Người lao động Mỹ đứng trước lựa chọn giữa sức khỏe và thu nhập

Người lao động càng thêm sức ép khi tình trạng thiếu hụt lao động buộc họ phải quyết định đi làm trở lại dù tình hình sức khỏe chưa ổn định nếu không thể đảm bảo tài chính khi nghỉ việc.
Người lao động đăng ký tìm việc tại trung tâm bán lẻ Target ở San Francisco, bang California (Mỹ). (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Trong bối cảnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang "hoành hành" làm tình hình dịch COVID-19 thêm phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường lao động tại các quốc gia, nhiều doanh nghiệp và cơ quan không còn hỗ trợ lương cho những lao động nghỉ ốm, khiến những người này buộc phải đưa ra lựa chọn khó khăn giữa sức khỏe và thu nhập.

Khi đại dịch mới bùng phát, nhiều công ty Mỹ từng đưa ra các chính sách hỗ trợ nhân viên nghỉ ốm. Tuy nhiên, kể từ khi chính phủ triển khai các chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, các chính sách này cũng được rút dần, ngay cả khi biến thể Omicron vẫn gây ra mối đe dọa đối với cả những người đã tiêm phòng đủ liều cơ bản.

Người lao động càng thêm sức ép khi tình trạng thiếu hụt lao động buộc họ phải quyết định đi làm trở lại dù tình hình sức khỏe chưa ổn định nếu không thể đảm bảo tài chính khi nghỉ việc. Giáo sư Daniel Schneider, chuyên ngành chính sách xã hội tại Trường Harvard Kennedy, thuộc Đại học Harvard (Mỹ), mô tả tình trạng hiện nay như một "vòng tròn luẩn quẩn."

Nhiều nhân viên nghỉ ốm đồng nghĩa với việc những người còn đi làm phải xử lý khối lượng công việc lớn hơn và trở nên qua tải, thậm chí phải đắn đo không biết có nên xin nghỉ ốm hay không dù bản thân cũng bắt đầu kiệt sức.

Đáng chú ý, người lao động thu nhập thấp, lương tính theo giờ, có nguy cơ chịu thiệt thòi hơn. Theo cuộc khảo sát do Cục Thống kê Lao động Mỹ tiến hành hồi tháng 3/2021, gần 80% các nhân viên trong lĩnh vực tư nhân được hưởng ít nhất một ngày nghỉ ốm có lương.

Tuy nhiên, ở nhóm 10% lương thấp nhất, chỉ 33% được hưởng chế độ này, trong khi trong nhóm 10% lương cao nhất, 95% được hưởng chế độ này.

Trong khi đó, cuộc khảo sát khác được Havard thực hiện vào mùa Thu vừa qua cho kết quả là 65% số lao động tham gia lấy ý kiến vẫn lựa chọn đi làm dù bị ốm. Con số này dù thấp hơn so với mức 85% vào thời điểm trước khi xảy ra đại dịch song cao hơn nhiều so với mức ước tính là an toàn cho thời điểm xảy ra khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu.

[Số lao động xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ giảm đáng kể]

Ở thời điểm dịch bệnh khó khăn, nhiều chủ doanh nghiệp cũng không có đủ tiền để chi trả cho nhân viên khi những người này nghỉ ốm, nên thay vào đó đã hỗ trợ nhân viên thuốc men và thực phẩm. Nhiều chủ doanh nghiệp thừa nhận phải "chật vật" tìm cách xoay xở, duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch diễn ra khó lường.

Đến nay, Chính phủ Mỹ dường như cũng chưa tìm ra được chính sách cụ thể và dài hạn giúp đỡ người lao động, dù đã có những nỗ lực cụ thể trong suốt khoảng thời gian diễn ra dịch bệnh.

Vào mùa Xuân năm 2020, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật yêu cầu hầu hết các chủ lao động phải hỗ trợ chế độ nghỉ ốm có lương đối với nhân viên mắc các bệnh liên quan COVID-19, song quy định này đã hết hạn vào 31/12/2020.

Theo Bộ Lao động Mỹ, Quốc hội sau đó cũng đã gia hạn các khoản tín dụng thuế cho những chủ lao động tự nguyện hỗ trợ lương cho nhân viên nghỉ ốm, song gia hạn đã hết hiệu lực vào cuối tháng 9/2021. Tháng 11/2021, Hạ viện Mỹ đã thông qua một bản kế hoạch "Build Back Better" (tạm dịch: Xây dựng lại tốt hơn) của Tổng thống Joe Biden, yêu cầu chủ lao động đảm bảo 20 ngày nghỉ phép có lương cho nhân viên nghỉ ốm hoặc nghỉ chăm sóc người thân bị ốm.

Tuy nhiên, dự luật này vẫn chưa được Thượng viện Mỹ thông qua. Giáo sư Schneider lo ngại tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn do sự xuất hiện của biến thể Omicron và tình trạng thiếu hụt lao động./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục