Người lính già truyền ngọn lửa cách mạng cho thế hệ trẻ

Trở về sau cuộc chiến, những người cựu chiến binh luôn vang vọng lời Tuyên ngôn Độc lập và họ đã truyền lại ngọn lửa cách mạng cho thế hệ sau qua những buổi nói chuyện với lớp trẻ.
Người lính già truyền ngọn lửa cách mạng cho thế hệ trẻ ảnh 1Trung tướng Phùng Khắc Đăng bảo, gia đình ông vẫn thường tổ chức "bữa cơm Độc lập" và kể lại chuyện xưa với thế hệ sau. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Trong cuộc chiến trường kỳ đánh đuổi kẻ thù, lời bản Tuyên ngôn Độc lập vang vọng trên Quảng trường Ba Đình đã tiếp bước cho những người lính Cụ Hồ chắc tay súng, vượt qua muôn trùng khó khăn để giành lại độc lập cho dân tộc.

Trong căn phòng nhỏ tại phố Phan Đình Phùng (Hà Nội), Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam không nói về mình. Ông hào sảng kể lại cho chúng tôi nghe những ngày gian khó trong cuộc trường chinh chống Mỹ, về kỷ niệm không thể quên trong tâm khảm người lính già về những ngày trọng đại của dân tộc.

Tinh thần độc lập qua ánh mắt

- Thưa Trung tướng Phùng Khắc Đăng, có lẽ không ai hiểu ý nghĩa của từ “độc lập” hơn những người lính đổ xương máu để giành lại tự do cho dân tộc. Là người dành trọn cuộc đời phục vụ trong quân đội, xin ông chia sẻ kỷ niệm của mình về ngày Quốc khánh?

Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Đối với lớp chúng tôi [ông Phùng Khắc Đăng sinh ngày 15/8/1945-pv], kỷ niệm về ngày Quốc khánh cách đây 70 năm chỉ được thông qua sách báo, phim ảnh, ​các thế hệ trước kể lại. Nhưng, dù không được chứng kiến thời điểm đó nhưng là con dân Việt Nam, ai cũng có thể mường tượng được sự kiện trọng đại ấy bởi đó là bước ngoặt lịch sử của cả dân tộc.

Qua tư liệu, tôi rất xúc động, ví dụ như hình ảnh người cận vệ bảo vệ lãnh tụ mặc quần soóc, đạp xe đạp trên đường phố trông thì mộc mạc nhưng có cảm giác gì đó rất oai hùng.

Sau này, tôi được nghe bố vợ kể lại một cách rất say sưa về những ngày cướp chính quyền giành độc lập ấy. Kỷ niệm ấy với tôi thật sâu sắc vì bản thân ông cũng là cán bộ đảng viên, chỉ huy trong quân đội và khi kể chuyện, tôi có cảm giác đó là những thước phim đọng lại trong ký ức của ông truyền sang cho tôi. Điều này giúp tôi hiểu thêm hơn nữa tình cảm của người dân ở thời điểm trọng đại ấy.

Khi lớn lên, trở thành người chiến sỹ trong quân ngũ rồi trở thành vị tướng trong quân đội, tôi càng có điều kiện được tiếp xúc với tư liệu. Điều này không chỉ giúp cho tôi nhận thức được, mà qua đó còn truyền cảm hứng, nhận thức ấy cho lớp bộ đội thuộc quyền của mình.

- Với ông, ngày lễ Quốc khánh nào ấn tượng nhất?

Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Tôi không được tận mắt chứng kiến những ngày lễ trọng ấy ở cấp độ quốc gia. Thế nhưng, tôi được chứng kiến hình ảnh của nhân dân nô nức với ngày Quốc khánh.

Ngày 2/9/1975, khi đất nước của chúng ta vừa mới hoàn toàn giải phóng. Lúc bấy giờ ở trong một khu rừng tại Quảng Nam, lễ kỷ niệm Quốc khánh diễn ra rất đơn sơ nhưng qua ánh mắt, nụ cười, tôi thấy bà con dân tộc đứng cùng bộ đội rất phấn khởi, hào hứng.

Khi anh em bộ đội hô khẩu hiệu, nhiều người không biết tiếng Kinh nhưng vẫn giơ tay lên và hô theo từ "Muôn năm, muôn năm," tôi cảm nhận có cái gì đó rất thiêng liêng…

Người lính già truyền ngọn lửa cách mạng cho thế hệ trẻ ảnh 2Bộ đội công binh Binh đoàn 29 mở đường Trường Sơn. (Ảnh: Vương Khánh Hồng - TTXVN)

Trăn trở sau cuộc chiến

- Tinh thần yêu nước, truyền thống quật khởi của dân tộc được Hội Cựu chiến binh Việt Nam truyền tải thế nào cho lớp trẻ sau này, thưa ông?

Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Giữa Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có văn bản ký kết phối hợp tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Bởi thế, hàng năm, đến những ngày lễ trọng, Trung ương Hội có văn bản chỉ đạo cho các cấp hội, biên soạn tài liệu gửi xuống cấp hội để nói chuyện với thanh niên. Đã có hàng vạn cuộc nói chuyện, chia sẻ, giáo dục truyền thống như thế.

- Thưa trung tướng, chiến tranh đã đi xa nhưng chúng ta chưa thể quên những mất mát, đau thương mà các cuộc chiến tàn khốc đã để lại cho dân tộc Việt. Giờ đây, những cựu binh như ông có trăn trở gì?

Trung tướng Phùng Khắc Đăng: Trong các cuộc kháng chiến vừa qua, quân và dân chúng ta hy sinh rất lớn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chúng ta có hàng triệu người tham gia kháng chiến đã hi sinh. Các cựu chiến binh như chúng tôi vẫn trăn trở một điều rằng nhiều anh em sinh ra, lớn lên có tên tuổi, quê quán nhưng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc đã ra đi mãi mãi mà không xác định được tên. Nay, dù có quy tụ được hài cốt của họ về nhưng trên bia mộ vẫn ghi là liệt sỹ chưa biết tên, chưa rõ tên. Con số này không nhỏ, có trên 300.000 người nằm rải rác trên các nghĩa trang liệt sỹ trong cả nước.

Trăn trở thứ hai là di chứng chất độc da cam dioxin. Theo tài liệu chưa đầy đủ, cả nước có khoảng 3-5 triệu người phơi nhiễm chất độc này và để lại hậu quả dai dẳng.

Bên cạnh đó, tình trạng tồn dư bom mìn, vật nổ vẫn còn. Dù trong thời bình, nhưng bất chợt ai đó đi vấp phải đầu đạn, quả mìn là lại xảy ra thương vong. Thực tế thì số người chết vì bom mìn sau chiến tranh không ít, lên tới hàng ngàn người.

Dù đất nước còn khó khăn nhưng Đảng và Chính phủ rất nỗ lực giải quyết các vấn đề này với những chủ trương, chính sách cụ thể… Nhưng, dù đã cố gắng rất nhiều song vẫn chưa đáp ứng được hết.

Lại nữa, có anh em bị thương tật do chiến tranh nhưng bị mất giấy gờ, không biết bấu víu vào đâu để giải quyết chế độ hoặc chứng nhận thương binh…

Ý thức điều này, từ khi được thành lập năm 1989, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã đặc ra nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh em. Hội đã tổ chức ra văn phòng trợ giúp pháp lý, tập hợp các luật sư quân đội để giúp miễn phí cho anh em.

Quan trọng nhất, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã chủ động đề xuất với Bộ Quốc phòng và các bộ ngành liên quan từng bước xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn cho các cựu chiến binh…

- Xin cảm ơn trung tướng!

Sinh năm 1945 tại Thạch Thất (Hà Nội), Trung tướng Phùng Khắc Đăng hiện là Ủy viên Đảng đoàn Hội Cựu chiến binh, Bí thư Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ủy viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Trước đó, ông từng giữ chức vụ Chủ nhiệm chính trị sư đoàn 2, Phó tư lệnh chính trị Quân khu 1. Năm 2011, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục