Với “Inside Out” (Những mảnh ghép cảm xúc), vấn đề không phải là phân loại, dán nhãn cho phim, mà câu chuyện chính là người lớn bối rối trước những thước phim ngỡ dành cho trẻ nhỏ. Chính xác, nó là một “cuốn sách tô màu” dành cho người lớn.
Thêm một “vé đi tuổi thơ”
Từ khi ra mắt tại Mỹ vào 19/6/2015 và tại Việt Nam tròn hai tháng sau, “Inside Out” đã khiến không ít khán giả và giới bình phim phải tốn thời gian gõ phím vì nó.
Tuy không phải “bom tấn," phá các kỷ lục phòng vé hay thống trị các giải thưởng, nhưng đây lại là bộ phim nắm giữ “kỷ lục” về mặt… “nhả chữ” của khán giả sau khi thưởng thức, trên cả hai luồng khen-chê.
Hẳn vì trên thế giới không thiếu gì “fan cuồng” của hãng Pixar danh tiếng. Sau vài phim không quá vang dội, thì kỳ vọng càng được đặt lên “Inside Out," khi đây là tác phẩm điện ảnh hoạt hình dài thứ 15 và đánh dấu 20 năm ra đời phim hoạt hình vẽ trên máy tính, kể từ năm 1995 với sự ra đời của “Toy Story" - đỉnh cao đầu tiên của Pixar.
Vậy hãy xem người lớn “gõ” gì về bộ phim hoạt hình ngỡ chỉ dành riêng cho tụi trẻ con này: Đã có 440 reviews trên trang dữ liệu điện ảnh IMDb.
Có ý kiến bảo: “Phim này không dành cho cánh đàn ông," nên phần đông các bà, các mẹ tha hồ “rộng đường dư luận” bày tỏ cảm xúc.
Có gần 90.000 lượt khán giả đại chúng chấm cho “Inside Out” 8.6 điểm, còn điểm Metascore tới 94/100, nên cũng dễ hiểu khi có nhiều người đánh giá phim với 10 dấu sao.
Thế nhưng, số người cho phim điểm một (01) cũng nhiều vô kể. Các ý kiến bình phim bỗng chốc trở thành những tranh luận nảy lửa.
Có người bảo “Inside Out” là bộ phim “trên cả kỳ vọng của tôi," nhưng cũng có người nói về phim chỉ với một từ là “tồi tệ."
Đa phần phim được khen vì đã tạo nên năm nhân vật chính là năm sắc thái cảm xúc của cô bé 11 tuổi Riley gồm Vui Vẻ (Joy), Buồn Bã (Sadness), Giận Dữ (Anger), Lo Sợ (Fear) và Chảnh Chọe (Disgust) một cách vô cùng thông minh, sinh động, mang đến những sáng tạo vượt bậc…
Nhưng người chê phim cũng có lý lẽ riêng, khi hầu hết cho rằng nhà làm phim tạo nên câu chuyện phức tạp, rối rắm không cần thiết và nên dán nhãn NC-17 cho phim, bởi “trẻ em hiểu được chết liền."
Cũng từ đây, các ý kiến tranh luận đều xoáy vào chủ đề: Phim có hợp với trẻ con, hay chỉ dành cho người lớn?
“Về thu xếp lại”
Phim hoạt hình dành cho người lớn thì xưa nay đâu có thiếu. Giống như gần đây những cuốn sách tô màu dành cho người lớn đang bán đắt như tôm tươi, “Inside Out” có thể dành cho bất cứ đối tượng nào, phù hợp với cả gia đình - như có người đã chia sẻ.
Họ cho các con 6-12 tuổi đi xem và chúng thích. Đây thật ra không phải là vấn đề phân loại, dán nhãn cho phim, mà câu chuyện chính là người lớn bối rối trước những thước phim ngỡ dành cho trẻ nhỏ.
