Khi mới tiếp xúc anh Phạm Văn Sơn trong lần đầu tiên gặp gỡ, tôi không hề nghĩ anh là một người khiếm thị. Sau khi nghe những người thân của anh kể lại, tôi mới biết cuộc sống của anh là cả sự cố gắng vượt lên trên bất hạnh của số phận để trở thành một con người tự lập và có ích cho cộng đồng.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân tại Thanh Oai, Hà Nội, anh không được may mắn như các bạn bè cùng trang lứa, bởi anh đã không thấy được ánh sáng ngay từ lúc chào đời.
Gia đình anh có tới ba anh chị em bị mù bẩm sinh, nhưng tất cả anh chị em trong gia đình anh đều được bố mẹ cho ăn học đầy đủ. Anh Sơn đã học cùng các bạn sáng mắt cho tới hết năm học phổ thông trung học với thành tích học tập tốt và được bạn bè trong lớp kính nể.
Ngoài việc học tập, hằng ngày Sơn vẫn giúp bố mẹ việc đồng áng, với những công việc như cấy lúa, chăm sóc và gặt hái như những thanh niêm khỏe mạnh khác trong làng.
Với nghị lực học hỏi và vươn lên của mình, năm 1995, Phạm Văn Sơn đã ghi tên mình vào khoa tiếng Anh, Viện Đại học Mở Hà Nội. Không dừng lại đó, khi vẫn đang theo học tại Viện Đại học Mở, năm 1997 anh đã thi vào học tại trường Y học dân tộc Tuệ Tĩnh (nay là Viện Y dược học cổ truyền Việt Nam).
Năm 2000, chàng thanh niêm khiếm thị Phạm Văn Sơn đã có trong tay hai bằng đại học về chuyên môn ở độ tuổi 24. Với nền tảng kiến thức của mình, chàng thanh niêm khiếm thị đã bắt tay chắp cánh cho những ước mơ bình dị, trước hết không là gánh nặng của xã hội và sau đó là có ích cho cuộc sống, giúp đỡ các bạn bè cùng cảnh ngộ.
Anh Phạm Văn Sơn đã mở phòng khám tại nhà để có thu nhập và đồng thời trau dồi chuyên môn. Cơ sở khám chữa bệnh tại nhà của anh Sơn ngày một đông và có uy tín không chỉ ở địa phương mà cả các huyện lân cận tại Hà Tây khi đó.
Ước mơ mở một cơ sở khám chữa bệnh tại thành phố lớn của anh đã được tiếp thêm sức mạnh khi anh được một số bà con vì cảm phục tinh thần vươn lên của anh cho vay vốn để mở phòng khám.
Với hơn 40 triệu đồng trong tay, anh Sơn ra Hà Đông để mở phòng phòng bấm huyệt, châm cứu. Trong một thời gian ngắn, cơ sở chuẩn trị y học dân tộc đã hoạt động hiệu quả.
Cho tới năm 2007, anh đã giúp đỡ được 18 người khiếm thị vào làm tại các cơ sở do anh phát triển với khoản tiền thu nhập từ 800.000 đồng tới 1,2 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, do sự cạnh tranh ngày một gay gắt, anh Sơn tự nhận thấy sẽ không đứng vững được nếu không có thêm kinh nghiệm cũng như sự giúp đỡ của cộng đồng.
May mắn đến với anh khi năm 2004, anh Sơn nhận được học bổng về xoa bóp Nhật Bản trong vòng 6 tháng tại tỉnh Okinawa do tỉnh hội Hà Tây giới thiệu. Sau đó anh tiếp tục nhận được học bổng tại khoa thủ thuật châm cứu của trường học trợ giúp đặc biệt thị giác, Đại học Tsukuba, Nhật Bản giai đoạn 2007-2011.
Trong quá trình học tại Nhật Bản, anh luôn thể hiện là con người chịu thương chịu khó, luôn là sinh viên xuất sắc trong các khóa học mình tham gia. Năm 2009, trong cuộc thi về “Hùng biện dành cho người khiếm thị tại Nhật Bản” Phạm Văn Sơn đã vượt qua rất nhiều ứng cử viên đến từ hơn 60 trường đại học ở Nhật Bản, để trở thành người hùng biện xuất sắc nhất tại cuộc thi.
Sau khi về nước, Phạm Văn Sơn đã nuôi ước mơ mở một trường cho người khiếm thị để giúp đỡ họ không những hòa nhập cuộc sống, mà còn nắm bắt được những tri thức tiên tiến trên thế giới.
Anh đã nỗ lực đi tới các tỉnh thành để vận động, tư vấn và nhờ trợ giúp cho các tỉnh thành về việc thành lập trường cho người khiếm thị. Tháng 12/2012, anh Sơn đã cùng ba người bạn khiếm thị thành lập nhóm “Điểm tựa” để giúp đỡ học sinh, sinh viên khiếm thị ở Hà Nội, hiện đã có nhiều tình nguyện viên tham gia và hoạt động tích cực, có hiệu quả.
Để thực hiện ước mơ của mình, anh Phạm Văn Sơn tiếp tục xin học bổng về nghiên cứu giáo dục trợ giúp đặc biệt tại khoa nghiên cứu giáo dục trường đại học Hiroshima, Nhật Bản từ năm 2013, sau đó chuyển lên học tại Đại học Công nghệ Tsukuba cho tới nay.
Một điều đặc biệt và đáng khâm phục ở anh Sơn là khả năng về tiếng Nhật của anh rất tốt, anh có thể nghe nói lưu loát, viết và dịch sách tiếng Nhật cho người khiếm thị.
Anh Sơn đã biên soạn được cuốn “Đông dược diễn ca,” đã dịch một số cuốn sách như “Sách giáo khoa chuẩn về xoa bóp dành cho người khiếm thị khu vực châu Á,” “ Lý giải và trợ giúp trong giáo dục trợ giúp đặc biệt,” “ Sách giáo khoa về não khoa học.”
Mong muốn của anh Sơn là xây dựng ở Việt Nam một trung tâm giáo dục trợ giúp đặc biệt để hỗ trợ người khuyết tật trong sinh hoạt, học tập, lao động, và dịch được nhiều sách liên quan đến giáo dục và y học từ tiếng Nhật sang tiếng Việt để góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như việc cải thiện chất lượng giáo dục dành cho người khuyết tật ở Việt Nam.
Ngồi với anh trong một ngày Thu se lạnh đầy nắng vàng tại Tsukuba, Nhật Bản, cảm nhận của tôi về anh là một người hoạt bát và rất thân thiện. Khi tôi hỏi anh về gia đình, anh hạnh phúc khi kể về một người vợ chu đáo, hết mực thương yêu chồng và hai thiên thần nhỏ. Đối với anh, đó là điểm tựa vững chắc để anh tiếp tục nỗ lực thực hiện những ước mơ của mình.
Chào tạm biệt anh Sơn ra về mà trong lòng tôi còn nhiều cảm xúc và thấy thêm yêu cuộc sống mà mình đang có. Anh, với những nỗ lực và sự yêu đời của mình, không chỉ giúp anh vượt qua được những bất hạnh trong cuộc sống, mà còn truyền cho những người quanh anh một ngọn lửa nghị lực và tinh thần lạc quan.
Cuộc sống của anh là một sự phấn đấu vượt lên số phận với những ước mơ cháy bỏng và nhân ái không chỉ cho bản thân mà cho cả cộng đồng./.