“Người lạ trong nhà” (Leïla Slimani) bắt đầu bằng một cảnh tượng kinh hoàng: một bé trai (hai tuổi) đã chết, một bé gái (bốn tuổi) đang hấp hối và người vú em trông giữ hai đứa trẻ (kẻ gây ra tội ác khủng khiếp này) cũng vừa tự kết liễu đời mình. Đó là mở màn của một bi kịch dai dẳng, ám ảnh và không hồi kết.
Cuốn tiểu thuyết được gợi ra từ một vụ sát hại trẻ em có thật ở New York (Mỹ) vào năm 2012.
[Tác giả “Nửa kia của Hitler” gửi lời chào tạm biệt Việt Nam]
Nữ nhà văn người Pháp (gốc Maroc) đã đẩy độc giả vào câu chuyện về “người lạ” bằng một cảnh tượng hỗn loạn, tang thương với hình ảnh về bàn thay tã, những món đồ chơi trẻ em vương vãi… “Để có một sự căng thẳng đủ kịch tính, tôi đi thẳng vào bi kịch,” tác giả chia sẻ.
Thế nhưng, “Người lạ trong nhà” không phải là hành trình phá án để tìm ra kẻ thủ ác.
Thay vào đó, bằng văn phong sắc gọn và những quan sát sắc bén, tác giả Leïla Slimani đã bắt được ra căn bệnh của xã hội hiện đại: làm sao để có thể vừa phát triển sự nghiệp vừa nuôi dạy con cái? Làm sao để sống trong xã hội lúc nào cũng vội vã này mà không phụ thuộc quá nhiều vào những “người lạ” - người giúp việc gia đình…?
Tác giả đã đặc tả sự ngạt thở, hoảng loạn của Myriam - mẹ của hai đứa trẻ nạn nhân khi trở về nhà sau giờ làm, đón nhận cảnh tượng rùng rợn đó, để dẫn dắt người đọc tới câu chuyện và những bi kịch trong gia đình một cặp vợ chồng trẻ.
Sau khi hai đứa con nối tiếp nhau ra đời, Myriam và Paul loay hoay tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống. Myriam là một phụ nữ có năng lực trong ngành luật, luôn khao khát được thoát khỏi cuộc sống của một bà nội trợ, quẩn quanh với việc chăm sóc con cái. Một đề nghị công việc đến đúng lúc đã kéo cô ra khỏi chuỗi ngày “để mặc mình cắn rứt trong nỗi chua chát và tiếc nuối.”
Việc tìm một người giúp việc gia đình đã giúp Myriam thoát khỏi những băn khoăn, dằn vặt ích kỷ khi quyết định lựa chọn trở lại với công việc yêu thích, thay vì ở nhà chăm sóc con cái.
Ban đầu, Louise (người giúp việc, thủ phạm của vụ sát hại hai đứa trẻ) là một “dòng suối” mát lành, sự vỗ về êm ái đối với Myriam. Nhờ Louise, Myriam có thể trở thành một người phụ nữ trọn vẹn cả sự nghiệp và gia đình (con cái khỏe mạnh, nhà cửa có người phụ giúp lau dọn, được dứt mình những tiếng khóc lóc, hờn dỗi của trẻ nhỏ để có những phút tự do cho bản thân và không gian riêng tư cùng chồng…).
“Mỗi ngày, cô lại bỏ mặc thêm một chút những nghĩa vụ của mình cho một Louise đầy lòng biết ơn. Chị vú em giống như những bóng đen trên sân khấu, những người di chuyển bối cảnh của vở diễn trong bóng tối... Louise làm việc trong hậu trường, kín đáo và mạnh mẽ. Chính chị là người nắm giữa những sợi dây trong suốt mà nếu không có chúng thì phép màu sẽ không thể xảy ra,” tác giả viết.
Giữa những khoảng lặng, Leïla Slimani lại khéo léo đưa vào những chi tiết đầy ám ảnh, như những dẫn dụ cho một bi kịch. Đơn cử như hình ảnh một bộ xương gà đã róc hết thịt được bày biện im lìm, ngay ngắn trên bàn bếp nhà Myriam, gợi sự chết chóc, tàn nhẫn: “Một bộ xương sạch bóng, không còn mẩu thịt nào dù là nhỏ nhất, không còn chút dấu vết nào của phần thịt. Cứ như thể nó bị rỉa sạch bởi một con kền kền hoặc một loại cồn trùng cứng đầu, tỉ mẩn.”
Mỗi nhân vật ở “Người lạ trong nhà” đều có những ẩn ức riêng. Trong gia đình ấy, người ở vị trí trung tâm kết nối những mối quan hệ không phải là người mẹ hay những đứa trẻ; thay vào đó là người giúp việc. Mầm mống của mọi bất ổn, bi kịch cũng xuất phát từ đây.
Ở “Người lạ trong nhà,” những lớp cảm xúc chồng xếp lên nhau, đan xen vào nhau, tạo thành một thứ hỗn hợp của tình yêu, sự đố kỵ và hận thù.
Leïla Slimani không chỉ kể câu chuyện của một gia đình ở Paris hoa lệ. Bi kịch ấy cũng có thể xảy đến ở bất cứ đâu trong xã hội hiện đại.
Leïla Slimani là nhà văn người Pháp gốc Maroc, sinh năm 1981. Năm 2014, Leïla Slimani xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay “Trong khu vườn của yêu tinh” (viết về thói nghiện tình dục ở phụ nữ). Với lối quan sát và kể chuyện sắc sảo, tự nhiên, Leïla Slimani lập tức gây được sự chú ý trong giới phê bình.
Năm 2016, “Người lạ trong nhà” đã dành giải Goncourt - một trong những giải thưởng văn chương danh giá nhất nước Pháp. Leïla Slimani trở thành người phụ nữ thứ 12 (trong tổng số 113 tác giả) từng giành giải thưởng này.
“Người lạ trong nhà” có tên gốc là “Chanson douce” [tạm dịch là “Bản nhạc dịu êm’ - PV]. Nhan đề “Người lạ trong nhà” do Nhã Nam đặt lại khi chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Bản dịch tiếng Việt “Người lạ trong nhà” do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành tháng 9/2017./.