Viết hàng trăm lá thư tay gửi cho thân nhân các gia đình liệt sỹ để thông báo thông tin; từng cầm cố tài sản lớn nhất của gia đình để đi tìm đồng đội... đó là những việc làm thầm lặng của cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Dậu (thành phố Việt Trì, Phú Thọ) suốt hơn 30 năm qua, như lời tri ân sâu sắc của ông đối với những người đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất Mẹ.
Bán bò, “cắm” sổ đỏ lo việc nghĩa
Trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng, bên chiếc tủ cũ kỹ đựng những bức thư của người thân đồng đội, nhắc đến quá khứ, ông Dậu bồi hồi nhớ lại những ngày tháng cùng đồng đội vào sinh ra tử. Đó là năm 1967, khi ông viết đơn bằng máu tình nguyện lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và được điều về phục vụ tại Đoàn vận tải 3006, chiến đấu tại Khe Sanh, đường 9 Nam Lào.
Đến cuối năm 1968, ông được chuyển về Trung đoàn 28, Mặt trận Tây Nguyên. Tại đây, trong một trận chiến, địch tấn công hỏa lực mạnh nên nhiều đồng đội của ông đã hy sinh. Bản thân ông cũng bị thương. Chiến tranh kết thúc, ông chuyển ngành về công tác tại Nhà máy dệt Vĩnh Phú.
“Tôi là người may mắn còn sống sót sau những trận mưa bom, bão đạn của quân thù. Thật xót xa, máu của đồng đội tôi đã thấm đỏ đất Tây Nguyên, tự tay tôi đã chôn cất 14 đồng chí. Lúc đó tôi đã tự nhủ, nếu còn sống trở về tôi sẽ đi tìm đồng đội của tôi.” Ông Dậu tâm sự.
Ngay khi trở về quê hương, ý nguyện tìm lại đồng đội luôn cháy trong tâm can ông. Tuy vậy, thời điểm những năm 1978-1980, do kinh tế gia đình rất khó khăn, tài sản chẳng có gì đáng giá nên ông đành “lực bất tòng tâm.”
Hồi đó, với số lương ít ỏi khoảng 300.000 đồng/tháng, ông đã dành gần hết để mua tem gửi thư cho thân nhân của những người đồng đội mà ông biết. Đồng thời, ông thu thập thông tin đồng đội từ chương trình “Những người con hy sinh vì Tổ quốc” trên Đài tiếng nói Việt Nam. Sau khi có đầy đủ thông tin, ông lại tiếp tục gửi thư cho các gia đình có người thân đang nằm lại chiến trường. Nhờ những bức thư của ông nhiều liệt sỹ đã trở về được với quê hương của mình.
Năm 2004, ông Dậu quyết tâm dồn hết sức của mình để thực hiện tâm nguyện đi tìm đồng đội.
“Hồi đó nhà tôi khó khăn lắm, năm miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Chắt chiu, tiết kiệm từng đồng nhưng cũng chẳng đáng là bao. Cuối cùng tôi quyết định bán hai con bò - tài sản đáng giá nhất của gia đình - được vài triệu đồng. Chưa đủ, tôi tiếp tục thế chấp sổ đỏ. Tổng cộng được gần 10 triệu đồng, đủ chi phí lên đường đi tìm đồng đội,” ông Dậu kể.
Người cựu chiến binh bắt đầu liên lạc với gia đình đồng đội mà tự tay ông chôn cất để bắt đầu chuyến hành trình. Dường như đồng đội của ông đã chỉ lối cho ông thực hiện nghĩa cử này.
Chuyến đi đầu tiên, ông đã tìm được mộ liệt sỹ Hoàng Văn Thơm, quê ở xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Cũng trong chuyến đi đó, ông đã dành thời gian khảo sát các nghĩa trang ở Buôn Ma Thuột, Krông Bút,…và tìm được thông tin của hơn 400 liệt sỹ.
