Thời gian qua, nhiều mặt hàng tăng giá đã tác động lên mọi mặt của đời sống và mọi đối tượng trong xã hội. Trong đó, những lao động tự do, công việc bấp bênh, thu nhập thấp, đang phải thuê nhà trọ... là những đối tượng bị tác động nhiều nhất và phải đối mặt với những khó khăn chồng chất khi phải co kéo từng bữa ăn hàng ngày.
Cứ sáng sớm, chị Phùng Thị Phương (Vĩnh Tuy, Hà Nội) lại lọc cọc đạp xe từ nhà lên phố để bán vé số, rồi chiều muộn về nhà nấu cơm. Với thu nhập khoảng 250.000 đồng/ngày, chị luôn phải chắt bóp, tính toán chi tiêu thật cẩn thận để nuôi hai đứa con nhỏ.
Dạo gần đây, giá cả hàng hoá, thực phẩm bắt đầu tăng cao khiến chị Phương lo lắng nhiều hơn, bữa cơm vốn đã đơn giản nay càng trở nên đạm bạc. "Trước kia, với 50.000 đồng, tôi thường mua 2 lạng thịt lợn, mớ rau xanh, hôm thì ít cá, tôm đồng. Nhưng bây giờ, cũng với số tiền đó, tôi không thể mua được như trước. Bây giờ, rau cũng phải 8.000-10.000 đồng/mớ, còn thịt lợn từ 10.000-12.000 đồng nay đã tăng lên 15.000 đồng/lạng, chưa kể phải chi tiền cho đủ loại gia vị, tiền gas... Vì thế nên tôi phải ăn ít thịt đi, thay vào đó là trứng, đậu phụ," chị Phương nói.
Ngoài ra, giá tiền điện và tiền nước cũng tăng cao khiến chị Phương không dám bật điều hòa vào mùa hè nóng bức mặc dù trời Hà Nội đang rất oi ả. Ngoài ra, chủ nhà cho thuê vừa thông báo tiền nhà cũng tăng thêm 300 nghìn đồng mỗi tháng, làm cuộc sống vốn đã khó khăn của chị càng thêm khốn đốn.
"Hôm nào nóng quá thì ba mẹ con bật điều hoà 1-2 tiếng cho mát rồi tắt đi cho không khí nó mát, còn bình thường thì dùng quạt điện phe phẩy vậy thôi. Giờ giá cả thứ gì cũng tăng, tính kiểu gì cũng vẫn cứ thiếu trước hụt sau nên không biết làm sao để cân đối chi tiêu cho hợp lý,” chị Phương than thở.
Giá thịt lợn và điện sinh hoạt là nguyên nhân chính đẩy CPI tăng 0,05%
Giá thịt lợn “đắt đỏ” do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023 và giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng là nguyên nhân chính làm CPI trong tháng Năm tăng.
Trường hợp khác, anh Xuân Tùng (Hoàng Mai, Hà Nội), một xe ôm công nghệ sau khi hoàn thành chuyến xe bèn ghé vào quán phở quen để tranh thủ nghỉ ăn bữa trưa. Anh sững sờ khi được chủ quán cho biết giá phở đã tăng thêm 5.000 đồng/bát do giá nguyên liệu đầu vào tăng.
“Trước mỗi bát phở tôi ăn chỉ hết 30.000 đồng, nhưng giờ đã tăng thêm 5.000 đồng, ngay cả việc xin thêm nước phở cũng không còn dễ dàng như trước. Trà đá từ 3.000 đồng cũng lên 4.000 đồng/cốc. Giá cả hàng hóa tăng cao khiến tôi bất ngờ và chật vật hơn trong sinh hoạt hàng ngày,” anh Tùng kể.
Anh Tùng chia sẻ anh làm nghề này đã được hơn 5 năm, lúc trước thu nhập khá nhưng giờ số tiền kiếm được từ mỗi cuốc xe giảm sút đáng kể. Có ngày, anh chỉ kiếm được 100.000 đồng, những ngày tốt hơn thì khoảng 300.000 đồng. Tiền kiếm giảm đi còn giá cả thực phẩm, sinh hoạt lại tăng nên ngoài công việc lái xe, anh phải đi giao hàng, bốc vác để tăng thêm thu nhập.
"Có ngày mệt quá, về nhà chỉ muốn ngủ nhưng lại phải lo lắng về tiền thuê nhà, tiền học cho con. Giờ ở Thủ đô giá cả đắt đỏ từ ăn uống cho đến sinh hoạt, không biết con trụ được bao lâu,” anh Tùng cho hay.
Từ đầu tháng Sáu, tại các chợ đầu mối và chợ truyền thống trên địa bàn Thủ đô, giá của nhiều loại thực phẩm đã tăng khoảng 10-30% so với đầu tháng Năm. Đặc biệt, giá củ quả tăng mạnh, như dưa chuột từ 20.000-22.000 đồng/kg lên 25.000-27.000 đồng/kg, cà chua từ 18.000-20.000 đồng/kg lên 23.000-25.000 đồng/kg, mặt hàng rau xanh có cải xanh từ 6.000 đồng lên 8.000 đồng/mớ; rau ngót từ 5.000-6.000 đồng lên 8.000-10.000 đồng…
Ngoài ra, mặt hàng gia súc như thịt lợn cũng đang tăng cao. Thịt ba chỉ, nạc vai hiện tại là 145.000-150.000 đồng/kg; sườn thăn 150.000 đồng/kg; nạc mông, thăn 130.000 đồng/kg; mông sấn, vai sấn khoảng 110.000 đồng/kg, tăng từ 10.000-20.000 đồng/kg so với cách đây một tháng.
Không chỉ thực phẩm, một số mặt hàng tiêu dùng cũng tăng giá. "Sữa tăng 5.000 đồng/thùng, dầu ăn tăng 3.000-5.000 đồng/thùng, đường mỗi bao tăng từ 5.000-10.000 đồng. Thứ gì cũng tăng một ít," chị Hương, tiểu thương kinh doanh tạp hoá tại Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2024 vừa qua tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá thịt lợn, giá rau tăng, giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 tăng 0,05% so với tháng trước. Bên cạnh đó, khảo sát từ đơn vị này cũng cho thấy tình hình đời sống dân cư tháng Tư có khoảng 30,6% hộ gia đình đang chịu ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng dự báo giá tiêu dùng có thể tăng sau ngày 1/7 do thực hiện cải cách tiền lương và điều chỉnh giá điện theo cơ chế mới. Thị trường xuất khẩu tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa vững chắc, tỷ giá biến động mạnh trong thời gian đầu năm vừa rồi đã tác động đến kế hoạch nhập khẩu, sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh này, người lao động thu nhập thấp như chị Phương và anh Tùng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, buộc phải co kéo từng bữa ăn và cân nhắc chi tiêu từng đồng khi giá cả leo thang. Hy vọng các đơn vị chức trách sẽ đưa ra các chính sách quản lý của các ngành chức năng để giá cả ổn định, đời sống của người lao động được đảm bảo./.