Người miền Tây chống dịch COVID-19: Những tấm lòng thơm thảo

Sự san sẻ “một miếng khi đói bằng một gói khi no” nơi hậu phương; hình ảnh của đội ngũ áo blouse trắng xông pha vào tâm dịch... đã lan tỏa tình yêu thương, củng cố thêm niềm tin chiến thắng dịch bệnh.
“Siêu thị 0 đồng san sẻ yêu thương” hỗ trợ người nghèo vượt qua khó khăn trong dịch COVID-19 tại Cần Thơ. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Trong cuộc chiến đẩy lùi “giặc COVID-19,” truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc lại một lần nữa được phát huy. Đó là sự san sẻ “một miếng khi đói bằng một gói khi no” của những tấm lòng nơi hậu phương; là hình ảnh của đội ngũ áo blouse trắng “lội ngược dòng” xông pha vào tâm dịch.

Những hình ảnh ấy đã làm lan tỏa tình yêu thương, khiến mọi người thêm tin hơn vào sự tử tế và vững niềm tin để sớm vượt qua đại dịch.

Tấm lòng thơm thảo nơi hậu phương

21 giờ ngày 24/6/2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp quyết định cách ly y tế tạm thời 7 ngày đối với Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc.

Thời điểm ấy, cả tỉnh cùng hướng về nơi phát ra “tiếng súng đầu tiên của SARS-CoV-2” trong đợt dịch lần thứ 4 tại Đồng Tháp.

Không đứng ngoài cuộc, chị Lê Thị Thanh Hương, chủ nhà hàng sinh thái Hương Quê (xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc) cùng những người đồng hành góp sức, chung tay cung cấp những suất ăn 0 đồng cho tất cả các y, bác sỹ, bệnh nhân và thân nhân người bệnh tại bệnh viện.

Vào mỗi buổi chiều, khoảng 1.300 suất ăn mặn và 40 suất ăn chay miễn phí đều đặn được giao cho nhân viên bệnh viện tiếp nhận và phân phát cho từng khoa, phòng.

Kể từ khi có quyết định giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố Sa Đéc, do không thể tập trung đông người, nên chị Hương đã quyết định phân chia 1.000 suất ăn miễn phí vào 3 buổi trong ngày.

Hằng ngày, các phần ăn này sẽ được vận chuyển đến các lực lượng y tế tại một số xã, phường, khu phong tỏa phường 3 và người nghèo đang thực hiện cách ly tập trung…

Chị Hương chia sẻ, “sống trong đời sống cần có một tấm lòng.” Nhìn các y, bác sỹ thức trắng cả ngày lẫn đêm và những người yếu thế khó khăn trong mùa dịch, chỉ biết dồn hết tình yêu thương vào các bữa ăn. Làm sao món ăn đảm bảo dinh dưỡng, an lành và thay đổi hàng ngày để những người nơi tuyến đầu đảm bảo sức khỏe chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh.

Những ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, người dân ở một số khu phong tỏa của thành phố Vĩnh Long cũng gặp không ít khó khăn.

Do vậy, gần 20 cán bộ, hội viên phụ nữ thành phố đã vận động nguồn lực để hỗ trợ trang thiết bị y tế, lương thực cho các chốt trực kiểm soát; vận động hỗ trợ nhiều loại nhu yếu phẩm và rau củ quả cho các "Gian hàng 0 đồng" và người dân khu vực bị phong tỏa, phục vụ các bữa ăn cho các chốt kiểm dịch.

Người góp công, người góp của cùng chung tay tiếp sức cho các lực lượng làm nhiệm vụ và những người dân còn gặp khó khăn.

Các giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục Cần Thơ sơ chế, nấu ăn hỗ trợ lực lượng phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Vĩnh Long Nguyễn Thị Ánh Nguyệt chia sẻ tùy theo khả năng, mỗi chị em đã chung tay chia sẻ cùng ngăn chặn đại dịch.

Có chị nhà tận huyện Mang Thít nhưng đã gói hàng chục đòn bánh tét gửi tặng; nhiều phần quà nhu yếu phẩm, những suất cơm nóng hổi đã được trao cho chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm, không có thu nhập do dịch bệnh …

Những món quà tuy nhỏ nhưng là tấm lòng thơm thảo của chị em phụ nữ, mong muốn góp một phần sức nhỏ của mình sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Trong khi đó, tại “xứ dừa,” phụ nữ chung tay tổ chức làm hàng nghìn tấm kính chống giọt bắn để gửi đến các tình nguyện viên, lực lượng chuyên ngành tại các chốt kiểm soát.

