Người khởi nghiệp từ niềm đam mê nghệ thuật lân sư rồng

29 tuổi, anh Lê Văn Hiền là trưởng đoàn Câu lạc bộ Lân Sư Rồng Hiền Long Đường được mời biểu diễn khắp nơi và có trong tay xưởng gia công đầu lân, rồng xuất khẩu sản phẩm đi nhiều nước trên thế giới.
Các thành viên Câu lạc bộ lân sư rồng Hiền Long Đường tập luyện. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Niềm đam mê với lân sư rồng theo anh Lê Văn Hiền, ở phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, từ khi còn là cậu bé 6 tuổi. Đến nay, anh đã 29 tuổi và là Trưởng đoàn Câu lạc bộ Lân Sư Rồng Hiền Long Đường do chính anh thành lập, lưu diễn nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Xưởng gia công đầu lân, rồng của anh Hiền đã tạo việc làm cho nhiều người khi sản phẩm được xuất đi nhiều nước trên thế giới.

Nói về anh Lê Văn Hiền, Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên phường Vĩnh Thanh Trần Hoàng Hân cho biết: “Nhiều năm qua, Câu lạc bộ Lân Sư Rồng Hiền Long Đường có vai trò tập hợp tốt thanh thiếu niên trên địa bàn và duy trì bền vững suốt từ khi thành lập vào năm 2011 đến nay.

Thành công của mô hình nhờ anh Hiền là thủ lĩnh tâm huyết, giỏi kỹ năng và có nghiệp vụ để tập hợp, đào tạo nghề cho các bạn trẻ. Câu lạc bộ không chỉ là nơi các bạn trẻ trau dồi đam mê, mà còn tạo ra thành quả lao động để duy trì đam mê của mình.”

Khi mới 6 tuổi, Lê Văn Hiền đã theo đoàn múa lân sư rồng ở Chùa Bà Thiên Hậu (phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá). Niềm đam mê với loại hình nghệ thuật lân sư rồng theo thời gian cứ lớn dần cùng với anh Hiền.

Anh tự học hỏi đàn anh đi trước những kỹ thuật biểu diễn cũng như cách làm đầu lân, rồng và dụng cụ biểu diễn. Từ năm 2008, anh Hiền bắt đầu mở xưởng gia công làm đầu lân, rồng tại nhà và tạo điều kiện cho nhiều bạn trẻ trong vùng cùng làm.

Anh Lê Văn Hiền kiểm tra công đoạn gắn lông cho đầu lân. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Vừa làm anh Hiền vừa vào Internet tìm hiểu, học hỏi thêm để hoàn thiện tay nghề và truyền lại cho anh em trong xưởng cùng làm.

Năm 2011, anh Hiền tập hợp anh em thành lập Câu lạc bộ Lân Sư Rồng Hiền Long Đường để thỏa mãn niềm đam mê từ nhỏ của mình và cũng là niềm đam mê của rất nhiều bạn trẻ khác.

[Triệu phú tự thân lộ bí quyết thành công, hạnh phúc, giàu có ở tuổi 30]

Đây cũng là nơi sinh hoạt, vui chơi, rèn luyện sức khỏe cho thanh thiếu niên trong khu vực.

Lúc mới thành lập, Câu lạc bộ chỉ có 6 thành viên nhưng đến thời điểm này, quân số đã lên tới 28 thành viên, trong đó, khoảng 10-12 thành viên vừa tham gia tập luyện, biểu diễn trong Câu lạc bộ, vừa làm trong xưởng gia công đầu lân, rồng của anh Hiền.

Tùy theo công đoạn gia công, các thành viên làm đầu lân, rồng được trả theo sản phẩm, khoảng 100.000-300.000 đồng/sản phẩm.

