Khi cái tuổi “thất thập cổ lai hy” đã cận kề, người nghệ nhân - người thương binh 4/4 với đôi tay khéo léo vẫn không thôi tâm huyết gìn giữ nghề đậu bạc truyền thống đất Thăng Long.
Bao nhiêu năm ông phục dựng và duy trì nghề là bấy nhiêu ngày đêm trăn trở với giấc mơ đưa quê hương Định Công lên Phố nghề. Ông là Quách Văn Trường - một trong những người được nhắc đến nhiều nhất khi nói tới Bạc Đậu Định Công.
Giữ nghề quý trong "cơn lốc" mai một
Đậu bạc là kỹ thuật chế tác bạc độc đáo, kéo bạc thành sợi như chỉ xe rồi uốn, kết, sắp đặt thành các chi tiết nhỏ gắn lên đồ trang sức, trang trí. Đây là kỹ thuật khó mà dường như chỉ có những người nghệ nhân ở Định Công mới có khả năng chế tác đạt đến độ tinh xảo.
Theo lời ông Quách Văn Trường kể, nghề kim hoàn của làng đã xuất hiện từ lâu đời, do ba anh em họ Trần có công lưu giữ, truyền tụng. Ghi nhớ công ơn, những người trong nghề đã tôn họ làm ông tổ nghề kim hoàn Việt Nam.
Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam cũng cho rằng, Định Công là một trong những cái nôi của nghề chạm vàng bạc Việt Nam.
Trở về sau chiến tranh, ông xót xa chứng kiến nghề đậu bạc truyền thống của làng rơi vào mai một. Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, những nếp nhà xưa được thay bằng những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, bên cạnh đó, hết thảy thanh niên trong làng không còn mặn mà với nghề, quay đi tìm con đường lập nghiệp mới.
Trong hoàn cảnh ấy, người thương binh hỏng một bên thị lực và sống chung với nỗi đau của hơn chục mảnh đạn găm trong người vẫn can đảm bước trên con đường khôi phục làng nghề.
Với đôi bàn tay khéo léo trời cho và những bài học đậu bạc “bí truyền” ông cha để lại, ông Trường đã sử dụng những đồng vốn liếng ít ỏi để mua nguyên liệu.
Bấy giờ có người xì xào về người thương binh “mắt hỏng mắt mờ” mà quyết theo cái nghề đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo, tỉ mỉ thì thật khó thành công. Nhận được sự động viên từ gia đình cùng với tình yêu nung nấu trong tâm can, ông Trường đã vượt qua mọi thử thách để giữ lại nghề quý.
Những vết thương vẫn nhói lên mỗi khi trái gió trở trời; bên mắt còn lại những khi tập trung quá lâu sẽ lại nhòe đi; sự tinh tế và chính xác 10 phần nay chỉ còn 7… là những khó khăn bao năm tháng qua ông luôn phải đối diện. Thế mà ông vẫn làm nên những kỳ tích mà ít người bình thường làm được.
Đến nay, gia đình ông là một trong hai gia đình gốc duy nhất còn giữ và gắn bó được với nghề đậu bạc của làng.
“Đậu” những kỳ tích
Những năm 80 - 90, cái tên Quách Văn Trường đã nổi danh khắp cả nước với những mẫu trang sức, trang trí, trưng bày bằng bạc độc đáo, mới lạ, có một không ai.
Nhắc lại giai đoạn hoàng kim, người nghệ nhân hứng khởi, tâm sự: Tôi gần như là người đầu tiên khôi phục lại nghề đậu bạc và đã phát triển nó rộng mở hẳn. Những sản phẩm không chỉ là đồ trang sức mà còn mang tính ứng dụng và độc đáo, như hộp đựng card-visit, vòng tay lắp ghép cả bạc trơn và bạc đậu. Những cái đó gần như độc quyền, phải đặt hàng năm mới có. Vậy mà khách hàng vẫn tìm đến tận nhà đặt hàng, nhiều đến nỗi tôi không dám nhận…
“Ông Trường có thể làm những đồ vật trang trí, trưng bày, những sản phẩm trang sức từ những hình mẫu, ý tưởng của khách hàng chỉ trong một thời gian ngắn,” ông Bắc – Phó chủ tịch thường trực Hội Những người tâm huyết khôi phục và duy trì làng nghề Bạc Đậu Định Công cho biết.
Tài năng, cống hiến là thế. Ấy vậy mà mãi đến năm 2005 ông mới “chấp thuận” danh hiệu Nghệ nhân của Hội Kim hoàn đá quý Việt Nam. Ông đã có đươc một loạt các giải Bàn tay vàng, giải thưởng Tinh hoa Việt Nam cho bộ sản phẩm trống bạc đậu…
Đến nay, cửa hàng bạc của con trai ông – anh Nguyễn Phan Tuấn Anh lại tiếp tục giới thiệu được các sản phẩm bạc đậu truyền thống tới bạn bè quốc tế. Niềm vui nhân đôi, gương mặt ông ánh lên sự mãn nguyện.
...Và ước mơ Phố nghề
Không chỉ giữ lại được nghề quý trong cơn lốc mai một, “đậu” nên những thành tích cá nhân đáng ngưỡng mộ, người nghệ nhân già còn nhiều năm có công đào tạo những thanh niên có tài năng và tâm huyết với nghề truyền thống của làng.
Ông đã truyền nghề miễn phí và khi họ làm nên những sản phẩm có chất lượng thì ông đã trả công. “Cốt để thế hệ sau tiếp tục khôi phục và phát triển làng nghề,” ông Trường nói.
Ông tâm sự: “Mong muốn lớn nhất của tôi là quê hương được xướng danh Phố nghề và nơi đây được nhà nước quan tâm phát triển thành du lịch làng nghề.”
Ông mong muốn được một lần gặp Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để bày tỏ kế hoạch và nguyện vọng của những người tâm huyết phục dựng và bảo tồn nghề quý Đậu Bạc ở Định Công.
Hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, ông Trường đang trong giai đoạn hoàn thành sản phẩm nộp bài thi cho Sở Công Thương vào ngày 15/6.
Bên cạnh đó, xưởng chế tác của ông cũng gấp rút sản xuất quà tặng thật đặc biệt để giới thiệu đúng dịp Đại lễ với tiêu chí: đơn giản, độc đáo và ý nghĩa. Những thước phim về nghề đậu bạc truyền thống đất Thăng Long cũng đã được các đạo diễn thực hiện tại xưởng của gia đình ông và sẽ chính thức phát sóng vào dịp 10/10/2010.
Không biết đến khi nào những mối canh cánh trong lòng và tâm sức bấy nhiêu năm của ông Trường sẽ đến được đích mong muốn. Liệu rằng mai đây các thế hệ trẻ ở Định Công có gìn giữ và làm vẻ vang cho nghề như bậc cha ông? Tin rằng sự quan tâm của những người có trách nhiệm sẽ chính là chìa khóa mở ra câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này./.
Bao nhiêu năm ông phục dựng và duy trì nghề là bấy nhiêu ngày đêm trăn trở với giấc mơ đưa quê hương Định Công lên Phố nghề. Ông là Quách Văn Trường - một trong những người được nhắc đến nhiều nhất khi nói tới Bạc Đậu Định Công.
Giữ nghề quý trong "cơn lốc" mai một
Đậu bạc là kỹ thuật chế tác bạc độc đáo, kéo bạc thành sợi như chỉ xe rồi uốn, kết, sắp đặt thành các chi tiết nhỏ gắn lên đồ trang sức, trang trí. Đây là kỹ thuật khó mà dường như chỉ có những người nghệ nhân ở Định Công mới có khả năng chế tác đạt đến độ tinh xảo.
Theo lời ông Quách Văn Trường kể, nghề kim hoàn của làng đã xuất hiện từ lâu đời, do ba anh em họ Trần có công lưu giữ, truyền tụng. Ghi nhớ công ơn, những người trong nghề đã tôn họ làm ông tổ nghề kim hoàn Việt Nam.
Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam cũng cho rằng, Định Công là một trong những cái nôi của nghề chạm vàng bạc Việt Nam.
Trở về sau chiến tranh, ông xót xa chứng kiến nghề đậu bạc truyền thống của làng rơi vào mai một. Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, những nếp nhà xưa được thay bằng những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, bên cạnh đó, hết thảy thanh niên trong làng không còn mặn mà với nghề, quay đi tìm con đường lập nghiệp mới.
Trong hoàn cảnh ấy, người thương binh hỏng một bên thị lực và sống chung với nỗi đau của hơn chục mảnh đạn găm trong người vẫn can đảm bước trên con đường khôi phục làng nghề.
Với đôi bàn tay khéo léo trời cho và những bài học đậu bạc “bí truyền” ông cha để lại, ông Trường đã sử dụng những đồng vốn liếng ít ỏi để mua nguyên liệu.
Bấy giờ có người xì xào về người thương binh “mắt hỏng mắt mờ” mà quyết theo cái nghề đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo, tỉ mỉ thì thật khó thành công. Nhận được sự động viên từ gia đình cùng với tình yêu nung nấu trong tâm can, ông Trường đã vượt qua mọi thử thách để giữ lại nghề quý.