Ông Dậu nhớ mãi chuyến đi tìm hài cốt liệt sỹ Nguyễn Thanh Phúc, quê ở xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang). Ông kể: "Năm 2004, tôi vào nghĩa trang Buôn Ma Thuột tìm được mộ liệt sỹ Phúc, tuy nhiên do hồi đó hoàn cảnh gia đình liệt sỹ Phúc còn khó khăn nên chưa có điều kiện đưa liệt sỹ về quê nhà. Đến năm 2010, tôi lại tiếp tục cùng thân nhân gia đình liệt sỹ vào lại nghĩa trang Buôn Ma Thuột để tiến hành các thủ tục đưa liệt sỹ trở quê hương. Nhưng, không hiểu tại sao lại có sự nhầm lẫn về địa chỉ trên tấm bia ghi tên liệt sỹ Phúc. Tôi nhớ rất rõ chính tôi là người đã đi làm ảnh, tên và địa chỉ của liệt sỹ Phúc trên tấm bia đó năm 2004,” ông phân trần. Chuyến đi đó, ông Dậu phải trở về “tay trắng.”
Không nản chí, ông tiếp tục quay ra Bắc và một mình đi lo giấy tờ từ đơn vị cũ của liệt sỹ Phúc. Sau khi xong giấy tờ, ông và người thân liệt sỹ Phúc lại vào Buôn Ma Thuột và đã đưa được liệt sỹ Phúc về quê hương.
Sau chuyến đi kỷ niệm ấy, ông Dậu còn tổ chức thêm nhiều chuyến đi khác nữa. Tính đến nay, ông đã trực tiếp tìm được 50 hài cốt liệt sỹ, và gửi hơn 500 bức thư thông tin về hài cốt liệt sỹ trên mọi miền Tổ quốc.
Không những thế, ông cùng Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 305 rà soát lại danh sách các chiến sỹ của Sư đoàn đã hy sinh không có thân nhân thờ cúng. Rồi ôngvà đồng đội xin được chính quyền địa phương một khoảnh đất tại nghĩa trang An Thái (Việt Trì, Phú Thọ) để tập kết toàn bộ 59 bộ hài cốt của liệt sỹ thuộc Sư đoàn 305.
Hàng năm, cứ vào dịp lễ tết, ông lại lên nghĩa trang thắp nén nhang thơm, tưởng nhớ về những người đồng đội của mình.
Trái tim vàng trong căn nhà “trống”
Có lẽ tài sản lớn nhất của người cựu chiến binh đã bước vào tuổi 70 bây giờ là những lá thư, những tình cảm chan chứa mà những thân nhân của đồng đội ông dành cho ông.
Bà Trần Thị Kim, vợ của ông Dậu chia sẻ: "Năm xưa, khi ông ấy giấu vợ con bán bò và thế chấp bìa đỏ để lấy tiền đi tìm đồng đội, tôi và các con đã phản đối, bởi bản thân ông ấy là thương binh hạng 4/4, sức khỏe yếu, trong khi gia đình thì rất khó khăn. Nhưng sau này, tôi và các con rất ủng hộ việc làm của ông. Đó là việc làm để phúc cho con cháu sau này.
Căn nhà cấp bốn đã được xây dựng cách đây mấy chục năm của gia đình ông Dậu hiện không có đồ dùng nào có giá trị. Dù vậy, nơi đây vẫn là tổ ấm của những con người có trái tim nhân hậu và luôn mở rộng cửa đón tiếp rất nhiều đoàn khách từ mọi miền Tổ quốc tìm về nhờ ông Dậu đi tìm các liệt sỹ.
Ông Hoàng Văn Ngọc, con trai liệt sỹ Hoàng Xuân Lắm ở huyện Quảng Uyên, Cao Bằng đã viết những dòng thư đầy xúc động: "Tôi và gia đình đã lặn lội đi tìm phần mộ của bố tôi bao nhiêu năm nhưng không có tin tức. Nhờ có ông Dậu mà bố tôi đã được về yên nghỉ nơi chôn nhau cắt rốn. Gia đình tôi vô cùng cảm ơn ông."