Hiền cho biết giá đầu lân là 10 triệu đồng/sản phẩm, đầu rồng là 6 triệu đồng/sản phẩm. Mỗi năm, xưởng gia công đầu lân, rồng của anh Hiền xuất đi các tỉnh, thành phố và nhiều nước trên thế giới (Malaysia, Singapore, Mỹ) khoảng 40-50 đầu lân, 30 đầu rồng.

Lợi nhuận thu được sau khi trả công cho anh em, mua nguyên vật liệu, anh Hiền lại dùng để duy trì hoạt động của câu lạc bộ, trang trải đồ đạc, dụng cụ tập luyện, biểu diễn cho anh em.

Với niềm đam mê của mình, anh Hiền dành cả ngày để làm đầu lân, đầu rồng, cả những khi chưa có khách đặt hàng.

Qua Internet, mạng xã hội, anh Hiền chụp ảnh sản phẩm của mình để mọi người khắp nơi tìm hiểu và đặt mua.

Anh Hiền chia sẻ: “Hơn 10 năm gắn bó với nghề gia công lân, rồng, các bạn diễn trong và ngoài tỉnh biết đến em nhiều hơn. Ngoài ra, nhiều bạn diễn ở nước ngoài thường đặt hàng qua mạng, nên lượng khách hàng ngày càng nhiều. Từ đó, thu nhập được cải thiện giúp em cùng các bạn có thể duy trì tốt hơn công việc và đam mê của mình."

Theo anh Hiền, từ khi thành lập đến nay, hầu như ngày nào câu lạc bộ cũng tập luyện, chỉ trừ những ngày mưa.

Giai đoạn đầu, mới bước vào tập luyện là thời gian rất khó khăn và thử thách. Các bài múa lân đòi hỏi kỹ thuật khá phức tạp và nhịp nhàng giữa các thành viên nên đội tập ban đầu rất vất vả.

Anh Hiền cho biết: “Có khi tụi em phải tập nguyên ngày dưới trời nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại nhưng không ai bỏ cuộc mà duy trì đến cuối buổi tập. Nhờ sự chịu khó và nhiệt huyết nên chuyện tập luyện dần dần đi vào nền nếp."

Các thành viên Câu lạc bộ lân sư rồng Hiền Long Đường tập luyện. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Anh Mai Quốc Khánh, thành viên Câu lạc bộ Lân Sư Rồng Hiền Long Đường cho biết: “Lúc đầu mới tập luyện, anh em chưa có thu nhập, kinh phí duy trì câu lạc bộ cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, các thành viên đều không nản chí duy trì, tập luyện, ngoài ra còn được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp Thanh niên phường Vĩnh Thanh về sân bãi, tạo điều kiện đi biểu diễn các nơi. Nhờ vậy, Câu lạc bộ có thêm kinh nghiệm và thu nhập để đảm bảo cuộc sống và duy trì chi phí hoạt động."

Thực tế, trong các sự kiện, những màn biểu diễn của Câu lạc bộ Lân Sư Rồng Hiền Long Đường góp phần làm cho buổi lễ trở nên long trọng.

Câu lạc bộ được mời biểu diễn nhân các sự kiện khai trương, lễ động thổ… với tiền thù lao từ 3-7 triệu đồng/lần biểu diễn tại các địa phương trong tỉnh Kiên Giang, hơn 10 triệu đồng/lần đi biểu diễn ngoài tỉnh như An Giang, Sóc Trăng hay ra đảo Phú Quốc. Tiền công sẽ được chia đều cho mỗi thành viên.

Những dịp lễ hội dân tộc, như Lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh được tổ chức hàng năm, Câu lạc bộ Lân Sư Rồng Hiền Long Đường luôn biểu diễn miễn phí để phục vụ người dân…

Đặc biệt, năm 2018 vừa qua, Câu lạc bộ Lân Sư Rồng Hiền Long Đường đã vinh dự giành giải ba môn Lân Địa vũ truyền thống trong Cuộc thi Lân Sư Rồng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức tại thành phố Cần Thơ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục