thăng trầm, làng gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc) nổi tiếng cả nước một thời đã có lúc đi vào quên lãng và dần mai một.
Người nghệ nhân nặng lòng với gốm Hương Canh ảnh 1Sản xuất tại làng gốm Hương Canh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Trải qua bao thăng trầm, làng gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc) một thuở nổi tiếng cả nước đã có lúc đi vào quên lãng và dần mai một. Những nghệ nhân trong làng cũng đã lần lượt khuất núi.

Tuy nhiên, vẫn còn những nghệ nhân bền bỉ tiếp sức, khôi phục và thổi luồng gió mới cho nghề cổ truyền của làng gốm Hương Canh, một trong số đó là nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang.

Khởi nguồn sự nghiệp

Trong cái nắng hè oi ả của tháng Năm, xen lẫn với những tiếng ve, chúng tôi theo chân cán bộ văn hóa thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) len vào những con ngõ nhỏ, ngoằn ngoèo tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang. Vừa dẫn đường, người cán bộ xã vừa cho biết: “Cả làng gốm Hương Canh giờ chỉ có 4 hộ còn theo nghề, duy nhất chỉ có gia đình anh Quang là theo đuổi dòng gốm mỹ thuật.”

Tiếp chúng tôi trong xưởng gốm nhỏ, chật kín những sản phẩm, khi thấy chúng tôi chăm chú vào một chiếc bình lớn với những nét hoa văn tinh xảo, anh Quang cho biết đây là chiếc bình mẫu do tự anh mày mò, nghiên cứu và thực hiện. Anh dự định sau khi hoàn thành sẽ mang chiếc bình này tham dự triển lãm mỹ thuật toàn quốc sắp tới.

Con sông Tranh đã mang đến cho mảnh đất Hương Canh một loại đất sét đặc biệt để làm nên các sản phẩm gốm bền đẹp. Ông Nguyễn Thanh, nghệ nhân lâu năm trong làng và cũng là cha của anh Quang cho biết nơi đây chủ yếu là đất sét xanh, sản phẩm gốm làm ra chống được sự thẩm thấu, ngăn được ánh sáng, giữ được bền hương vị nguyên chất của những thứ đựng bên trong, khi pha trà thì giữ được nhiệt độ rất lâu, đựng rượu không bị hả.

Anh Quang kể năm anh 6 tuổi, anh cùng người anh trai đã được làm quen với những miếng đất sét. Ngày đó, Hương Canh nổi tiếng với nghề làm ngói, làm chum vại và sự nghiệp của anh cũng khởi nguồn từ đó.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm gốm, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp - Khoa điêu khắc, anh Quang trở về xưởng gốm của gia đình với niềm say mê và khát khao muốn sáng tạo nên những sản phẩm gốm đặc sắc.

Vốn được kế thừa kỹ thuật làm gốm của gia đình, lại có kiến thức được đào tạo bài bản, anh Quang bắt tay ngay vào công việc. Dưới sự hướng dẫn và chỉ bảo tận tình của người cha, tay nghề của anh Quang nhanh chóng được nâng cao.

Tìm hướng đi mới cho làng nghề

Nghề làm gốm của người Hương Canh đã hình thành hơn 300 năm trước với những sản phẩm nổi tiếng là chum, vại, nồi niêu, ấm chén... Những năm gần đây, gốm Hương Canh dần mất đi chỗ đứng trên thị trường, đồng nghĩa với nghề truyền thống cũng dần mai một.

Suốt những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường, anh Quang luôn trăn trở làm sao để gốm Hương Canh có thể vực dậy và tìm được chỗ đứng trên thị trường. Sau nhiều lần nghiên cứu, tìm tòi và học tập mô hình của nhiều làng gốm, anh nung nấu phải khoác cho cái chum, cái vại Hương Canh một bộ áo mới, tinh tế và có hồn hơn. Thế là anh bắt tay làm gốm mỹ thuật.

Không phải ai cũng làm được sản phẩm gốm mỹ thuật, bởi ngoài sự hiểu biết về gốm, còn đòi hỏi phải có cách nhìn nghệ thuật. Theo anh Quang “cái khó nhất của người làm gốm mỹ thuật là nhìn ra nét đẹp riêng của gốm và tìm cách sáng tạo ra được nét đẹp đó.”

Để có một tác phẩm gốm mỹ thuật đòi hỏi người thợ phải hết sức kiên trì, những công đoạn rất cầu kỳ và hoàn toàn bằng thủ công. Trước tiên phải có ý tưởng tạo hình, hoa văn. Công đoạn tiếp theo là tạo hình trên đất. Sau khi hoàn thành phải đem phơi nắng, công đoạn này tạo độ bền cho sản phẩm. Khâu cuối cùng nhưng cũng hết sức quan trọng là nung gốm, người thợ phải điều chỉnh nhiệt độ phù hợp để có màu gốm đẹp và sản phẩm không bị nứt, vỡ.

Đưa tay chỉ về chiếc kệ trưng bày hàng loạt các sản phẩm gốm, anh Quang chia sẻ do đặc thù về chất đất, gốm Hương Canh thường có hai màu cơ bản là màu đỏ và màu nâu. Nếu đốt lò ở nhiệt độ khoảng 1.000-1.100 độ C thì có được màu đỏ, còn đốt lò ở nhiệt độ trên 1.250 độ C thì sẽ được màu đen của gốm.

Trong anh luôn ghi nhớ câu nói của cha: “Sinh ra trong làng nghề là đã có duyên, phải tâm huyết và sống chết với nghề. Gốm là sản phẩm có tâm hồn, biết nói. Người làm nghề phải biết “thổi hồn vào đất,” gửi được hồn mình vào từng sản phẩm thì mới thành công.”

Những ngày mùa hè trời nóng như đổ lửa, Quang và người anh trai vẫn tỉ mẩn nhào nặn từng miếng đất sét. Anh chăm chú trang trí từng họa tiết, hoa văn nhỏ cho từng cái ấm, cái chum. Những hoa văn, họa tiết được anh chọn là những hoa văn đồng quê, những con vật gắn liền với cuộc sống của người nông dân, nhưng cũng có cả những rồng bay, phượng múa.

Từ những chum, vại đựng tương cà mắm muối, anh Quang đã biến hóa, để có những chiếc bình, chiếc lọ, những đĩa treo tường, gạch ốp, phù điêu... Với màu đất, kiểu dáng và thấp thoáng hình bóng quê nhà trên từng thân gốm, sản phẩm của Hương Canh giúp người tiêu dùng có những phút giây trở về chốn xưa, thấy lại nếp nhà tranh, thửa ruộng, lũy tre làng…

Năm 2013, anh Nguyễn Hồng Quang được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng danh hiệu người thợ trẻ giỏi toàn quốc và đoạt nhiều danh hiệu của tỉnh. Tiếng lành đồn xa, dòng sản phẩm gốm sành mỹ thuật của gia đình anh được nhiều người tìm đến mua về để sử dụng, trang trí.

Khoác cho gốm sành Hương Canh một chiếc áo mới, với những kiến thức đã được học, anh Quang và gia đình đang say sưa thổi hồn vào đất.

Nhìn những người thợ trẻ thoăn thoắt vuốt nặn gốm bên bàn xoay, hay miệt mài, tỷ mẩn từng nét vẽ trang trí sản phẩm, chúng tôi hiểu rằng tình yêu tha thiết với gốm đã giúp tâm hồn họ thăng hoa. Gốm sành Hương Canh hôm nay không chỉ đơn thuần là những mặt hàng thô sơ mà ngày càng tinh xảo, gần gũi hơn với cuộc sống hiện đại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục