Dưới cái rét “cắt da, cắt thịt” từ 8-10 độ C của tiết trời Hà Nội trong những ngày vừa qua, nhiều người dân lao động đang phải vật lộn rong ruổi trên các con đường, gồng mình làm việc từ sáng cho tới tối mịt để mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Có thâm niên làm nghề đóng, sửa giày gần 30 năm nay ngay góc đường phố Trung Kính (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Trung đều có mặt từ sáng sớm để bắt đầu ngày làm việc dù thời tiết giá rét.
“Thời tiết có khắc nghiệt, giá buốt hơn nữa thì tôi vẫn phải làm việc. Chỉ mong có được sức khỏe ổn định để tiếp tục bươn chải, kiếm sống, lo cho gia đình. Trời giá lạnh, cùng với dịch COVID-19 cũng khiến lượng khách giảm bớt nhưng vẫn có những ‘thượng đế’ quen thường xuyên tới ủng hộ sửa giày," ông Trung bày tỏ.
Là nhân viên vệ sinh môi trường đến nay đã được 17 năm, chị Phùng Thị Hoa (sinh năm 1982) kể công việc dọn dẹp, thu gom rác vốn dĩ đã rất vất vả, trời rét căm căm, tay chân lạnh cóng lại càng khó khăn muôn phần, ai cũng cố gắng hoàn thành sớm để còn về nhà trú rét.
“Ca làm của tôi bắt đầu từ 16 giờ chiều và có thể kéo dài đến 1 giờ sáng hôm sau. Quãng thời gian ngồi chờ xe đến chở rác đi là lúc lạnh nhất. Do phải làm việc ngoài trời, dù mặc thêm cả áo mưa nhưng cũng chẳng ăn thua trước rét buốt nên mấy chị em trong tổ phải đốt củi trên vỉa hè để sưởi ấm giữa đêm lạnh,” chị Hoa bộc bạch.
Theo như chị Hoa, vật giá sinh hoạt thường ngày cũng “leo thang” theo giá xăng. Vì thế, ngoài công việc vệ sinh môi trường, vào những lúc rảnh rỗi, chị nhận thêm công việc làm ngoài như lau nhà để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Anh Đặng Huy Hoàng, một nhân viên giao hàng của bưu điện, cho biết thời tiết lạnh giá nên mọi người cũng hạn chế ra đường, mua hàng online nhiều hơn nên một ngày phải giao nhiều đơn hàng hơn. Công việc của anh được tính lương dựa trên thành phẩm công việc nên dù trời có rét vẫn cố gắng làm nhiều nhất có thể.
“Giá xăng tăng nhưng tiền công giao hàng lại không đổi nên tính ra thu nhập cũng bị hạn chế nhiều dù lượng đơn phải giao tăng lên. Chạy xe ngoài trời ngày này phải chuẩn bị đầy đủ các đồ bảo hộ kín toàn người để chống buốt lạnh, chỉ hở mỗi đôi mắt để nhìn đường,” anh Hoàng chia sẻ.
[Người dân Hà Nội đốt lửa sưởi ấm giữa ban ngày trong đợt rét kỷ lục]
Tại chợ đêm Yên Sở và Long Biên, cánh phu khuân vác liên tục bốc dỡ, đẩy những xe hàng rau, hoa quả đến giao cho cửa hàng, đại lý hay khách mua.
Nhanh tay phân loại tôm tươi ở các thùng xốp, anh Vũ Minh Hiếu, nhân viên tại kiot bán hải sản chợ Long Biên cho biết công việc của mình chủ yếu bắt đầu từ khoảng 11 giờ đêm đến rạng sáng ngày hôm sau.
Chỉ tay vào khay đá vừa được để trong thùng xốp bảo quản hải sản tươi sống, anh Hiếu bảo, thời tiết này cho tay xuống nước bình thường đã buốt, chứ đừng nói đến nước đá. Để giữ ấm và tránh nước thấm vào người, bản thân đã phải chuẩn bị đầy đủ ủng, áo mưa, 2 lớp găng tay...
“Nước đá tan ra, thấm vào từng lớp găng tay. Trời rét buốt, việc ngâm tay trong nước lạnh nhiều giờ khiến đôi tay đỏ tấy cả lên. Vất vả là thế nhưng vẫn phải làm vì ít ra còn có công việc,” anh Hiếu thở dài.
Càng về chiều tối, gió rít từng hồi liên tục, thời tiết giá lạnh khiến công việc của những người lao động vốn đã vất vả, mệt nhọc lại thêm phần khó khăn./.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định do Bắc Bộ đón thêm đợt không khí lạnh tăng cường khiến nhiệt độ tiếp tục xuống thấp, khu vực chuyển sang trạng thái rét khô. Theo cơ quan khí tượng, do bộ phận không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống phía Nam, nên từ ngày 23 đến 24/2, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ít mưa, ngày có nắng; trời rét đậm, có nơi rét hại. |