Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, nghệ nhân Hà Phan đã để lại cho người em trai của mình là Hà Thuấn ba cuốn sổ dày ghi chép những làn điệu Then cổ với lời nhắn nhủ: “Đây là vốn quý, là linh hồn của người Tày mình, phải gắng giữ…”
Ghi nhớ lời trăn trối của anh trai, từ đó đến nay, nghệ nhân Hà Thuấn đã ngày đêm âm thầm với công việc gìn giữ và quảng bá những làn điệu Then cổ của cha ông.
Theo lời chỉ dẫn của những người dân xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi tìm đến ngôi nhà sàn cổ kính và to vào loại bậc nhất trong vùng để gặp nghệ nhân Hà Thuấn.
Hôm ấy, trong cái buổi sơ giao nơi miền rừng núi, ông đã tiếp chúng tôi bằng bài Then cổ “Cung ve sầu” và kể cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện về những làn điệu Then cổ của người Tày quê hương ông.
Theo nghệ nhân Hà Thuấn, trước đây, những làn điệu Then chỉ được lưu truyền chủ yếu do các thầy cúng hát vào những dịp làm lễ cho các gia đình trong thôn bản. Ngày nhỏ, ông thường theo chân các cụ già đi xem lễ cúng nên những làn điệu Then đã ngấm vào người ông lúc nào không hay. Đến năm 12 tuổi, ông đã bắt đầu biết hát Then. Theo năm tháng, cùng với sự truyền dạy của người anh trai, ông đã biết hát thành thạo hầu hết những làn điệu Then cổ.
Từ đây ông bắt đầu đi gặp các cụ già ở khắp các thôn bản để hỏi han sưu tầm những làn điệu Then cổ.
Do những bài Then được lưu giữ chủ yếu bằng hình thức truyền miệng nên lời bài hát không được chính xác, nguyên vẹn. Vì thế khi đã có những bản ghi chép từ trí nhớ của những cụ già trong làng, đêm về ông sắp xếp và chỉnh sửa lại thành một bản hoàn chỉnh. Sau đó, ông lại đem đến cho các cụ xem để kiểm tra độ chính xác, rồi ghi chép cẩn thận để lưu trữ.
Cũng theo nghệ nhân Hà Phan, ngoài hình thức lưu trữ Then truyền miệng, trong dân gian còn có một số ít văn bản hát Then cổ viết bằng chữ Nho. Chữ Nho trong làng không ai dịch được nên ông lại dày công bỏ ra nhiều năm đi học để dịch các văn bản này.
Song song với công việc sưu tầm, sáng tác, ông bắt đầu truyền dạy các làn điệu Then. Đầu tiên ông dạy cho những người trong gia đình mình. Chỉ một thời gian sau, cả 6 người con và cháu của ông đều biết hát các làn điệu Then, kể cả những làn điệu cổ khó nhất. Vì thế, vào những đêm vui, ngày hội, nhà ông trở thành một “câu lạc bộ” Then của bản.
Tiếng lành đồn xa, người dân ở các thôn bản trong và ngoài huyện Chiêm Hoá đã lần lượt kéo đến nhà ông để xin học hát các làn điệu Then. Nghệ nhân Hà Thuấn không nhớ nổi mình đã truyền dạy cho bao nhiều người. Chỉ biết rằng, trong một thời gian dài, trong nhà của ông lúc nào cũng đông như ngày hội.
Sau đó, chính những người học trò do ông truyền dạy lại trở về địa phương nơi họ sinh sống để thành lập ra những câu lạc bộ hát Then quần chúng.
Vào năm 2007, khi nghe tin nghệ nhân Hà Thuấn truyền dạy Then cho những người dân bản, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang đã mời ông về dạy lớp đầu tiên về hát Then. Từ đó, mỗi năm một lần, ông được mời xuống tỉnh để truyền dạy cho một lớp hát Then mới của tỉnh.
Khi được hỏi về động lực để ông dày công sưu tầm, truyền dạy những điệu Then cổ, nghệ nhân Hà Thuấn tâm sự rằng: “Đời người Tày không biết Then như chim không tiếng hót, như cây xanh không hoa lá, như cá không suối sông… Then là cầu nối giữa thế giới tâm linh với con người, giữa Trời cao với sự sống dưới mặt đất. Bởi vậy, ước mong của tôi là muốn thật nhiều người biết hát và yêu mến những làn điệu Then. Đó là sợi dây tình, dây nghĩa gắn bó mọi người lại với nhau để cùng sống yên vui, giữ gìn nếp nhà, nếp bản”./.