Những vết thương vẫn nhói lên mỗi khi trái gió trở trời; bên mắt còn lại những khi tập trung quá lâu sẽ lại nhòe đi; sự tinh tế và chính xác 10 phần nay chỉ còn 7… là những khó khăn bao năm tháng qua ông luôn phải đối diện. Thế mà ông vẫn làm nên những kỳ tích mà ít người bình thường làm được.
Đến nay, gia đình ông là một trong hai gia đình gốc duy nhất còn giữ và gắn bó được với nghề đậu bạc của làng.
“Đậu” những kỳ tích
Những năm 80 - 90, cái tên Quách Văn Trường đã nổi danh khắp cả nước với những mẫu trang sức, trang trí, trưng bày bằng bạc độc đáo, mới lạ, có một không ai.
Nhắc lại giai đoạn hoàng kim, người nghệ nhân hứng khởi, tâm sự: Tôi gần như là người đầu tiên khôi phục lại nghề đậu bạc và đã phát triển nó rộng mở hẳn. Những sản phẩm không chỉ là đồ trang sức mà còn mang tính ứng dụng và độc đáo, như hộp đựng card-visit, vòng tay lắp ghép cả bạc trơn và bạc đậu. Những cái đó gần như độc quyền, phải đặt hàng năm mới có. Vậy mà khách hàng vẫn tìm đến tận nhà đặt hàng, nhiều đến nỗi tôi không dám nhận…
“Ông Trường có thể làm những đồ vật trang trí, trưng bày, những sản phẩm trang sức từ những hình mẫu, ý tưởng của khách hàng chỉ trong một thời gian ngắn,” ông Bắc – Phó chủ tịch thường trực Hội Những người tâm huyết khôi phục và duy trì làng nghề Bạc Đậu Định Công cho biết.
Tài năng, cống hiến là thế. Ấy vậy mà mãi đến năm 2005 ông mới “chấp thuận” danh hiệu Nghệ nhân của Hội Kim hoàn đá quý Việt Nam. Ông đã có đươc một loạt các giải Bàn tay vàng, giải thưởng Tinh hoa Việt Nam cho bộ sản phẩm trống bạc đậu…
Đến nay, cửa hàng bạc của con trai ông – anh Nguyễn Phan Tuấn Anh lại tiếp tục giới thiệu được các sản phẩm bạc đậu truyền thống tới bạn bè quốc tế. Niềm vui nhân đôi, gương mặt ông ánh lên sự mãn nguyện.
...Và ước mơ Phố nghề
Không chỉ giữ lại được nghề quý trong cơn lốc mai một, “đậu” nên những thành tích cá nhân đáng ngưỡng mộ, người nghệ nhân già còn nhiều năm có công đào tạo những thanh niên có tài năng và tâm huyết với nghề truyền thống của làng.
Ông đã truyền nghề miễn phí và khi họ làm nên những sản phẩm có chất lượng thì ông đã trả công. “Cốt để thế hệ sau tiếp tục khôi phục và phát triển làng nghề,” ông Trường nói.
Ông tâm sự: “Mong muốn lớn nhất của tôi là quê hương được xướng danh Phố nghề và nơi đây được nhà nước quan tâm phát triển thành du lịch làng nghề.”
Ông mong muốn được một lần gặp Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để bày tỏ kế hoạch và nguyện vọng của những người tâm huyết phục dựng và bảo tồn nghề quý Đậu Bạc ở Định Công.
Hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, ông Trường đang trong giai đoạn hoàn thành sản phẩm nộp bài thi cho Sở Công Thương vào ngày 15/6.
Bên cạnh đó, xưởng chế tác của ông cũng gấp rút sản xuất quà tặng thật đặc biệt để giới thiệu đúng dịp Đại lễ với tiêu chí: đơn giản, độc đáo và ý nghĩa. Những thước phim về nghề đậu bạc truyền thống đất Thăng Long cũng đã được các đạo diễn thực hiện tại xưởng của gia đình ông và sẽ chính thức phát sóng vào dịp 10/10/2010.
Không biết đến khi nào những mối canh cánh trong lòng và tâm sức bấy nhiêu năm của ông Trường sẽ đến được đích mong muốn. Liệu rằng mai đây các thế hệ trẻ ở Định Công có gìn giữ và làm vẻ vang cho nghề như bậc cha ông? Tin rằng sự quan tâm của những người có trách nhiệm sẽ chính là chìa khóa mở ra câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này./.
Thu Thủy (Vietnam+)