Chị Nguyễn Thị Mơ cho biết từ nguồn vốn được mạnh thường quân đóng góp, phụ nữ huyện Thạnh Phú đã làm hơn 1.500 sản phẩm. Mỗi tấm kính tuy giá trị không lớn nhưng mang tấm lòng của người phụ nữ Bến Tre, góp phần bảo vệ sức khỏe cho lực lượng tuyến đầu hoàn thành nhiệm vụ.

Mặt khác, phụ nữ huyện Thạnh Phú còn tổ chức vận động hàng hóa thiết yếu gửi đến các khu cách ly, khu vực phong tỏa để chia sẻ gánh nặng, tiếp thêm động lực giúp người dân vững tâm vượt qua mốc thời gian khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre, cho hay với tinh thần cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, góp sức giúp đỡ người dân tại các vùng xảy ra dịch vượt qua giai đoạn khó khăn, phụ nữ “xứ dừa” đã tích cực đóng góp thực phẩm, nông sản, nhu yếu phẩm.

Đến nay, các cấp Hội đã vận động hơn 245 triệu đồng tiền mặt, hơn 3.500 phần quà (tổng trị giá quà hơn 1 tỷ đồng), bao gồm gạo, nhu yếu phẩm, rau, củ, quả... hỗ trợ người dân và các lực lượng tại các chốt kiểm soát, khu cách ly.

Các cấp hội tự làm hơn 28.000 tấm kính chắn giọt bắn hỗ trợ y, bác sỹ tuyến đầu phòng, chống dịch và các tổ phòng, chống dịch. Đặc biệt, có hơn 52 tấn nông sản, thực phẩm, cá, khô, trứng tiếp sức Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành xảy ra dịch bệnh.

Đi vào tâm dịch - Mệnh lệnh từ trái tim

Những ngày đầu tháng Bảy, tình hình diễn biến COVID-19 tại Vĩnh Long bắt đầu “nóng,” chỉ riêng ngày 11/7, số ca mắc ở địa phương tăng vọt ở con số 43.

Nhận lời “hiệu triệu,” ngày 12/7, gần 100 cán bộ, sinh viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ đã “chia lửa” cùng ngành y tế tỉnh Vĩnh Long thực hiện nhiệm vụ truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân ở Khu công nghiệp Hòa Phú và Khu công nghiệp Bình Minh, góp phần kiểm soát nguồn lây tại nơi đây.

[Người miền Tây hợp sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh COVID-19]

Sinh viên Võ Thị Tiến chia sẻ: “Em là sinh viên của ngành y và cũng là người con của Vĩnh Long nên khi có yêu cầu hỗ trợ nhân lực cho tỉnh nhà, em rất sẵn sàng. Với trách nhiệm y khoa và những kiến thức đã được đào tạo, tập huấn, chúng em mong muốn đóng góp công sức giúp lực lượng y tế hoàn thành nhiệm vụ, nhanh chóng truy vết các trường hợp lây nhiễm; giúp địa phương kiểm soát được tình hình dịch bệnh, đem lại bình yên cho cộng đồng.”

Cụ thể hóa lời nói bằng hành động, trong 4 ngày ra quân, lực lượng chi viện đã lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 25.000 công nhân ở khu công nghiệp.

Đoàn viên, thanh niên tình nguyện đảm nhiệm công việc hậu cần, chuẩn bị các vật dụng thiết yếu tại khu cách ly tập trung ở thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng chia sẻ sự chi viện này rất có ý nghĩa trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giúp tỉnh thực hiện xét nghiệm nhanh và an toàn cho toàn thể công nhân ở các khu công nghiệp.

Qua đó, giúp ngành y tế sàng lọc nhanh, kịp thời khoanh vùng, cách ly điều trị và có đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh ở Khu công nghiệp xây; dựng phương án chống dịch phù hợp, xử lý kịp thời các tình huống tiếp theo.

Tại tỉnh láng giềng Đồng Tháp, “sức nóng COVID-19” xuất hiện ở hầu hết các huyện, thành phố, nhất là các địa phương phía Nam sông Tiền như thành phố Sa Đéc, Châu Thành, Lai Vung.