Người cựu chiến binh đôn hậu tâm sự: “Chỉ khi nào tôi ngừng thở, tôi mới ngừng đi tìm những người đồng đội của tôi.” Nói rồi, ông lại cặm cụi với danh sách những người đồng đội để chuẩn bị cho những chuyến đi mới./.
Bán bò, “cắm” sổ đỏ lo việc nghĩa
Trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng, bên chiếc tủ cũ kỹ đựng những bức thư của người thân đồng đội, nhắc đến quá khứ, ông Dậu bồi hồi nhớ lại những ngày tháng cùng đồng đội vào sinh ra tử. Đó là năm 1967, khi ông viết đơn bằng máu tình nguyện lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và được điều về phục vụ tại Đoàn vận tải 3006, chiến đấu tại Khe Sanh, đường 9 Nam Lào.
Đến cuối năm 1968, ông được chuyển về Trung đoàn 28, Mặt trận Tây Nguyên. Tại đây, trong một trận chiến, địch tấn công hỏa lực mạnh nên nhiều đồng đội của ông đã hy sinh. Bản thân ông cũng bị thương. Chiến tranh kết thúc, ông chuyển ngành về công tác tại Nhà máy dệt Vĩnh Phú.
“Tôi là người may mắn còn sống sót sau những trận mưa bom, bão đạn của quân thù. Thật xót xa, máu của đồng đội tôi đã thấm đỏ đất Tây Nguyên, tự tay tôi đã chôn cất 14 đồng chí. Lúc đó tôi đã tự nhủ, nếu còn sống trở về tôi sẽ đi tìm đồng đội của tôi.” Ông Dậu tâm sự.
Ngay khi trở về quê hương, ý nguyện tìm lại đồng đội luôn cháy trong tâm can ông. Tuy vậy, thời điểm những năm 1978-1980, do kinh tế gia đình rất khó khăn, tài sản chẳng có gì đáng giá nên ông đành “lực bất tòng tâm.”
Hồi đó, với số lương ít ỏi khoảng 300.000 đồng/tháng, ông đã dành gần hết để mua tem gửi thư cho thân nhân của những người đồng đội mà ông biết. Đồng thời, ông thu thập thông tin đồng đội từ chương trình “Những người con hy sinh vì Tổ quốc” trên Đài tiếng nói Việt Nam. Sau khi có đầy đủ thông tin, ông lại tiếp tục gửi thư cho các gia đình có người thân đang nằm lại chiến trường. Nhờ những bức thư của ông nhiều liệt sỹ đã trở về được với quê hương của mình.
Năm 2004, ông Dậu quyết tâm dồn hết sức của mình để thực hiện tâm nguyện đi tìm đồng đội.
“Hồi đó nhà tôi khó khăn lắm, năm miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Chắt chiu, tiết kiệm từng đồng nhưng cũng chẳng đáng là bao. Cuối cùng tôi quyết định bán hai con bò - tài sản đáng giá nhất của gia đình - được vài triệu đồng. Chưa đủ, tôi tiếp tục thế chấp sổ đỏ. Tổng cộng được gần 10 triệu đồng, đủ chi phí lên đường đi tìm đồng đội,” ông Dậu kể.
Người cựu chiến binh bắt đầu liên lạc với gia đình đồng đội mà tự tay ông chôn cất để bắt đầu chuyến hành trình. Dường như đồng đội của ông đã chỉ lối cho ông thực hiện nghĩa cử này.
Chuyến đi đầu tiên, ông đã tìm được mộ liệt sỹ Hoàng Văn Thơm, quê ở xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Cũng trong chuyến đi đó, ông đã dành thời gian khảo sát các nghĩa trang ở Buôn Ma Thuột, Krông Bút,…và tìm được thông tin của hơn 400 liệt sỹ.