Người lớn không bàn cãi về những chú Minions không quần, chú rồng Toothless sún răng, chú gấu Po giỏi kungfu, về thế giới máy bay, biệt đội Big Hero 6 hay phi đội gà bay… trong các bộ phim hoạt đình đình đám.
Người lớn bàn về “Inside Out” với những cảm xúc và sự hỗn độn trong tâm trí (chứ không phải trong bộ não) của họ.
Và người lớn ở đây là những bậc cha mẹ có thể chưa thấu hiểu những tâm tư, mong ước của con cái và cũng có thể chưa thực sự nghe rõ những cảm xúc, ý muốn của chính mình.
Cuộc sống hiện đại hôm nay, với bao lo toan, chạy đua, những luồng thông tin bủa vây tứ phía, từ vụn vặt đến rườm rà… khiến người lớn không khỏi rối trí - giống như những cảm xúc lẫn lộn buồn, vui, lo sợ, giận dữ… nhảy nhót nơi Trung tâm điều khiển (Headquarter) của cô bé Riley.
Người lớn, chứ không phải trẻ nhỏ, xem phim mới thấy rõ những viên bi cảm xúc phản chiếu tâm trạng con người, những niềm vui nỗi buồn tích tụ thành ký ức để chợt có ngày đổ xuống thung lũng lãng quên.
Sau những lo toan cho bản thân thăng tiến, con cái trưởng thành, rồi có lúc bớt phân tâm, sẽ thấy cần đến thăm hoặc sắp xếp lại các “hòn đảo”: Gia đình, Bạn bè, Sự nghiệp, Đam mê, Nhăng nhố… mà những “hòn đảo” ấy lắm khi đã đổ sụp như ở trong phim.
Những vấn đề về cảm xúc, trạng thái của con người được đặt ra trong “Inside Out” (có sự tư vấn góp sức của rất nhiều chuyên gia thần kinh học, tâm lý học…) như trạng thái căng thẳng, suy sụp, cần độ cân bằng trong cuộc sống, độ đàn hồi cho tâm hồn… đương nhiên cũng khiến người lớn bận lòng nhiều hơn trẻ nhỏ.
Càng lớn thì có thể người lớn càng dễ hiểu rằng cuộc sống là tổng hòa những “mảnh ghép cảm xúc”.
Một tâm hồn phong phú, khỏe mạnh thì cần biết trân trọng cả niềm vui, nỗi buồn, có thành sẽ có bại, có đớn đau mới càng nhận rõ đâu là hạnh phúc…
Vậy mà sao người lớn lại luôn dựng mọi hàng rào hòng triệt tiêu cảm xúc, tâm trạng có vẻ tiêu cực với các con mình, thậm chí theo hướng chỉ có “hạnh phúc vô trùng” được phép tồn tại?
Rất đơn giản rằng chẳng ai sống mà chỉ có một thứ cảm xúc Joy - Niềm Vui. Các bà, các mẹ tranh luận, phải chăng vì những điều “đơn giản” như thế?
Vậy là Pixar, với “Inside Out," một lần nữa góp thêm sắc màu mới cho hoạt hình bằng một bộ phim trẻ con xem thấy vui, còn người lớn xem được thức tỉnh (và cả được… tranh cãi).
Trước “Inside Out," đạo diễn Pete Docter đã từng “bổ khuyết” nhiều thứ khác cho người lớn với phim “Up” mà đến người già xem cũng thích, hay “Monsters Inc.” - dân công sở xem có thể mê.
Cùng hàng loạt phim xuất sắc khác như: “Wall-E," “Toy Story," “Brave," “Monsters University”… thì xưởng phim Pixar khác chi một “ngôi trường” mà có đôi khi, người lớn cũng cần nghĩ đến ngày khai giảng.
Ngôi trường đó giúp người lớn học hành, ngẫm nghĩ, “về thu xếp lại” cho tâm hồn.
Và rất nhiều khi, việc học qua một cuốn sách tô màu hay một bộ phim hoạt hình có tác dụng như một phương thức “trị liệu”./.