Để sớm kiểm soát được dịch, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực trên địa bàn. Tỉnh cũng nhận được sự chi viện từ Bộ Y tế, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Trung ương Huế, tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Văn Duẫn, Trưởng Đoàn Công tác tỉnh Bắc Giang thông tin, để chi viện cho Đồng Tháp, đoàn công tác được thành lập với 54 người, gồm 10 bác sỹ; 30 điều dưỡng; 10 kỹ thuật viên xét nghiệm; 1 cán bộ công nghệ thông tin; 1 cán bộ truyền thông và 2 cán bộ hỗ trợ quản lý khu cách ly tập trung.

Ngoài tăng cường nhân lực, tỉnh Bắc Giang còn hỗ trợ trang thiết bị và vật tư y tế,chuyển giao kỹ thuật cho Đồng Tháp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nhiệm vụ của đoàn công tác khi đến Đồng Tháp là hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19; hoạt động xét nghiệm và chuyển giao công nghệ sản xuất môi trường xét nghiệm. Đồng thời, hỗ trợ quản lý khu cách ly tập trung; hỗ trợ công nghệ thông tin trong truy vết, quản lý công nhân, quản lý xét nghiệm...

"Nhận lệnh chi viện, đến khi Đồng Tháp kiểm soát được tình hình dịch bệnh, chúng tôi sẽ về," Nguyễn Văn Duẫn cho biết.

Nhận nhiệm vụ phụ trách điều trị tại Bệnh viện dã chiến Trường Quân sự tỉnh (cơ sở cũ), Bác sỹ đa khoa Đặng Quang Lượng (đơn vị Trung tâm y tế huyện Hòa Hiệp, Bắc Giang) nói, “lội ngược dòng” vào chi viện cho "Đất sen hồng,” chúng tôi quyết tâm “chia lửa” cùng anh em Đồng Tháp trên “trận tuyến” chống dịch COVID-19 lần này.

Với những kinh nghiệm trong điều trị COVID-19 tại Bắc Giang, bằng tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm, y, bác sỹ Bắc Giang sẽ kề vai cùng Đồng Tháp nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, sớm ổn định tình hình, đảm bảo an toàn cuộc sống cho nhân dân.

Tín hiệu mừng là sau những ngày nỗ lực, có nhiều bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và trung bình đã được công bố khỏi bệnh.

Với những hỗ trợ tích cực, sau gần một tháng nhập viện, một bệnh nhân nữ 53 tuổi ở khóm 2, phường 1, thành phố Sa Đéc không còn triệu chứng ho, sốt và có 3 lần âm tính.

Đây là một trong 27 bệnh nhân đầu tiên nhận giấy ra viện tại Bệnh viện dã chiến Trường Quân sự Tỉnh vào ngày 20/7 vừa qua. Không kìm nén được xúc động, nữ bệnh nhân mừng đến khóc trong ngày xuất viện.

Bệnh nhân nói, khi biết mình dương tính SARS-CoV-2 bản thân rất sợ và hoang mang. Tuy nhiên, trong những ngày điều trị, luôn nhận được sự chăm sóc tận tình, động viên về tinh thần từ đội ngũ y, bác sỹ nên sức khỏe dần phục hồi.

Gửi lời cảm ơn chân thành đến đội ngũ y, bác sỹ, nữ bệnh nhân cũng không quên gửi gắm thông điệp mọi người hãy tuân thủ 5K, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết để tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và giúp những người nơi tuyến đầu giảm bớt vất vả.

Tính đến 18 giờ ngày 23/7, Đồng Tháp đã có 48 trường hợp mắc COVID-19 được điều trị khỏi bệnh, xuất viện về nơi cư trú để cách ly, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày.

Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cũng đã gửi thư ngỏ để kêu gọi y, bác sỹ đã nghỉ hưu, y dược tư nhân tại Đồng Tháp tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trong thư kêu gọi, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Lâm Thái Thuận nhận định trong thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp, dự báo nguy cơ dịch bệnh có thể tăng cao ở địa bàn tỉnh, Ban Giám đốc Sở Y tế bày tỏ lòng trân trọng và rất hoan nghênh các cán bộ y tế đã nghỉ hưu, y dược tư nhân tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch để được cùng chung tay góp sức, quyết tâm đẩy lùi dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục