Người lưu giữ nghề chạm bạc truyền thống giữa lòng Hà Nội
Như Dung
Ngọn lửa đam mê nghề chạm bạc dường như chưa bao giờ tắt với nghệ nhân Nguyễn Chí Thành. Những món đồ trang sức tinh tế được chế tác từ đôi bàn tay khéo léo của ông.
Nghệ nhân Nguyễn Chí Thành luôn trung thành với nghề chạm bạc thủ công trong thị trường phát triển ngày nay. Là người làng Định Công, làng tổ nghề kim hoàn, nghệ nhân sinh năm 1950 đã được kế thừa nghề truyền thống chạm bạc của gia đình từ bé, đến ông là đời thứ tư được truyền nghề.
Nghệ nhân Nguyễn Chí Thành chia sẻ: “Các sản phẩm do ông chế tác đều làm thủ công qua ba khâu kỹ thuật: chạm, đậu, trơn. Chạm là chạm trổ các hình vẽ họa tiết trên mặt các đồ trang sức. ngày trước đồ chạm là các loại như vòng, kiềng... Đậu tức là kéo vàng bạc đã nung chảy thành hững sợi nhỏ như se chỉ. Từ đó, sẽ được uống lại thành nhiều hình dáng khác nhau như hoa lá, chim muông gắn lên những món đồ trang sức ấy. Với kỹ thuật trơn, làm những món đồ vàng bạc không cần chạm trổ mà chỉ cườm cho nhẵn, bóng và trơn. Ngoài ba kỹ thuật trên phải biết cả thuật luyện kim cổ điển.”
Những vật dụng mà nghệ nhân Nguyễn Chí Thành tự chế thể hiện rõ sự tỉ mỉ, nhiệt huyết yêu nghề của ông. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Vỏ lon bia làm đèn, những thanh sắt cũ kỹ để mài dũa, lõi vỏ cây chát trong ăn trầu giúp ông làm công cụ chế tác. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Nghệ nhân Nguyễn Chí Thành chia sẻ: “Từ khi còn bé, sự đam mê với nghề có lẽ bắt nguồn trong những tiếng lách cách chạm bạc của cha”. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Nghệ nhân Nguyễn Chí Thành năm nay 70 tuổi, cái tuổi lẽ ra đã nghỉ ngơi nhưng ông vẫn hằng ngày say mê, tỉ mỉ bên từng sản phẩm của mình. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Khi cuộc sống ngày càng phát triển với nhiều thứ sang trọng lộng lẫy xa hoa hơn, ông Thành đã lựa chọn sự tỉ mỉ trong từng sản phẩm mà mình làm ra. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Mỗi chi tiết nhỏ là cả tâm huyết của ông. Từng mũi khoan cũng được ông khéo léo tỉ mỉ chỉnh sửa mài dũa. Mọi công đoạn đều được nghệ nhân làm hoàn toàn bằng thủ công, chính vì thế mà sản phẩm của ông luôn nổi bật và được nhiều người biết đến. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Để làm ra một sản phẩm, người chế tác cần am hiểu nhiều công đoạn như chọn kích cỡ, làm hoa họa tiết, làm từng phần rồi sau đó ghép chúng lại với nhau. điều quan trọng hơn, sự tính toán nguyên liệu hợp lý để sản phẩm làm ra phải chuẩn từng chi tiết. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Trong những đường nét chạm khắc, điều thu hút khách bốn phương là sự tỉ mỉ, cầu kỳ của mỗi sản phẩm, đặc biệt là du khách nước ngoài. “Thường sẽ là khách mang mẫu đến, họ đưa ra ý tưởng, tùy sở thích mỗi người, hoặc đưa mẫu về sản phẩm để ông sáng tạo,” nghệ nhân Nguyễn Chí Thành nói. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Những đồ vật đã được tạo hình sẽ được đưa đi đánh bóng. Đối với đồ bằng bạc sẽ dùng cát xoa rồi trải lên trên một dung dịch sau đó hơ trên lửa. Sau khi nguội, sản phẩm đó được ngâm vào dung dịch phèn đun sôi rồi lại dùng cát cọ lên lần nữa, cuối cùng là dùng mảnh chai cọ. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Những sản phẩm bằng vàng sẽ được chải bằng một lớp chất lỏng sánh, hơ qua lửa rồi làm sạch. Sau đó đồ vật sẽ được ngâm vào một dung dịch, rồi cọ bằng cát và bằng mảnh chai. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Một số sản phẩm tinh xảo từ đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân Nguyễn Chí Thành. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Bàn tay khéo léo của ông đã chế tác ra biết bao món đồ trang sức bằng bạc vô cùng tinh tế, làm đẹp thêm cho người sử dụng nó. Nghệ nhân Nguyễn Chí Thành chia sẻ, ông luôn mong muốn gìn giữ nghề truyền thống cho gia đình cũng là một nét văn hoá nhỏ của Hà Nội. (Ảnh: Như Dung/Vietnam+)
Ngày nay, cả làng Đồng Xâm (tỉnh Thái Bình) với 150 cơ sở sản xuất, trên 4.000 lao động thủ công vẫn vang tiếng đục, chạm, hàn… đặc trưng giữa không gian bình yên của một làng quê đồng bằng Bắc bộ.
Với người Nùng từ xa xưa, bạc trắng là một trang sức quan trọng trong đời sống. Họ quan niệm những món đồ từ bạc đều mang lại bình an và may mắn cho người đeo.