Ông Dậu nhớ mãi chuyến đi tìm hài cốt liệt sỹ Nguyễn Thanh Phúc, quê ở xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang). Ông kể: "Năm 2004, tôi vào nghĩa trang Buôn Ma Thuột tìm được mộ liệt sỹ Phúc, tuy nhiên do hồi đó hoàn cảnh gia đình liệt sỹ Phúc còn khó khăn nên chưa có điều kiện đưa liệt sỹ về quê nhà. Đến năm 2010, tôi lại tiếp tục cùng thân nhân gia đình liệt sỹ vào lại nghĩa trang Buôn Ma Thuột để tiến hành các thủ tục đưa liệt sỹ trở quê hương. Nhưng, không hiểu tại sao lại có sự nhầm lẫn về địa chỉ trên tấm bia ghi tên liệt sỹ Phúc. Tôi nhớ rất rõ chính tôi là người đã đi làm ảnh, tên và địa chỉ của liệt sỹ Phúc trên tấm bia đó năm 2004,” ông phân trần. Chuyến đi đó, ông Dậu phải trở về “tay trắng.”
Không nản chí, ông tiếp tục quay ra Bắc và một mình đi lo giấy tờ từ đơn vị cũ của liệt sỹ Phúc. Sau khi xong giấy tờ, ông và người thân liệt sỹ Phúc lại vào Buôn Ma Thuột và đã đưa được liệt sỹ Phúc về quê hương.
Sau chuyến đi kỷ niệm ấy, ông Dậu còn tổ chức thêm nhiều chuyến đi khác nữa. Tính đến nay, ông đã trực tiếp tìm được 50 hài cốt liệt sỹ, và gửi hơn 500 bức thư thông tin về hài cốt liệt sỹ trên mọi miền Tổ quốc.
Không những thế, ông cùng Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 305 rà soát lại danh sách các chiến sỹ của Sư đoàn đã hy sinh không có thân nhân thờ cúng. Rồi ôngvà đồng đội xin được chính quyền địa phương một khoảnh đất tại nghĩa trang An Thái (Việt Trì, Phú Thọ) để tập kết toàn bộ 59 bộ hài cốt của liệt sỹ thuộc Sư đoàn 305.
Hàng năm, cứ vào dịp lễ tết, ông lại lên nghĩa trang thắp nén nhang thơm, tưởng nhớ về những người đồng đội của mình.
Trái tim vàng trong căn nhà “trống”
Có lẽ tài sản lớn nhất của người cựu chiến binh đã bước vào tuổi 70 bây giờ là những lá thư, những tình cảm chan chứa mà những thân nhân của đồng đội ông dành cho ông.
Bà Trần Thị Kim, vợ của ông Dậu chia sẻ: "Năm xưa, khi ông ấy giấu vợ con bán bò và thế chấp bìa đỏ để lấy tiền đi tìm đồng đội, tôi và các con đã phản đối, bởi bản thân ông ấy là thương binh hạng 4/4, sức khỏe yếu, trong khi gia đình thì rất khó khăn. Nhưng sau này, tôi và các con rất ủng hộ việc làm của ông. Đó là việc làm để phúc cho con cháu sau này.
Căn nhà cấp bốn đã được xây dựng cách đây mấy chục năm của gia đình ông Dậu hiện không có đồ dùng nào có giá trị. Dù vậy, nơi đây vẫn là tổ ấm của những con người có trái tim nhân hậu và luôn mở rộng cửa đón tiếp rất nhiều đoàn khách từ mọi miền Tổ quốc tìm về nhờ ông Dậu đi tìm các liệt sỹ.
Ông Hoàng Văn Ngọc, con trai liệt sỹ Hoàng Xuân Lắm ở huyện Quảng Uyên, Cao Bằng đã viết những dòng thư đầy xúc động: "Tôi và gia đình đã lặn lội đi tìm phần mộ của bố tôi bao nhiêu năm nhưng không có tin tức. Nhờ có ông Dậu mà bố tôi đã được về yên nghỉ nơi chôn nhau cắt rốn. Gia đình tôi vô cùng cảm ơn ông."
Người cựu chiến binh đôn hậu tâm sự: “Chỉ khi nào tôi ngừng thở, tôi mới ngừng đi tìm những người đồng đội của tôi.” Nói rồi, ông lại cặm cụi với danh sách những người đồng đội để chuẩn bị cho những chuyến đi mới./.
Vũ Bắc (TTXVN)