Theo giới quan sát, những lo ngại về dịch bệnh COVID-19 và các trung tâm mua sắm có ít chương trình khuyến mại "khủng" để lôi kéo khách hàng hơn so với các mùa trước đã khiến số người tiêu dùng mua sắm tại các trung tâm trung tâm thương mại trong ngày Black Friday ở Mỹ giảm bớt, nhất là khi nhiều nhà bán lẻ lại giảm giá ít hơn do nguồn cung hàng hóa khan hiếm.
Black Friday - vốn là ngày mở đầu mùa mua sắm lễ hội cuối năm tại Mỹ - diễn vào cùng ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên cho biến thể mới được xác định của virus SARS-CoV-2 là Omicron.
Diễn biến đó khiến toàn thế giới lâm vào báo động và thúc đẩy tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ.
[Mỹ khởi động mùa mua sắm với kỳ vọng ngày Black Friday bận rộn]
Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Cowen cho biết các cửa hàng vào Black Friday năm nay ghi nhận số sản phẩm hết hàng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Nhiều người mua sắm đã chọn đặt hàng sẵn trên mạng rồi đến nơi nhận đồ, thay vì mạo hiểm đi lại bên trong các cửa hàng.
Nhóm phân tích của Cowen lưu ý Walmart và Target dự kiến sẽ có màn “trình diễn” nổi bật hơn hẳn các nhà bán lẻ khác, một phần là nhờ các dịch vụ mua trực tuyến - nhận đồ tại cửa hàng của họ.
Target đã bổ sung hơn 18.000 chỗ đậu xe để nhận hàng cho khách, tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái.
Người tiêu dùng Mỹ đang bước vào kỳ nghỉ lễ khá “rủng rỉnh” tiền mặt, chủ yếu nhờ khoản tiền tiết kiệm khá lớn từ nhiều đợt cứu trợ trong đại dịch của chính phủ cùng mức tăng lương hai con số khi các doanh nghiệp cạnh tranh mạnh mẽ để có thể tuyển dụng thêm công nhân.
Tuy nhiên, giới quan sát lưu ý rằng các nhà bán lẻ đã thu hút người mua sắm từ tận tháng Chín. Lý do vì tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã khiến nhà bán lẻ khó có thể nhanh chóng bổ sung hàng hóa cho dịp cuối năm.
Một cuộc khảo sát của công ty kiểm toán và dịch vụ tài chính Deloitte cho thấy người dân Mỹ đã chi 80-85% ngân sách quà tặng cho kỳ nghỉ ngay cả trước Black Friday.
Số liệu do hãng công nghệ Adobe tổng hợp cũng cho thấy những người sử dụng các nền tảng thương mại điện tử ở Mỹ đã chi 76 tỷ USD kể từ đầu tháng 11, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước khi nhiều người cùng dự kiến sẽ ít khuyến mại hơn trong kỳ mua sắm năm nay do lạm phát tăng.
Dù vậy, theo Chỉ số Kinh tế Kỹ thuật số do Adobe tổng hợp, doanh số bán hàng trực tuyến tại Mỹ trong tháng 11 và tháng 12/2021 vẫn ước tính đạt kỷ lục 207 tỷ USD, tăng 10% so với năm ngoái.
Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ cũng dự báo doanh số bán hàng kết hợp giữa thương mại trực tuyến và mua sắm truyền thống trong kỳ nghỉ đạt từ 843,4- 859 tỷ USD, cao hơn 8,5% đến 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Adobe, thiết bị điện tử - nhóm hàng vẫn bị thiếu hụt do khan hiếm chip trên toàn cầu - có mức bán hết hàng cao nhất. Tiếp theo là nhóm thiết bị chăm sóc cá nhân, thiết bị gia dụng và thiết bị làm vườn. Trong hầu hết tháng 11, số sản phẩm hết hàng trên các nền tảng trực tuyến đã tăng 261% so với cùng kỳ năm 2019./.