Đi khắp các con phố, nẻo đường Hà Nội ở đâu cũng thấy "hơi thở" gấp gáp, vội vàng của cuộc sống đô thị hiện đại. Nhưng ít ai biết được trong lòng của sự hối hả ấy vẫn có những con người cặm cụi gập mình trên những con dấu, âm thầm và lặng lẽ lưu giữ một nét văn hóa truyền thống Việt Nam.
Nghề khắc dấu bằng gỗ đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dù đang thu mình lại nhưng vẫn còn đó với thời gian.
Tỷ mỷ khắc những con dấu
Với một cái dùi gỗ dài khoảng 15cm, con dấu được kẹp ngay ngắn trên một cái bàn gỗ tự đóng, nghệ nhân Phạm Văn Tịnh (64 tuổi) tỷ mỷ khắc từng đường nét, chi tiết rất nhỏ.
Bàn gỗ do ông tự chế có gắn một cái kính lúp cỡ nhỏ, nghệ nhân Tịnh - chủ cửa hàng khắc dấu mang tên “Phúc Lợi” ở 2B Tạ Hiện (Hà Nội) ngưng tay rồi bộc bạch: “Mình già rồi nên nhiều lúc chẳng nhìn rõ nữa, lắp thêm cái kính này cho nó dễ nhìn. Một con dấu được làm sẵn, đã thành hình, chỉ bé bằng bàn tay mà thời gian khắc cũng mất cả buổi chiều.”
Những cửa hàng khắc gỗ ở Hà Nội không còn nhiều. Nhiều cửa hàng phải đóng cửa để nhường chỗ cho những khách sạn đang "mọc lên như nấm." Giờ phố cổ Hà Nội chỉ còn lại một vài cửa hàng khắc gỗ nhỏ ở đầu phố Hàng Quạt, lác đác trên phố Hàng Bông và một cửa hiệu ở 2B Tạ Hiện với diện tích rất khiêm tốn.
Nghệ nhân Phạm Văn Tịnh đã có hơn nửa đời mình gắn bó với nghề. Dưới bàn tay khéo léo của ông đã có không biết bao nhiêu con dấu, khuôn hình được ra đời và đi đến nhiều nơi ở trong nước cũng như trên thế giới
Trăn trở về nghề, ông cho hay, để làm ra một con dấu đòi hỏi sự cẩn thận trong từng chi tiết dù là nhỏ nhất. Người khắc dấu phải chọn loại gỗ lồng mực, mài cho mịn từng thớ gỗ, đẽo tay cầm. Nếu khách chọn là hình sẵn thì ông chỉ việc in thẳng hình lên, không thì ông phải tự vẽ theo đúng ý của khách. Sau đó, ông phải gọt tỉa từng chi tiết nhỏ, cuối cùng là đẽo gọt cho con dấu thật vuông vắn hay thật tròn.
“Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và chuyên tâm rất cao, hình nhỏ thì còn nhanh, với những hình to, hoạ tiết phức tạp thì mất tới vài tháng mới hoàn thành,” ông giãi bày.
Ông cho hay, đơn đặt hàng của khách rất phong phú theo sở thích của họ, từ khách trong nước đến khách nước ngoài. Các sản phẩm chủ yếu của cửa hàng là khuôn bánh, khuôn tranh Đông Hồ và các con dấu có khoảng 100 mẫu dấu với đủ hình dáng vuông, tròn, chữ nhật…
Cầm trên tay những con dấu rất nâng niu và trân trọng, vị nghệ nhân lý giải, xưa kia ông đa số khắc dấu triện về sau chuyển đổi làm bản khắc tiền âm phủ.
Trong bối cảnh hiện nay, cửa hàng của ông đã có những thay đổi với các hình thức khắc dấu phong phú hơn như: khắc dấu tủ sách gia đình, dấu tên người, tên phố phường, 12 con giáp, khách hàng cũng có thể yêu cầu thợ khắc theo mẫu riêng của mình. Hoặc với những người mê thư pháp họ cũng đặt mẫu riêng để dùng dấu triện ấn lên bức thư pháp thay cho chữ ký…
Trăn trở về sự mai một
Nghề khắc gỗ cổ gắn liền với nền văn hoá dân tộc Việt Nam, đứng trước sự thay đổi to lớn của đời sống phố phường, những con dấu nhỏ vẫn đưa ta về với một không gian cổ kính, truyền thống ngàn xưa của dân tộc.
Tâm sự về nghề, nghệ nhân Tịnh chia sẻ, ông không rõ nghề khắc gỗ có từ bao giờ, chỉ biết bao nhiêu năm qua ông vẫn luôn gắn bó với nghề như một người bạn thân thiết.
“Cái nghề khắc gỗ đến với tôi cũng như duyên số. Đây là nghề gia truyền của gia đình và ông bắt đầu làm nghề từ năm 1970,” ông Tịnh cho hay.
Được tiếp xúc với nghề từ hồi còn nhỏ nên ông và em trai Phạm Ngọc Toàn đã sớm bị cuốn hút với nghề. Sau này khi lập gia đình, tách riêng cửa hàng nhưng hai anh em vẫn tiếp tục gắn bó với nghề khắc gỗ, với mong muốn tiếp tục kế thừa nghề truyền thống của cha ông để lại nên ông và em trai vẫn giữ nguyên biển hiệu “Phúc Lợi”.
Ông trải lòng, trên con phố này, hàng ngày có rất nhiều khách du lịch đi qua, họ rất thích thú với những con dấu, những hình vẽ ngộ nghĩnh... Nhưng trước sự thay đổi chóng mặt của đời sống thị trường, sự hay đổi về thị hiếu của người dân và có không biết bao nhiêu ngành kinh doanh khác được phát triển tại con phố này, làm ẩn đi những cửa hàng khắc gỗ nhỏ bé.
"Cửa hàng cũ kỹ, biển hiệu nhạt màu nên nhiều người có thể đi lướt qua những cửa hàng khắc gỗ mà không hay biết. Có lẽ đây là một điều tất yếu của thời gian…,” ông Tịnh trầm ngâm chiêm nghiệm.
Chính bản thân ông cũng đã bao lần “chìm nổi” cùng con dấu và duyên số đã đưa đẩy ông đến với nghề làm khuôn bánh. Nhờ vào bàn tay khéo léo và sự tỉ mỉ đã có sẵn thêm vào cái nghề gia truyền bao đời nay, ông đã sớm nổi tiếng với những sản phẩm của mình.
Vì thế ông Phạm Văn Tịnh đã được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân làm khuôn bánh giỏi năm 2009.
Trước sự vui mừng với danh hiệu mà ông đã đạt được thì ông vẫn luôn trăn trở về sự kế thừa với nghề gia truyền, sự mai một của nó trước những thay đổi lớn của cuộc sống.
Trên gương mặt thoáng buồn, người nghệ nhân đã ngoài 60 lo lắng khi thế hệ thanh niên giờ rất ít người học nghề này và chính ông có hai người con gái và cả hai cũng đều không theo nghề.
Không rời mắt khỏi con dấu gỗ một giây phút nào, ông vẫn luôn miệng nhắc tới việc làm sao để nghề khắc gỗ không bị phai mờ theo thời gian. Trong ông vẫn luôn có một tâm niệm rằng liệu những thế hệ như ông qua đi thì có ai còn tiếp tục con đường mà ông đã chọn.
Đó cũng là nỗi niềm vẫn đau đáu trong lòng ông suốt bao năm nay về sự kế thừa với nghề gia truyền, sự mai một của nghề khắc gỗ trước những thay đổi lớn của cuộc sống./.